Trẻ 2 tuổi bị nôn liên tục đi kèm với các triệu chứng như sốt kéo dài kèm theo co giật, nôn ra máu, dịch xanh, vàng…bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
- Vì sao trẻ 2 tuổi nôn liên tục?
- Cách chăm sóc trẻ bị nôn tại nhà
- Khi nào nên cho trẻ đến gặp bác sĩ?
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Câu hỏi: Vì sao trẻ 2 tuổi nôn liên tục? Làm sao để khắc phục tình trạng này? Khi nào cần đi khám Bác sĩ?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Trẻ 2 tuổi khi bị nôn nhiều lần có thể do các nguyên nhân như viêm dạ dày ruột, ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng đường tiết niệu, tắc ruột, lồng ruột, hẹp phì đại môn vị, trào ngược dạ dày thực quản. Tùy theo triệu chứng đi kèm của trẻ mà có chẩn đoán phù hợp.
Khi trẻ bị tình trạng trên, mẹ cần cho trẻ nằm đầu cao hoặc nằm nghiêng để tránh chất nôn bị tràn vào khí quản gây sặc. Mẹ cần bù nước cho trẻ bằng dung dịch Oresol, cho trẻ uống từng ngụm, nếu trẻ nôn ra thì nên cho trẻ nghỉ ngơi rồi uống lại sau 10 phút. Nếu trẻ còn bú mẹ thì tiếp tục bú, chia nhỏ các bữa ăn và cho trẻ ăn theo nhu cầu, tránh ép trẻ ăn, sau ăn nên vận động nhẹ nhàng tránh khiến bé nôn. Trong quá trình chăm sóc trẻ mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh lây lan bệnh cho người thân.
Nếu trẻ nôn nhiều và có các dấu hiệu sau thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay:
- Trẻ ói ra dịch mật (màu xanh) hoặc máu (màu đỏ, nâu)
- Trẻ nôn kéo dài hơn 24 giờ
- Bé bỏ ăn bỏ uống trong vài giờ liên tục
- Trẻ có dấu hiệu mất nước (môi khô, khóc không nước mắt, không tiểu trong 6 giờ)
- Con đau bụng nhiều
- Sốt ≥ 38.5oC hơn 3 ngày hoặc trẻ sốt > 39oC
- Trẻ lừ đừ, ngủ gà
Mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ để có phản ứng phù hợp với diễn tiến bệnh của trẻ.
Vì sao bé 2 tuổi bị nôn liên tục?
Nếu bé vẫn khỏe mạnh và chỉ nôn một lượng nhỏ thức ăn thì nguyên nhân có thể là do bé đã ăn hoặc uống quá nhiều và nôn phần thức ăn thừa ra. Trẻ quá căng thẳng ở trường học hay tại nhà đôi khi cũng có thể nôn. Ngoài ra các nguyên nhân sau cũng có thể khiến con yêu dễ nôn:
- Ho nhiều
- Nuốt nhiều nước mũi, đờm vào dạ dày
- Khóc.
Bạn có thể chưa biết:
5 mẹo giúp hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh hay nôn trớ
Tuy nhiên trong một số trường hợp, nôn là biểu hiện của bệnh lý mà trẻ đang gặp phải:
- Viêm dạ dày ruột và ngộ độc thức ăn: rất khó phân biệt vì khởi phát bệnh khá giống nhau, trẻ có thể nôn ồ ạt 5-30 phút/lần trong 1 – 12 giờ đầu.
- Nhiễm trùng tiết niệu: nếu trẻ sốt cao trong vài ngày và thỉnh thoảng có kèm theo nôn, đi tiểu thấy đau rát hoặc có mùi khó chịu.
- Tắc ruột: Bệnh lý này xuất hiện khi ruột bị xoắn, tuy hiếm gặp nhưng bệnh rất nguy hiểm và cần được xử lý cấp cứu. Triệu chứng then chốt là đau bụng dữ dội. Nếu trẻ chỉ đau vừa hoặc không đau thì không nghĩ nhiều tới tắc ruột.
- Lồng ruột: nôn ở trẻ dưới 4 tuổi có thể là biểu hiện của lồng ruột và cần được điều trị cấp cứu. Bé thường co chân về phía bụng, người nhợt nhạt, có thể có máu trong phân, phân lỏng.
- Khi trẻ bị nôn trớ liên tục mà không sốt, mẹ có thể nghi ngờ nguyên nhân do ngộ độc thức ăn. Các biểu hiện ngộ độc thức ăn sẽ xuất hiện trong vòng 2 – 12 giờ sau khi trẻ ăn và thông thường không kéo dài quá 12 giờ, có thể có hoặc không kèm tiêu chảy. Trong trường hợp con sốt và bị nôn liên tục trong hơn 12 tiếng thì khả năng là do nguyên nhân khác và ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.
Chăm sóc trẻ bị nôn tại nhà
Ths. BS. Lê Thị Kim Dung – Khoa Nhi – BV Nhi đồng 1 cho biết “Khi trẻ có triệu chứng nôn ói, bố mẹ chỉ nên dùng biện pháp hỗ trợ như để trẻ nghỉ ngơi, xoa nhẹ nhàng bụng hoặc lưng để trẻ dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hoặc sữa để cung cấp lại nguồn nước cho trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc có tác dụng kích thích gây nôn hay móc họng đây là những việc làm sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ”.
1. Để trẻ nghỉ ngơi
Để bé nghỉ ngơi trên giường hoặc nơi có không gian yên tĩnh, mát mẻ. Tránh cho bé ăn uống trong vòng 30-60 phút sau khi nôn để dạ dày có thời gian phục hồi. Bạn hãy bình tĩnh dỗ dành, xoa nhẹ nhàng bụng hoặc lưng sẽ giúp con yêu cảm thấy dễ chịu hơn. Ba mẹ tuyệt đối không nên đánh thức nếu bé đang ngủ hoặc không muốn làm phiền.
2. Cung cấp đủ nước
Khi trẻ 2 tuổi nôn liên tục, cơ thể bé rất dễ bị mất nước. Vì vậy, ba mẹ nên cung cấp đủ nước cho bé bằng cách cho uống nước hoặc bú sữa nhiều lần, cách nhau 5-10 phút. Bạn hãy dùng thìa thay vì uống cả cốc nhé. Ngoài ra, cho bé uống Oresol hoặc Pedialyte cũng là một cách tốt để bù nước.
Dung dịch bù nước giúp bù dịch hiệu quả, đồng thời bù các chất điện giải bị mất trong quá trình nôn/tiêu chảy. Ba mẹ cũng lưu ý là các dung dịch bù nước không có tác dụng điều trị nôn ói mà công dụng là giúp ngăn ngừa và điều trị tình trạng mất nước do nôn ói, đồng thời không được tự ý pha chế các dung dịch này tại nhà khi không có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Khi trẻ không chịu uống hoặc nôn ói sau khi uống các dung dịch này, ba mẹ có thể tạm ngưng, nhưng phải theo dõi sát sao để phát hiện sớm các dấu hiệu mất nước. Trẻ không bị mất nước vẫn có thể tiếp tục được cho uống dung dịch điện giải giữa các đợt nôn ói để ngăn ngừa sớm.
Bên cạnh các dung dịch bù nước, ba mẹ cũng có thể cho bé uống nước trái cây, sữa, sữa chua, nước dừa, sữa hạt… tùy độ tuổi của bé.
3. Chế độ ăn
Chế độ ăn phù hợp là cách chăm sóc khi bé nôn liên tục. Nếu trẻ 2 tuổi bị nôn sau khi ăn, ba mẹ không nên cố gắng ép bé ăn lại ngay, đặc biệt trong 24 giờ đầu, thay vào đó hãy khuyến khích con yêu uống nước. Song song đó, bạn có thể cho trẻ ăn cháo, thịt nạc, sữa chua, trái cây, đồng thời hạn chế các thức ăn nhiều chất béo vì sẽ gây khó tiêu hóa.
Bạn có thể chưa biết:
Mách mẹ cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị nôn trớ tại nhà
4. Cho con nằm cao đầu
Mẹ nên kê 1 chiếc gối dưới đầu bé để góp phần làm giảm trào ngược, đồng thời tránh mặc quần áo quá chật, cho con nằm úp trên người để không làm gia tăng áp lực ổ bụng.
5. Giữ vệ sinh để phòng ngừa lây lan khi chăm sóc trẻ
Dù trẻ 2 tuổi bị nôn trớ do yếu tố vi trùng, siêu vi hay không thì mẹ cũng cần cẩn thận khi chăm sóc trẻ, hạn chế nguy cơ lây lan cho bản thân và người trong gia đình.
- Trước và sau khi chăm sóc bé mẹ nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn
- Giữ bé ở nhà và theo dõi cho đến khi hết nôn
- Giữ phòng ốc, nơi sinh hoạt của bé thông thoáng, thường xuyên tiệt trùng đồ chơi, chăn màn.
Khi nào cần đến bác sĩ?
Nếu trẻ ói liên tục kèm bất kỳ dấu hiệu sau, bạn phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức:
- Sốt kéo dài hơn 24 giờ ở trẻ em dưới 2 tuổi và 3 ngày trong một đứa trẻ 2 tuổi trở lên.
- Sốt kèm theo co giật.
- Ói mửa nhiều lần trong một giờ hoặc vài giờ.
- Nôn ra máu.
- Nôn ra dịch xanh, vàng (mật).
- Đau bụng.
- Buồn nôn nhưng không nôn hoặc nôn rất dữ dội.
- Ói mửa sau khi uống thuốc theo toa.
- Các dấu hiệu của mất nước: Bơ phờ, hôn mê, không có nước tiểu trong 6-8 giờ hoặc nước tiểu đậm, từ chối ăn uống trong 6-8 giờ, khô miệng hoặc mắt trũng.
Ba mẹ nên xác định rõ nguyên nhân trẻ 2 tuổi bị nôn liên tục để tìm cách chăm sóc phù hợp nhé. Tuy nhiên, nếu thấy con yêu có những dấu hiệu nguy hiểm như đã đề cập, bạn hãy nhanh chóng đưa bé đến trung tâm y tế gần nhất để có biện pháp can thiệp kịp thời nhé.
Nguồn tham khảo: Trẻ nôn ói, ba mẹ làm gì? – Tuổi trẻ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!