Đặt vòng có đau không? Có những tác dụng phụ nào? Quy trình ra sao? Tất cả những thắc mắc về phương pháp ngừa thai này sẽ được tiết lộ trong bài viết này.
Giới thiệu về phương pháp đặt vòng tránh thai
Vòng tránh thai là dụng cụ được đặt vào tử cung với tác dụng ngăn không cho trứng làm tổ ở niêm mạc tử cung, đồng thời cũng cản trở quá trình thụ tinh. Tuy chi phí cao nhưng cho hiệu quả lâu từ 5-10 năm tuỳ loại. Có hai loại vòng tránh thai là vòng tránh thai chữ T và vòng tránh thai nội tiết.
Ưu điểm chung của hình thức đặt vòng tránh thai là giúp đời sống tình dục giữa cặp đôi không bị “vướng víu” như dùng bao cao su; hay căng thẳng phải nhớ uống thuốc tránh thai mỗi ngày.
Vòng tránh thai chữ T
Đây là loại hình đặt vòng có hình cánh cung, có quấn đồng. Đuôi vòng có hai dây nhỏ thò ra âm đạo độ 2 – 3 cm để giúp chị em có thể kiểm tra xem vòng còn ở đúng vị trí hay không. Thời gian thích hợp đặt vòng là vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4 của kỳ kinh (gần ngày sạch kinh). Để xác định chính xác, nên đi khám để được bác sĩ tư vấn.
Ưu điểm:
- Thời gian tác dụng tùy thuộc vào từng loại vòng. Với vòng Tcu 380, hiệu quả tránh thai là 8 – 10 năm, loại vòng Multiload là 5 – 6 năm.
- Đặt vòng chữ T còn giúp cải thiện tình trạng kinh nguyệt nhiều, giúp giảm tình trạng đau bụng kinh ngoài tác dụng tránh thai.
- Hạn chế được nguy cơ bị viêm vòi trứng.
Nhược điểm
- Có thể thấy đau bụng, vướng víu, ra máu.
- Thời gian đầu chu kỳ kinh nguyệt sẽ hơi bị xáo động.
- Một số người có triệu chứng ra khí hư bất thường và số lượng nhiều.
- Có một số tác dụng phụ có thể gặp như đau đầu, nổi mụn trứng cá, đau lưng…
Vòng tránh thai nội tiết
Đặt vòng tránh thai nội tiết có progestin được phóng thích đều đặn tạo nên hiệu quả tránh thai cao hơn. Với loại vòng này thì có thể đặt vào bất cứ thời gian nào trừ lúc hành kinh. Nhưng thường các bác sĩ chuyên môn thường khuyên nên đặt vòng vào ngày thứ 4 – 5 của chu kỳ kinh vì thời điểm này tử cung mở rộng, đặt vòng dễ hơn và ít khó chịu hơn.
Ưu điểm
- Hiệu quả cao đến 99%, phát huy tác dụng ngừa thai ngay lập tức và lâu dài từ 5 – 10 năm.
- Rất an toàn, không làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và sinh sản.
- Có thể lấy vòng ra bất cứ lúc nào để mang thai, sinh nở khi có nhu cầu.
- Làm giảm đau bụng kinh hay các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung như đau vùng chậu, xuất huyết bất thường.
Nhược điểm:
- Giá khá cao so với mặt bằng chung.
- Có thể gây một số tác dụng phụ: nhức đầu, buồn nôn, đau tức ngực, nổi mụn trứng cá…
Phương pháp đặt vòng có đau không?
Quy trình đặt vòng tránh thai
Trước khi tìm hiểu về thắc mắc “Đặt vòng có đau không?”, chúng ta nên biết về quy trình đặt vòng sẽ diễn ra như thế nào để có thể chuẩn bị tâm lý tốt nhất.
- Thăm khám với bác sĩ sản khoa để kiểm tra sức khoẻ sinh sản và tư vấn về phương pháp đặt vòng.
- Bác sĩ sẽ đưa 2 ngón tay vào âm đạo và tay kia đặt lên bụng của chị em để cảm nhận cơ quan vùng chậu.
- Kiểm tra và xác định kích thước của tử cung để sử dụng vòng phù hợp.
- Sau khi xác định được bác sĩ sẽ giữ âm đạo mở ra bằng cách dùng dụng cụ y tế và tiến hành khử trùng, làm sạch âm đạo, giảm nguy cơ viêm nhiễm.
- Vòng tránh thai được đưa đi qua cổ tử cung bằng một dụng cụ. Khi đến tử cung, vòng tránh thai sẽ mở rộng ra.
Thông thường quy trình chỉ diễn ra trong vài phút. Và chị em phụ nữ có thể trở lại cuộc sống sinh thường ngày ngay lập tức.
Vậy cảm giác khi đặt vòng có đau không?
Thực tế, việc đặt vòng có đau không còn tuỳ thuộc vào từng người. Hầu hết có cảm thấy bị chuột rút hoặc đau khi đặt vòng tránh thai. Cơn đau có thể tồi tệ hơn đối với một số người, nhưng may mắn là cơn đau thông thường chỉ kéo dài trong một hoặc hai phút.
Một số bác sĩ có thể khuyên và cho dùng thuốc giảm đau trước khi thực hiện đặt vòng tránh thai. Và cũng có thể tiêm một loại thuốc gây tê cục bộ quanh cổ tử cung để giúp bạn thoải mái hơn.
Đôi khi một vài trường hợp có thể cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu. Nếu được, hãy nhờ đối tác hay người thân đi cùng và chở bạn về và dành cho mình một chút thời gian để thư giãn sau đó.
Những ngày mới đặt, cảm giác hơi vướng víu chút ít sẽ khiến bạn khó chịu. Nhưng chỉ cần vài ngày là sẽ quen với cảm giác ấy.
Chọn cách đặt vòng tránh thai như thế nào?
Đặt vòng chỉ là một lựa chọn kiểm soát sinh sản. Để xác định phương pháp ngừa thai nào phù hợp, hãy xem xét các yếu tố sau:
- Tình trạng sức khỏe của chị em phụ nữ
- Mong muốn có con trong tương lai gần hay không
- An toàn và hiệu quả của phương pháp tránh thai được lựa chọn
- Tác dụng phụ và rủi ro của phương pháp đó
- Mức độ thoải mái của bản thân và đối phương với phương pháp tránh thai sẽ chọn
- Nếu không sử dụng biện pháp đặt vòng tránh thai thì bạn có sẵn sàng uống thuốc hàng ngày?
- Chi phí của phương pháp tránh thai
Việc chọn một biện pháp ngừa thai hoàn toàn là lựa chọn cá nhân. Và có phương pháp phù hợp với người này nhưng lại không thích hợp với người khác. Do đó, công tác tìm hiểu, thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên môn tại trung tâm y tế uy tín là vô cùng quan trọng bạn nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!