Trẻ chậm biết đi – Nguyên nhân từ đâu và cách khắc phục? Hẳn nhiều ông bố bà mẹ không khỏi lo ngại khi con mình chậm biết đi hơn các bé cùng độ tuổi. Vậy đâu là lý do bé chậm biết đi và bố mẹ có thể làm gì để thúc đẩy quá trình tự đi của con không? Hãy cùng tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây nhé
Trẻ thế nào gọi là chậm biết đi?
Để tự bước đi trên đôi chân của mình bé cần có đủ các điều kiện sau: khung xương đủ cứng cáp, hệ thống thần kinh và cơ bắp phát triển bình thường. Trung bình trẻ bắt đầu tập đi khi được 12 – 14 tháng tuổi và tùy thuộc thể trạng từng bé mà thời gian này có thể xê dịch trong khoảng tháng thứ 10 – 18 đầu đời. Bé được coi là chậm biết đi khi đủ 18 tháng tuổi mà vẫn chưa biết đi một cách ổn định và độc lập không phụ thuộc và sự giúp đỡ của người lớn.
Vì sao trẻ chậm biết đi
Lý do chậm biết đi ở mỗi bé là khác nhau. Mặc dù có nhiều nguyên nhân làm trẻ chậm biết đi nhưng chung quy lại có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
Trẻ sinh non thiếu tháng
Trẻ sinh non là trẻ ra đời khi chưa hoàn tất quá trình lớn lên trong bào thai. Em bé sinh non thiệt thòi hơn bé sinh đủ tháng do các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện bao gồm cả hệ vận động. Mặc dù không phải em bé sinh non nào cũng chậm biết đi nhưng đây là nguyên nhân phổ biến hàng đầu của hiện tượng này.
Trẻ bị các bệnh lý bẩm sinh
Các bệnh lý bên trong nội tạng có thể khiến thể lực của bé kém đi, làm em bé không thể biết đi đúng theo thang đo phát triển. Một số bệnh gây cản trở việc tập đi của bé như bệnh tim bẩm sinh, xương thủy tinh, viêm teo gan,… mặc dù không tác động trực tiếp tới hệ thần kinh vận động nhưng có thể gián tiếp ảnh hưởng tới sức mạnh của cơ. Em bé chỉ đủ sức để duy trì sự sống nên không có đủ thể lực để làm các việc khác như tập đi.
Bại não cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm biết đi. Bệnh này khiến não bộ của trẻ không phát triển đầy đủ, nhất là vùng não vận động nằm ở vùng thóp kéo ra phía trước trán. Khi vùng này không hoàn thiện, bé sẽ chậm biết đi hay thậm chí là không đi được.
Một số ít trường hợp trẻ có cơ bắp hoặc cấu trúc cơ thể bị những bệnh lý bất thường như chứng loạn dưỡng cơ, dị tật một đoạn xương chân (đặc biệt là đoạn khớp với xương hông), teo cơ bắp chân, suy nhược cơ hay một số bệnh về cơ bắp khác. Những rối loạn này đặc biệt hay gặp ở tay và chân. Đặc điểm nhận dạng của những em bé mắc các chứng bệnh này là chân tay rất bé, yếu ớt, không có vận động phản xạ liên tục và vận động tự phát. Do đó, em bé thường không thể biết đi đúng thời điểm như các bé khỏe mạnh khác.
Cha mẹ chăm sóc không đúng cách
Những em bé được cha mẹ bảo bọc quá mức, bế đi mọi nơi và không tạo điều kiện cho con tập đi cũng chậm biết đi hơn các trẻ khác.
Ngoài ra chế độ chăm sóc không phù hợp khiến bé bị suy dinh dưỡng, cơ thể còi cọc, thiếu vitamin D và canxi cũng gây ra chứng chậm đi ở trẻ. Bé bị yếu cơ, xương nên không đủ sức đứng dậy đi lại dẫn đến tình trạng chậm biết đi.
Một lý do làm bé chậm biết đi khác là bé bị thừa cân. Trọng lượng cơ thể lớn mà cơ chân bé chưa đủ khả năng nâng đỡ, dẫn đến bé khó di chuyển cơ thể và tập đi.
Còn một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng chậm đi ở trẻ như tính cách tự nhiên của trẻ chỉ thích nằm hoặc ngồi một chỗ hay tâm lý nhút nhát, sợ ngã đau. Tùy nguyên nhân bé chậm đi mà cha mẹ có phương án hỗ trợ và phát triển hệ vận động cho bé để đuổi kịp bạn bè cùng trang lứa.
Làm gì để tránh trẻ chậm biết đi
Ngay từ khi mang thai mẹ nên áp dụng chế độ ăn uống đa dạng, đủ chất và lượng để bào thai được cung cấp đầy đủ dưỡng chất nhất có thể. Trong suốt quá trình cho con bú mẹ cũng nên duy trì chế độ ăn để sữa mẹ cung cấp cho bé đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để phát triển tối đa.
Sau khi ra đời bé cần được phơi nắng mỗi ngày để tổng hợp vitamin D cần thiết cho hấp thụ canxi giúp cho hệ xương của bé cứng cáp. Bên cạnh phơi nắng mẹ cũng nên bổ sung vitamin D cho bé qua đường uống với liều lượng thích hợp. Nếu trẻ không được cung cấp đầy đủ vitamin D bé sẽ bị còi xương, suy dinh dưỡng (dị dạng xương), trẻ yếu cơ, đau nhức, trẻ chậm vận động, hấp thụ dinh dưỡng kém.
Cha mẹ nên kích thích bé vận động từ sớm. Hình thức vận động thay đổi theo số tháng tuổi của bé như nằm sấp, nhìn sang trái phải, rướn người, ngồi, bò, vịn đứng, tập đi.
Thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng hợp lý theo tuổi. Mỗi ngày, bé cần được ăn đủ nhu cầu, uống đủ sữa tùy theo tháng tuổi, giúp bé cứng cáp, nhanh biết đi.
Cha mẹ nên cho bé tập đi khi bé được 11 – 12 tháng. Lưu ý không nên cho bé tập đi sớm vì xương của bé còn mềm nên chân dễ bị cong. Đối với bé nhút nhát, hãy khuyến khích bé tập đi bằng cách trưng bày đồ chơi bé thích phía trước mặt cách xa bé vài mét.
Cách khắc phục trẻ chậm biết đi
Thông thường khi cơ xương đủ cứng cáp, em bé sẽ bắt đầu tập đi những bước đầu tiên. Trẻ không cần được dạy cách đi nhưng cần được khuyến khích và có cơ hội tập đi, đặc biệt là những bé chậm biết đi. Đừng quá sốt ruột mà hãy kiên nhẫn giúp con tập đi thông qua các cách sau:
Thay vì sử dụng các loại giày dép tập đi khiến bé lạ lẫm, các chuyên gia vận động khuyến khích nên cho bé đi chân trần khi bé có dấu hiệu chậm đi. Chân trần sẽ có hiệu quả trong việc cân bằng được trọng lượng cơ thể. Bé đi chân trần cũng tạo cảm giác thật, phân bổ trọng tâm đều hơn. Bố mẹ hãy tập đi chân trần cho bé ở không gian bằng phẳng, sạch sẽ, không có dị vật dưới nền và cho bé đứng thẳng, mẹ đứng trước mặt hoặc sau lưng và giữ 2 tay bé rồi kéo về phía trước để bé có phản xạ nhấc chân đặt xuống và bước đi.
-
Nâng giữ người và hỗ trợ khi trẻ tập đi
Trong giai đoạn chập chững đầu đời, lực cơ thể con còn yếu và chưa đủ sức để nâng đỡ cả cơ thể hay đứng vững trong thời gian dài. Vì vậy bé rất cần có người lớn bên cạnh nâng giữ người và hỗ trợ khi trẻ tập đi. Khi có cha mẹ bên cạnh bé cũng sẽ cảm thấy an toàn và yên tâm hơn. Tinh thần thoải mái cũng giúp bé tập trung hơn khi được hướng dẫn bước đi.
Hai tư thế chính cha mẹ nên lưu ý khi nâng giữ người là cầm 2 tay con hướng về phía trước hoặc mẹ đứng sau lưng bé, đưa tay mẹ ở phía dưới nách bé, người bé và người mẹ cách nhau 1 khoảng cách nhỏ. Mẹ đẩy người bé về phía trước để kích thích. Khi bé đã có phản xạ, mẹ có thể nới lỏng dần tay và lực giữ để bé tự đứng được và mạnh dạn bước đi hơn.
-
Sử dụng đồ chơi bắt mắt để lôi kéo sự chú ý của bé
Trừ các vấn đề về bệnh lý, lúc này trí não và các giác quan của bé đã phát triển hơn. Bé thường chú ý tới những món đồ bắt mắt và phát ra âm thanh. Mẹ hãy chọn 1 loại đồ chơi mới, cầm trong tay và ngồi trước bé 1 khoảng cách vừa đủ để kích thích con tò mò và tìm cách đến lấy, hãy tạo ra âm thanh hoặc gây sự chú ý bằng lời nói để con tạo ra các phản xạ trườn, bò, đứng vịn, đi men về hướng mẹ.
Hãy khuyến khích con bằng cách cổ vũ, khích lệ bé khi có những vận động này. Lưu ý những đồ vật mẹ sử dụng nên là những đồ chơi an toàn, không gây hại cho bé.
Mỗi em bé có một giai đoạn phát triển khác nhau. Đừng vội sốt ruột khi thấy các bé cùng độ tuổi có thể biết đi hay làm những việc khác mà con mình chưa làm được. Hãy luôn tôn trọng quá trình lớn lên của bé, tìm hiểu nguyên nhân và tích cực hỗ trợ con trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời nhé.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!