Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc hay giật mình thường khiến chúng ta lo lắng. Tuy nhiên thực tế đây là một trạng thái sinh lý khá bình thường của trẻ sơ sinh. Thay vì hoang mang, hãy cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân cũng như giải pháp giảm thiểu tình trạng này và mang lại giấc ngủ ngon cho bé yêu.
Nội dung bài viết:
- Hiểu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
- Vì sao bé ngủ không sâu giấc hay giật mình?
- Làm gì để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh hay giật mình?
Hiểu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh – Bác sĩ Nhi – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết, giấc ngủ của trẻ sơ sinh thay đổi theo số tháng tuổi của bé
- Trẻ dưới 1 tháng tuổi hầu như ngủ suốt ngày đêm và chỉ thức dậy để bú (sau mỗi 2-3 giờ).
- Trẻ từ 3 tháng tuổi có thể ngủ suốt đêm (6-8 tiếng) mà không cần bú. Các trường hợp trẻ non tháng, nhẹ cân, trào ngược dạ dày… hay có vấn đề về sức khỏe thì phải cho bú thường xuyên hơn
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh rất quan trọng (Ảnh: istockphoto)
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh cũng chia làm nhiều giai đoạn. Thông thường bé sẽ ngủ theo 4 giai đoạn:
- Buồn ngủ: Mí mắt sụp xuống, ngủ gà gật
- Ngủ lơ mơ: Bé vẫn có cử động, có thể giật mình, vặn mình hoặc rên
- Trẻ ngủ sâu: Im lặng và không cử động
- Ngủ rất sâu: Im lặng và không cử động.
Sau khi diễn tiến tuần tự theo 4 giai đoạn này, bé sẽ quay lại giai đoạn ngủ lơ mơ và chuyển sang giấc ngủ nhanh (giấc ngủ nông, trẻ sẽ nằm mơ và mắt cử động nhanh). Trong vài tháng đầu, trẻ sơ sinh hay bị giật mình khi chuyển từ ngủ sâu sang ngủ lơ mơ và khó ngủ trở lại.
Nội dung liên quan
Nguyên nhân và cách khắc phục bệnh kiết lỵ ở trẻ sơ sinh
Vì sao trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc hay giật mình
Các kiểu ngủ của trẻ sơ sinh được phân thành 2 loại là ngủ động và ngủ tĩnh, chiếm thời gian gần bằng nhau (50%) trong những tháng đầu đời.
- Ngủ động: Trong giấc ngủ động trẻ sẽ cử động tay chân, cơ mặt (nhăn nhó hoặc miệng cười), cơ thể vặn vẹo, uốn éo đôi khi trẻ sẽ rên ư ử. Và bé rất dễ bị đánh thức trong giấc ngủ này.
- Ngủ tĩnh: Trẻ nằm yên, nhịp thở sâu và đều đặn. Trẻ ngủ ngon và ít thức giấc, khó đánh thức trẻ. Đó là lý do bé sơ sinh thường ngủ không sâu giấc, hay bị giật mình, vặn vẹo, uốn éo.
Điều này khiến nhiều mẹ hiểu lầm bé bị thiếu canxi, vitamin D. Tuy nhiên sau 3 tháng, giấc ngủ động chỉ còn 25-30% và giảm dần đến lúc bé trưởng thành còn 20%. Lúc này bé sẽ ngủ sâu giấc hơn, tình trạng giật mình trong lúc ngủ sẽ được cải thiện đáng kể.
Các nguyên nhân thông thường khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc hay giật mình
Theo các chuyên gia nhi khoa, có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trẻ sơ sinh bị giật mình khi ngủ. Với mỗi nhóm nguyên nhân, bố mẹ cần có những biện pháp can thiệp khác nhau.
- Môi trường chính là nguyên nhân đầu tiên khiến bé hay vặn mình ngủ không sâu giấc khi ngủ. Trẻ sơ sinh vốn đã quen với môi trường an toàn, ấm áp và yên tĩnh trong bụng mẹ. Khi chào đời, bé đến với một thế giới khác sôi động, rộng lớn và nhiều điều khác lạ hơn. Tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ, những va chạm mạnh đều khiến bé lo sợ. Phản xạ giật mình trong khi ngủ chính là biểu hiện cho thấy bé cảm thấy sợ hãi, bất an. Trạng thái này sẽ kết thúc sau vài tháng khi bé đã quen với môi trường mới.
- Bé sơ sinh bị giật mình cũng có thể do quần áo hay tã vải. Các mẹ nên nhớ rằng da bé sơ sinh rất nhạy cảm. Vì thế nếu mặc quần áo không mềm mại hoặc chật chội, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, dẫn đến tình ngủ không sâu giấc và hay giật mình.
- Việc ba mẹ có thói quen bế trẻ, đu đưa trẻ trước khi ngủ làm bé bị phụ thuộc vào các thói quen này và sẽ không ngủ được nếu không có dụng cụ hỗ trợ.
- Ánh sáng ở môi trường xung quanh hoặc trẻ tiếp xúc với ánh sáng điện thoại, tivi, máy tính… trước khi ngủ cũng là nguyên nhân bé ngủ không sâu giấc và hay giật mình. Ánh sáng sẽ làm giảm sản xuất melatonin, một hormone có vai trò quan trọng giúp điều hòa nhịp sinh học ngủ- thức, giúp ngủ ngon và thức dậy tỉnh táo vào hôm sau.
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc có nhiều nguyên nhân khác nhau (Ảnh: istockphoto)
Các nguyên nhân sinh lý khiến trẻ giật mình khi ngủ
Các hiện tượng sinh lý như tiểu tiện, đại tiện trong khi ngủ cũng khiến trẻ sơ sinh giật mình. Khi có nhu cầu, bé sẽ cần gồng người lên để tống chất thải ra ngoài.
Việc cho bú sai cách trước khi ngủ cũng có thể dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh dễ bị giật mình. Trẻ sẽ giật mình ọc sữa khi ngủ nếu mẹ cho bú quá nhiều. Ngược lại nếu bú quá ít, trẻ cũng sẽ giật mình sau khi ngủ vì đói bụng.
Nhóm nguyên nhân bệnh lý khiến trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình
Thông thường sau vài tháng chào đời, bé sẽ không còn bị giật mình khi ngủ. Tuy nhiên nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra với tần suất cao, bố mẹ cũng nên cẩn trọng. Có thể bé đang mắc phải một số bệnh lý dưới đây:
- Hạ canxi huyết là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện của bệnh là việc trẻ dễ kích động, phản ứng mạnh với các tác nhân môi trường. Trong khi ngủ, trẻ hạ canxi hay rướn mình, giật mình hoặc quấy khóc.
- Trào ngược dạ dày cũng là nguyên nhân khá phổ biến khiến trẻ sơ sinh dễ bị giật mình và ngủ không ngon. Bệnh lý trên xuất hiện do cơ địa trẻ cũng như việc cho bú quá nhiều của mẹ.
- Bệnh lý về gan cũng góp phần làm trẻ bị giật mình và ngủ không sâu giấc. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ bị vàng da, cơ thể sản sinh bilirubin quá mức cần thiết. Điều này khiến não bộ trẻ sơ sinh tổn thương. Bố mẹ cần rất lưu ý kiểm tra khi thấy màu da của bé ngã vàng.
- Côn trùng cũng là một đối tượng khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc hay giật mình. Ngoài ra, các trẻ có làn da quá nhạy cảm, dễ tổn thương hay các bệnh lý thần kinh cũng thường bị giật mình.
- Trẻ bị còi xương do thiếu canxi, trẻ thiếu 1 số vi chất như kẽm, mangan dễ bị rối loạn giấc ngủ. Đặc biệt trẻ thiếu sắt thường có biểu hiện cử động giật chân làm bé mệt mỏi, hay ngủ vào ban ngày và ngủ không sâu giấc về đêm
- Trẻ bị nhiễm khuẩn đường mũi họng, đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, viêm phế quản… nên khó thở, phải thở bằng miệng dẫn đến ngủ không sâu giấc
- Các trường hợp trẻ bị béo phì, cơ đường thở phì đại làm bé khó thở, khó nuốt nên khó ngủ, thở bằng miệng, đổ nhiều mồ hôi, hay tè dầm…
Chủ đề liên quan
Trẻ sơ sinh ngủ ngon một mạch đến sáng, cha mẹ khỏe re chỉ với một số mẹo dân gian đơn giản
Làm gì để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh hay giật mình?
Hạn chế tác động của yếu tố môi trường, quần áo với bé
- Thiết kế lại không gian ngủ phù hợp cho bé. Phòng ngủ nên có nhiệt độ ổn định, yên tĩnh, tránh ánh sáng quá gay gắt.
- Bố mẹ nên thường xuyên vệ sinh giường ngủ, tránh côn trùng xâm nhập. Ngoài ra ga trải giường và các trang phục phải có chất liệu mềm mại với làn da của trẻ.
- Chọn loại tã phù hợp với làn da của trẻ, có khả năng thấm hút tốt, êm ái, mềm mại.
Tránh để trẻ bị ảnh hưởng bởi nhóm nguyên nhân sinh lý
- Không cho trẻ bú quá ít hoặc quá nhiều để tránh bệnh lý trào ngược dạ dày.
- Cho trẻ tắm nắng thường xuyên để cung cấp đủ lượng vitamin D và canxi. Cần bổ sung các vi khoáng chất cần trong bữa ăn hằng ngày của mẹ. Nhờ vậy nguồn sữa mẹ sẽ cũng cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng hơn cho bé.
- Khi trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc hay giật mình, mẹ nên ôm trẻ vào lòng. Đây là cách giúp trẻ ngủ ngon sâu giấc đơn giản, khiến trẻ cảm thấy an toàn, được chở che và bảo vệ.
Ôm ấp và vuốt ve giúp giảm tình trạng trẻ sơ sinh hay giật mình
Cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của trẻ
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc hay vặn mình ngoài biểu hiện sinh lý bình thường ra bé còn đang biểu đạt cảm xúc của mình như bé khó chịu, ngứa ngáy, mệt mỏi, ngủ không đủ giấc, bé đói, tã quá ướt…Do đó bố mẹ hay quan tâm đến cảm xúc của con kỹ để có thể hiểu và đáp ứng nhu cầu của tr
Kiểm tra vùng nhạy cảm cho bé một cách thường xuyên
Khi bé vặn mình, khó chịu, quấy khóc… thì cha mẹ nên để ý các vùng da nhạy cảm xem trẻ có bị hăm, viêm loét, mẩn đỏ hay không. Nếu bị cần đưa bé đến các cơ sở y tế khám để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Trên đây là những cách đơn giản để bố mẹ cùng bé vượt qua tình trạng giật mình khi ngủ. Thông thường bé sẽ giảm giật mình sau những tháng đầu đời. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài, bố mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra và điều trị sớm nhất có thể nhé.
Nguồn tham khảo: Cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon sâu giấc – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!