Thai chết trong tử cung có thể xảy ra ngay cả khi thai nhi sắp chào đời. Thai cần được lấy ra sớm để đảm bảo an toàn cho người mẹ.
Thai chết trong tử cung là như thế nào?
Định nghĩa về thai chết lưu hiện giờ vẫn chưa có sự thống nhất trong giới y học. Một số bác sĩ quan niệm thai chết lưu là tất cả các trường hợp thai bị chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Trong khi đó một số khác coi thai chết lưu là những trường hợp thai bị chết sau 20 tuần tuổi thai, có trọng lượng trên 400g.
Đặc điểm cơ bản của thai chết lưu là vô khuẩn, mặc dù thai chết và lưu lại trong tử cung nhưng được nút nhầy cổ tử cung bịt kín làm cho mầm bệnh không xâm nhập lên trên cao được. Trái lại một khi đã vỡ ối, nhiễm khuẩn xảy ra rất nhanh và rất nặng. Trong nhiều trường hợp thai chết lưu rất khó tìm thấy nguyên nhân. Khi thai bị chết lưu gây ra hai nguy cơ lớn cho người mẹ.
Thai lưu được phân loại theo độ tuổi thai gồm:
- Thai chết lưu sớm: Khi thai mới đạt từ 20 – 27 tuần tuổi.
- Trường hợp thai chết lưu muộn: Khi thai từ 28 – 36 tuần tuổi.
- Thai chết lưu trong thời điểm từ 37 tuần tuổi trở lên hoặc trong khi sinh.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thai lưu, vì thế việc xác định tìm nguyên nhân chính xác không hề đơn giản. Một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra, đến hơn 50% trường hợp thai chết lưu không tìm được nguyên do dù đã thực hiện xét nghiệm kiểm tra hiện đại.
Chính vì điều này mà các bác sĩ đều khuyên mẹ bầu không nên tự trách móc bản thân khi tình trạng thai lưu xảy ra.
Bác sĩ sẽ làm gì khi phát hiện thai chết trong tử cung
Đối với những thai nhi dưới 7 tuần thì có thể tự tiêu biến nên không cần phải nhờ vào các tác động bên ngoài. Thai lưu 7 tuần thì có thể sử dụng thuốc hoặc biện pháp hút thai. Nhưng khi thai trên 8 tuần thì mẹ cần phải đến các cơ sở y tế để thực hiện xử lý đưa thai ra ngoài.
Hiện nay có 3 phương pháp xử lý thai chết lưu gồm: kích thích gây chuyển dạ, hút thai và mổ lấy thai, cụ thể như sau:
1. Gây khởi phát chuyển dạ
Hầu hết người mẹ khi biết thai chết lưu đều mong muốn được chuyển dạ và sinh sớm. Trong trường hợp người mẹ chưa tự chuyển dạ được sau 2 tuần thai chết lưu, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc hoặc dùng thủ thuật bấm ối để gây khởi phát chuyển dạ. Nếu thai chết lưu trong tử cung thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ rối loạn đông máu gây nguy hiểm cho mẹ.
2. Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung
Phương pháp nong và gắp thai là cách chấm dứt thai kỳ bằng cách sử dụng thuốc Misoprostol và que nong để chuẩn bị cổ tử cung. Sau đó bác sĩ sẽ dùng bơm hút chân không kết hợp với kẹp để gắp thai ra ngoài, áp dụng cho thai nhi từ 13- 18 tuần theo siêu âm.
Ở một số trường hợp cần phải thực hiện thì cần theo dõi chảy máu sau nạo và kiểm tra xem có sót nhau không. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh nhằm tránh viêm nhiễm.
3. Mổ lấy thai
Can thiệp mổ lấy thai chết lưu không được khuyến khích vì nguy cơ gây tổn thương tử cung rất cao. Tuy nhiên can thiệp này là cần thiết trong trường hợp sức khỏe người mẹ không đảm bảo để thực hiện chuyển dạ tự nhiên hay hút thai, thai quá lớn khiến việc đưa ra từ đường dưới gặp khó khăn.
Chị em nên làm gì khi gặp phải tình trạng này?
Thai chết trong tử cung đôi khi rất khó tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ sẽ hỏi ý kiến sản phụ xem có muốn làm các xét nghiệm trên thai nhi để tìm ra nguyên nhân sau khi thai chết lưu hay không. Các xét nghiệm này gồm:
- chọc ối
- các xét nghiệm về gen
- xét nghiệm hội chứng antiphospholipid (một trong những nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu).
- siêu âm ổ bụng để kiểm tra các bộ phận trong cơ quan sinh sản có dị dạng hay bất thường gì không.
- xét nghiệm nội tiết tố
- kiểm tra yếu tố Rh trong máu để xử lý kịp thời các trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con.
Bạn nên tư vấn với bác sĩ để được thực hiện các xét nghiệm cần thiết sau khi thai lưu được đưa ra ngoài. Điều này sẽ giúp chị em hiểu rõ tình trạng sức khỏe sinh sản của mình và cách cải thiện thể chất nhằm tăng cơ hội mang thai khỏe mạnh cho lần kế tiếp.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!