Liệu thuốc tránh thai khi cho con bú có thực sự an toàn hay không? Cùng tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về các loại thuốc này mẹ nhé!
Vì sao cần dùng thuốc tránh thai khi cho con bú?
Sau khi sinh con, thời điểm mà chị em có thể mang thai trở lại khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, cơ thể mẹ sau sinh còn rất yếu nên cần thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Việc mang thai quá sớm (trong vòng 6 tháng sau khi sinh con) có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe mẹ và thai nhi như bé dễ bị dị tật bẩm sinh, tăng trưởng kém, mẹ dễ bị sinh non,… Đặc biệt đối với mẹ sinh mổ lại càng nhiều nguy hiểm hơn.
Theo các bác sĩ, thời gian lý tưởng để mẹ tiếp tục mang thai sau khi sinh là từ 1 – 2 năm. Đây là khoảng thời gian đủ để cơ thể người mẹ hồi phục sức khỏe và chuẩn bị đủ các dưỡng chất cần thiết cho lần mang thai sau.
Chính vì vậy, trong giai đoạn này, chị em nên có biện pháp phòng tránh thai thật tốt. Sử dụng thuốc ngừa thai là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả nhất. Nếu dùng đúng cách, loại thuốc này có thể phát huy tác dụng đến 99%.
Có mấy loại thuốc tránh thai khi cho con bú
1. Thuốc tránh thai khẩn cấp
Theo các bác sĩ, có 2 dạng thuốc tránh thai khẩn cấp:
- Mifestad 10 hoặc Mifentra 10: Dạng thuốc chứa hoạt chất mifepriston 10mg, loại này chống chỉ định cho mẹ cho con bú.
- Postinor 1 hoặc Postinor 2: Dạng thuốc chứa hoạt chất levonorgestrel. Đây là loại thuốc an toàn, không gây hại cho bé nên các chị em đang nuôi con bằng sữa mẹ có thể sử dụng.
2. Thuốc tránh thai hằng ngày
Có 2 dạng thuốc tránh thai hằng ngày:
- Thuốc chỉ chứa Progestin: Đây là loại thuốc mà các mẹ đang cho con bú có thể sử dụng mà không lo ảnh hưởng đến việc tiết sữa cũng như chất lượng sữa. Thuốc này giúp làm dày chất nhầy ở cổ tử cung, ngăn không cho trứng và tinh trùng gặp nhau. Khi sử dụng thuốc này, mẹ phải cẩn thận và chú ý uống thuốc đúng thời điểm mỗi ngày bởi việc trì hoãn hoặc quên dùng thuốc chỉ khoảng 3 – 4 giờ cũng có thể gây ra vấn đề.
- Thuốc ngừa thai dạng phối hợp: Hiệu quả tránh thai của thuốc này cao hơn nhiều so với thuốc tránh thai chỉ chứa Progestin, tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo chị em đang trong giai đoạn cho con bú, nhất là với mẹ có bé sinh non thì không nên sử dụng thuốc này do thuốc có chứa thành phần có thể gây giảm lượng sữa lên đến 41,9%, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng của bé. Nếu mẹ muốn sử dụng thì tốt nhất nên đợi sau khi trẻ đủ 6 tháng và đã bắt đầu ăn dặm.
3. Các loại thuốc ngừa thai khác
- Thuốc tiêm ngừa thai: Đây là biện pháp tránh thai tạm thời có hiệu quả kéo dài 1 – 3 tháng. Thuốc tiêm có chứa hormone progestin hoặc cả hai hormone progestin và estrogen.
- Vòng tránh thai có chứa nội tiết tố: Đây là biện pháp đưa một loại dụng cụ vào lòng tử cung nhằm tạo hiệu quả tránh thai, biện pháp này có thời hạn sử dụng lên đến 5 năm, hiệu quả được đánh giá là tương đương với triệt sản nhưng lại có khả năng hồi phục chức năng sinh sản một cách nhanh chóng.
- Cấy que tránh thai: Que cấy tránh thai là những ống nhỏ làm bằng chất dẻo có chứa thuốc tránh thai được cấy dưới da tay không thuận của phụ nữ. Thành phần trong thuốc gồm nội tiết tố levonorgestrel hay etonogestrel và hiệu quả kéo dài từ 3 – 5 năm.
Những lưu ý khi dùng thuốc tránh thai trong giai đoạn cho con bú
Sau sinh bao lâu thì có thể bắt đầu uống thuốc tránh thai?
Mẹ có thể bắt đầu uống thuốc tránh thai sau khi sinh khoảng 6 tuần hoặc ngay ngày đầu tiên khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu lại.
Lỡ quên uống thuốc phải làm sao?
Uống thuốc tránh thai hằng ngày mẹ nhớ phải uống đúng giờ và uống đều đặn mỗi ngày, nếu có lỡ trễ cũng không được trễ quá 3 tiếng. Nếu mẹ quên uống 1 viên thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra và dùng biện pháp tránh thai khác hỗ trợ trong 48 giờ. Nếu mẹ quên uống 2 viên, cần uống ngay 2 viên khi nhớ ra, uống tiếp 2 viên vào ngày hôm sau và sử dụng thêm một biện pháp tránh thai khác để hỗ trợ cho đến khi uống hết vỉ thuốc đó.
Tác dụng phụ của việc uống thuốc tránh thai khi cho con bú
Dù được nhận định là an toàn đến đâu nhưng một số nghiên cứu vẫn cho rằng dùng thuốc tránh thai khi cho con bú vẫn làm giảm lượng sữa tiết ra dù nhiều hay ít. Ngoài ra, phụ nữ sau sinh dùng thuốc tránh thai còn gặp các tác dụng phụ như huyết áp cao đột ngột, chóng mặt, buồn nôn, thiếu ngủ và kiệt sức, hơn nữa còn có khả năng tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2,…
Nên hạn chế sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp
Dù không gây hại nhiều nhưng mẹ vẫn không nên lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp quá thường xuyên. Trong trường hợp bắt buộc phải uống, các mẹ tránh cho con bú trong khoảng 3 – 4 ngày và vắt bỏ sữa đã nhiễm thuốc.
Vừa rồi là những thông tin về việc sử dụng thuốc tránh thai khi cho con bú. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ – dược sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe mẹ và bé nhé.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!