Trẻ sơ sinh hay cười khi ngủ là phản xạ tự nhiên của trẻ sơ sinh hoặc nó xảy ra khi não bộ của trẻ đang xử lý thông tin. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Lý do trẻ sơ sinh ngủ hay cười
- Cha mẹ cần hiểu rõ hơn về chu kỳ ngủ của trẻ
Lý do trẻ sơ sinh hay cười khi ngủ: Chu kỳ ngủ của trẻ
Mẹ đã bao giờ nghe thấy tiếng cười khúc khích ngọt ngào tự nhiên phát ra trong giấc ngủ của trẻ chưa? Sau đó có phải mẹ sẽ hốt hoảng chạy đến và kiểm tra xem có phải bé đang thức giấc và băn khoăn tìm lý do tại sao trẻ lại cười khi ngủ?
Có lẽ không phải mẹ nào cũng để ý rằng ngay cả người lớn cũng có thể cười khi ngủ. 1 lúc nào đó khi đang mơ màng trong giấc ngủ, đột nhiên mẹ nghe thấy tiếng chồng cười khúc khích mặc dù mắt vẫn đang nhắm tịt.
Mẹ đã biết chưa?
Thật ra không có lý do rõ ràng nào giải thích cho việc em bé ngủ hay cười, tuy nhiên có một số giả thuyết như sau:
Hành vi cười khi ngủ là phản xạ tự nhiên của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh đã có thể mơ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Tuy vậy, không hẳn trẻ đang cười vì một giấc mơ nào đó mà thực tế đó chỉ là một phản xạ tự nhiên trong giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM), hay còn gọi là giai đoạn ngủ động.
Trong giai đoạn ngủ động, trẻ sơ sinh có thể thực hiện các cử động trong vô thức. Một số cử động không tự chủ này tạo ra nụ cười hay tiếng cười của bé trong khi ngủ.
Lời khuyên cho mẹ:
Mặc dù rất hiếm nhưng chứng động kinh co giật có thể là nguyên nhân gây ra tiếng cười không kiểm soát được ở trẻ sơ sinh. Mỗi lần bé sơ sinh cười khi ngủ sẽ kéo dài khoảng 10 – 20 giây, bắt đầu khi trẻ được 10 tháng tuổi trở lên.
Nếu triệu chứng này thường xuyên xảy ra và làm bé thức giấc, cùng với ánh mắt vô thần, đờ đẫn của bé thì tốt nhất cha mẹ hãy cho trẻ đi khám bác sĩ.
Hành vi cười khi ngủ xảy ra khi não bộ của trẻ đang xử lý thông tin
Trong vài tháng đầu đời, trẻ sơ sinh làm quen với rất nhiều điều mới lạ từ cuộc sống xung quanh, từ cách mở mắt, cách cười, cách khóc… Đây là thời điểm cơ thể bé phải liên tục học cách xử lý những thông tin hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm đối với bé.
Việc xử lý thông tin ở não bộ của bé có thể trở nên quá tải khi ban ngày trẻ tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng, âm thanh, những hình ảnh cảnh vật xung quanh trẻ. Khi đi ngủ, bộ não của trẻ mới có thời gian xử lý các thông tin này.
Vì vậy, việc trẻ sơ sinh cười hoặc khóc trong khi ngủ chỉ đơn giản là dấu hiệu của việc não bé đang hoạt động xử lý thông tin. Trong những tháng phát triển quan trọng này, bé học hỏi rất nhiều về cảm xúc, sau đó phản ánh qua tiếng cười và tiếng khóc khi ngủ.
Lời khuyên cho mẹ:
Cha mẹ không nên đánh thức trẻ khi bé đang cười trong giấc ngủ vì hành động đó có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ của trẻ.
Cha mẹ cần hiểu rõ hơn về chu kỳ ngủ của trẻ
Chu kỳ ngủ của người lớn
Chu kỳ ngủ của người lớn kéo dài trong khoảng 90 phút mỗi chu kỳ, chuyển qua năm giai đoạn của giấc ngủ. Bốn giai đoạn đầu tiên là giai đoạn ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM), trong khi giai đoạn thứ năm là giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM).
- Giai đoạn 1: Giai đoạn này kéo dài trong một thời gian rất ngắn, hơi thở cũng như cơ sóng não sẽ chậm lại. Đây là thời điểm bắt đầu đi ngủ nên giấc ngủ tương đối nông
- Giai đoạn 2: Giai đoạn này chiếm khoảng 50% thời gian ngủ. Lúc này, mắt không chuyển động và hoạt động của não trở nên chậm hơn
- Giấc ngủ sâu ở giai đoạn 3 và 4. Cơ thể đã hoàn toàn nghỉ ngơi. Nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở và huyết áp đều giảm xuống mức thấp nhất. Các sóng não cũng là sóng chậm
- Giai đoạn 5: Giấc ngủ REM thường xảy ra từ 1.5 – 2 giờ trong một giấc ngủ bình thường. Khi giấc ngủ đạt tới giai đoạn REM, mắt sẽ di chuyển nhanh, liên tục có những giấc mơ. Hơi thở lúc này không đều, nhịp tim và huyết áp sẽ giống như thời điểm đang tỉnh táo. Cơ thể tạm thời ở trạng thái động giống như những gì nhìn thấy trong mơ.
Mẹ đã biết chưa?
Chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh
- Trẻ sơ sinh có chu kỳ ngủ ngắn hơn nhiều so với người lớn
- Đối với trẻ sơ sinh, chu kỳ giấc ngủ của bé chỉ kéo dài từ 30 – 50 phút. Chu kỳ giấc ngủ của bé sẽ dần dài hơn trong suốt thời thơ ấu.
Lời khuyên cho mẹ:
Giấc ngủ của mỗi bé sẽ khác nhau tùy vào từng bé. Nhiều bé chìm vào giấc ngủ sâu rất nhanh, trong khi một số bé khác lại chỉ có thể ngủ sâu giấc sau 20 phút ngủ nhẹ.
Trẻ sơ sinh ngủ mở mắt?
Có thể nói hiện tượng ngủ mở mắt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là khá phổ biến, mắt bé nhìn gần giống như mở trong khi đang ngủ.
Theo các bác sĩ y khoa thì đây là một hiện tượng hoàn toàn vô hại và không phải là bệnh, thường gặp nhiều nhất là vào độ tuổi từ sơ sinh đến khoảng 18 tháng tuổi.
Một số nhà khoa học cho rằng tình trạng thường xảy ra khi bé có một giấc ngủ REM – giấc ngủ mắt chuyển động nhanh, một giai đoạn rất tốt trong chu kỳ ngủ của bé.
Phần lớn giấc ngủ REM chiếm đến 50% tổng thời gian ngủ vì hàng ngày bé ngủ khoảng 14 – 16 tiếng, chỉ có khoảng 8 tiếng là giấc ngủ sâu. Thời gian còn lại ngoài việc chuyển động mắt nhanh, bé sẽ ngủ trong trạng thái mắt chưa nhắm hoàn toàn.
Tuy mắt chưa nhắm nhưng không phải là chất lượng giấc ngủ của trẻ không tốt, vì cơ thể bé vẫn được thư giãn và thể chất vẫn tăng trưởng một cách bình thường, khỏe mạnh.
Theo voh
Qua bài viết hy vọng cha mẹ đã hiểu rõ hơn tại sao trẻ sơ sinh hay cười khi ngủ. Nếu muốn con trẻ ngủ ngon hơn, hãy thử những lời khuyên như bài viết trên đã đề cập. Một lời khuyên thú vị nữa là mẹ đừng quên chụp những bức ảnh vô cùng dễ thương của con khi đang mỉm cười trong giấc ngủ để lưu lại trong album ảnh của bé.
Theo theAsianparent Singapore
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!