Thay đổi lành mạnh những thói quen chưa tốt bạn đang có để tăng cơ hội thụ thai khi hai vợ chồng có kế hoạch sinh em bé. Dưới đây là một số điều bạn nên thay đổi để chuẩn bị cho chặng đường mới sắp đến.
1. Ngưng các biện pháp tránh thai
Chị Lisa Mazzullo, đồng tác giả của 2 quyển sách “Trước khi mang thai”; “90 ngày chuẩn bị cho các cặp đôi muốn thụ thai lành mạnh” cho hay:
“Trước khi muốn có thai, việc hiển nhiên là bạn phải ngưng uống thuốc tránh thai. Việc thụ thai sẽ không xảy ra liền lập tức như là bạn sẽ mang thai ngay vào tuần tiếp theo. Bạn nên ngừng sử dụng thuốc tránh thai khoảng hai chu kỳ trước khi bạn muốn có thai; gỡ bỏ dụng cụ tránh thai UTD một tháng trước đó; và ngưng tiêm thuốc tránh thai, như thuốc Depo-Provera chẳng hạn, trước tầm 3 tháng.”
Điều này sẽ giúp hormone của bạn có thời gian ổn định lại. Đồng thời giúp bạn theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và xác định khoảng thời gian rụng trứng (thời gian “vàng” để mang thai). Một vài cặp đôi đậu thai ngay sau khi ngưng các biện pháp tránh thai. Hãy luôn sử dụng các biện pháp tránh thai nếu bạn chưa có ý định có em bé.
2. Kiểm soát cân nặng
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thiếu cân và thừa cân có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe của thai nhi. Trò chuyện với bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng để xác định cân nặng lý tưởng của bạn là bao nhiêu và những bước bạn cần thực hiện để đạt được điều đó.
3. Vận động thể lực
Ngay cả khi bạn đang ở mức cân nặng lý tưởng, hoạt động thể chất trước và trong khi mang thai luôn là thay đổi lành mạnh và có lợi. Thể trạng càng tốt, việc mang thai và sinh nở càng dễ dàng. Bạn có thể tiếp tục với chế độ của mình nếu bạn thường xuyên tập luyện; chỉ cần chắc chắn không tập qua sức.
Ngay trước khi bạn thụ thai không phải là thời gian tốt để tập luyện cho một cuộc đua marathon hoặc nâng tạ nặng. Nếu bạn chỉ mới tập luyện, sẽ không tốt nếu bạn cố gắng quá sức. Cho dù bạn là người yêu thích thể dục hay mới bắt đầu, hãy thảo luận về hoạt động thể chất của bạn với bác sĩ để có được tư vấn.
4. Giảm việc uống cà phê
Có một sự mâu thuẫn về tác dụng của caffeine đối với khả năng sinh sản và mang thai. Một số nghiên cứu cho rằng caffeine góp phần gây sảy thai; nhưng có những nghiên cứu khác thì lại không đồng tình. Để an toàn hơn, các chuyên gia khuyên nên hạn chế lượng caffein xuống 200 miligam mỗi ngày (khoảng hai tách cà phê). Nhưng hãy nhớ rằng, caffeine còn có trong trà, socola, nước tăng lực, và một số loại thuốc giảm đau,…
5. Thư giãn
Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến việc thụ thai, trong thai kỳ và sức khỏe của em bé. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc thụ thai có nhiều khả năng xảy ra trong vài tháng khi các cặp vợ chồng nói rằng họ cảm thấy tốt và thoải mái. Và những cặp đôi hay căng thẳng hoặc trầm cảm thì ít khả năng đậu thai hơn.
Dành thời gian cho bản thân mỗi ngày như tập thể dục, viết nhật ký, mát xa, trò chuyện, ngủ đủ giấc là một thay đổi lành mạnh và có thể giúp bạn thư giãn dễ dàng hơn. Hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ nếu bạn bị căng thẳng tột độ và không kiểm soát được.
6. Ăn uống lành mạnh
“You are what you eat” – có thể được hiểu là bạn ăn như thế nào thì cơ thể bạn sẽ như thế. Và em bé của bạn cũng vậy. Để bắt đầu mang thai đúng cách, hãy ăn thực phẩm trong năm nhóm: trái cây, rau, ngũ cốc, protein nạc (như thịt gà, trứng và đậu), và các sản phẩm từ sữa. Tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường và đảm bảo bạn uống đủ nước, Tiến sĩ Mazzullo cho hay.
Thay đổi chế độ ăn khi bạn đang cố gắng thụ thai sẽ là tiền đề cho việc thay đổi chế độ ăn uống hơn khi bạn mang thai. Chưa kể đến việc đó cũng giúp bạn giữ được cân nặng khỏe mạnh.
7. Nói không với một số loại cá
FDA khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai cần tránh ăn một số loại cá (cá kiếm, cá mập, cá thu vua và cá ngói) vì mức độ thủy ngân cao. Ngoài ra, họ cũng nên hạn chế ăn cá có hàm lượng thủy ngân thấp (như cá ngừ đóng hộp, tôm, cá da trơn và cá hồi).
Quá nhiều thủy ngân có thể làm ảnh hưởng bộ não và hệ thần kinh đang phát triển của em bé. Mặc dù không có khuyến nghị cụ thể nào cho những phụ nữ chưa thụ thai, nhưng bác sĩ Wick nói rằng nên làm theo các hướng dẫn dành cho phụ nữ mang thai để bạn hình thành luôn thói quen này.
8. Tăng cường folate
Đủ folate acid có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở đầu và cột sống của em bé. “Điều quan trọng là phụ nữ cần nhận được 400 miligam axit folic mỗi ngày cũng như ăn thực phẩm có hàm lượng folate cao”, Janis Biermann, M.S., Phó Chủ Tịch Cấp Cao về Giáo dục và Tăng cường Sức khỏe tại March of Dimes nói.
Hầu hết những vitamin tổng hợp sẽ đáp ứng đủ nhu cầu folate hàng ngày của bạn. Một số nguồn thực phẩm tốt có axit folic bao gồm rau lá xanh, đậu, trái cây có múi, ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc và bánh mì. Các chuyên gia khuyên bạn nên thay đổi lành mạnh là tăng lượng axit folic ba tháng trước khi cố gắng thụ thai.
9. Bổ sung thêm các vitamin khác
Ngoài axit folic, bạn cũng nên có đủ vitamin B12 trong chế độ ăn uống, vì một số nghiên cứu đã thấy sự liên kết khi thiếu hụt B12 với vô sinh. Vitamin B6 và omega-3 cũng có liên quan đến khả năng hỗ trợ điều trị vô sinh.
10. Bỏ thuốc lá
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), phụ nữ hút thuốc trước khi mang thai có nguy cơ chậm thụ thai cao gấp đôi và khả năng vô sinh cao hơn khoảng 30% phụ nữ không hút thuốc. Mẹ hút thuốc khi mang thai có nhiều khả năng bé sinh ra sẽ có cân nặng thấp, sinh non hoặc chết vì hội chứng tử vong ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ càng sớm thì càng tốt. “Bỏ thuốc lá ít nhất một đến ba tháng trước khi bạn thụ thai là tốt nhất”, Tiến sĩ Mazzullo nói. Nếu bạn có kế hoạch tự bỏ thuốc, hãy thử trước ít nhất một tháng để đảm bảo bạn có thể làm được. Đối với những người hút thuốc sử dụng hỗ trợ cai nghiện, như nướu hoặc miếng dán nicotine hoặc theo toa, bác sĩ Mazzullo đề nghị bạn nên cho thuốc đủ thời gian phát huy tác dụng. Và sau đó tự cai thuốc trong ít nhất một tháng trước khi thụ thai.
11. Bỏ các thức uống có cồn
Một số nghiên cứu cho rằng phụ nữ mang thai có thể uống vài nước uống có cồn. Nhưng cũng có nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nghiện rượu nặng khó thụ thai hơn so với những phụ nữ uống ít hoặc kiêng hẳn. “Chúng tôi thực sự không biết mức độ an toàn của thức uống có cồn trong thai kỳ hay chính xác là khi mang thai, nó có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất”, Tiến sĩ Myra J Wick cho hay.
“Nếu một bệnh nhân đang tích cực cố gắng thụ thai, tôi khuyên cô ấy không nên uống dù là một chút thức uống có cồn”, cô nói thêm. Tương tự như vậy đối với cần sa và ma tuý bất hợp pháp. Nếu bạn không muốn ảnh hưởng trực tiếp đến bé, hãy ngưng sớm để những thức uống có cồn không tác động đến bé.
12. Hạn chế soda và nước ép trái cây
Soda và nước ép trái cây có lượng đường rất cao, vì vậy chúng làm tăng lượng đường trong máu rất nhanh. Điều đó có thể tác động tiêu cực đến việc thụ thai. Loại bỏ chất béo chuyển hóa khỏi chế độ ăn uống của bạn cũng là một điều tốt. Vì tiêu thụ quá nhiều chất béo đã được ghi nhận là gây vô sinh. Hãy đọc nhãn của sản phẩm để biết bạn có vô tình tiêu thụ chất béo chuyển hóa trong thực phẩm chế biến, đóng gói hay không. Đây là thay đổi lành mạnh bạn cần thực hiện nếu muốn có em bé.
13. Gặp bác sĩ
Điều dĩ nhiên là bạn sẽ gặp bác sĩ sản khoa khá thường xuyên khi bạn thực sự mang thai. Tuy nhiên, điều quan trọng là nên thăm khám với bác sĩ trước khi bạn có con. Tiến sĩ Mazzullo khuyên rằng tất cả phụ nữ đang mong muốn mang thai nên đi khám thai để được kiểm tra STI (các bệnh lây qua đường tình dục), đảm bảo mọi vấn đề sức khỏe mãn tính, như bệnh tiểu đường hoặc hen suyễn.
Cũng như để được kiểm soát, thảo luận về bất kỳ rối loạn di truyền và/hoặc các vấn đề với những lần mang thai trước. Đồng thời có cái nhìn tổng thể về sức khỏe hiện tại của bạn.
14. Tiêm phòng
Biermann nói: “Khi bạn lên kế hoạch mang thai, nên đảm bảo rằng tiêm phòng đầy đủ để tránh mọi bệnh tật có thể gây bất lợi cho thai kỳ hoặc em bé”. Bạn nên tiêm vaccine cúm theo mùa, MMR (sởi, quai bị và rubella), Tdap (uốn ván, bạch hầu và ho gà) và thủy đậu nếu bạn chưa bao giờ tiêm phòng hoặc đã được tiêm vaccine. Vì một số vaccine có chứa virus sống, bạn có thể cần tiêm chúng từ một đến ba tháng trước khi mang thai.
15. Ngưng uống thuốc
Có thể mất một thời gian để một số loại thuốc đào thải ra khỏi cơ thể bạn, và một vài loại thuốc thì
không thân thiện” với em bé. “Kiểm tra danh sách các loại thuốc của bạn, cả theo toa và không kê đơn với bác sĩ để đảm bảo không có loại thuốc nào có hại cho thai kỳ”, bác sĩ Wick nói. Đừng quên bao gồm cả những chất bổ sung thảo dược và vitamin trong danh sách.
16. Đi khám nha sĩ
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, phụ nữ mắc bệnh nướu răng có khả năng sinh con nhẹ cân hoặc sinh non cao gấp 4-7 lần. Dành thời gian đi khám răng trước khi mang thai để đảm bảo sức khỏe răng miệng của bạn ở trạng thái tốt. Và bạn cũng sẽ có thời gian để chữa trị nếu có vấn đề về răng miệng.
17. Kiểm tra mức tuyến giáp
Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) rất phổ biến ở phụ nữ, Twenge nói. Theo tiến sĩ Mary M. Gallenberg trên MayoClinic.com cho hay “Nồng độ hormone tuyến giáp thấp có thể gây trở ngại cho việc phóng trứng ra khỏi buồng trứng (rụng trứng), làm suy giảm khả năng sinh sản.
Ngoài ra, một số nguyên nhân cơ bản của bệnh suy giáp – chẳng hạn như rối loạn tự miễn hoặc tuyến yên – có thể làm giảm khả năng sinh sản.” Và nếu bạn có thai, nó có thể gây sảy thai, Twenge nói. “Mức độ dao động của tuyến giáp quá thấp cũng có thể gây ra dị tật bẩm sinh, vì vậy điều rất quan trọng là phải kiểm tra điều này ngay bây giờ.”
Những thay đổi lành mạnh trên giúp cho bạn chuẩn bị tốt nhất về tinh thần và sức khoẻ khi muốn mang thai. Nếu làm được hết, bạn không những dễ mang thai, có một thai kỳ và em bé khoẻ mạnh, mà đời sống của bạn cũng trở nên lành mạnh hơn.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!