Tâm lý trẻ 3 tuổi tuy khó đoán nhưng nếu biết ý thì sẽ khá dễ để “làm bạn” với trẻ. Cha mẹ có thể “lên cơn lôi đình” khi bé bỗng dưng trở nên đòi hỏi, không nghe lời, vượt khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ.
Đặc điểm tâm lý trẻ 3 tuổi
Những cơn thịnh nộ vô cớ, bướng bỉnh ở trẻ có thể diễn ra khá nhiều ở thời điểm này. Vì vậy, mặc dù bé 3 tuổi có thể khăng khăng muốn tự lập, nhưng các bé sẽ gặp phải khó khăn đối phó với sự thất vọng khi có cơ hội được tự làm một điều gì đó.
Một số dấu mốc quan trọng trong tâm lý trẻ 3 tuổi:
- Bắt đầu hiểu và biết thể hiện cảm xúc cá nhân. Đồng thời hiểu được cảm xúc của mọi người xung quanh.
- Muốn tự lập, tự làm mọi việc như người lớn. Cũng như hình thành “cái tôi” của trẻ.
- Thích tìm tòi, khám phá về những điều mới lạ trong cuộc sống. Đây là thời điểm bé hỏi hàng ngàn câu hỏi khiến cho phụ huynh đau đầu.
- Học theo và bắt chước những cử chỉ, lời nói của những người xung quanh.
Điều gì gây nên khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi
Theo tiến sĩ tâm lý Đinh Thị Kim Thoa thì sự mâu thuẫn giữa nhu cầu và năng lực là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tuổi lên 3 của các bé.
Như phân tích của tiến sĩ Thoa thì ở độ tuổi này, các bé đã hình thành được một số kỹ năng vận động, ngôn ngữ, khả năng tự phục vụ mình. Trẻ sẽ tự nhiên trong vô thức so sánh bản thân với người lớn xung quanh, muốn được tự làm mọi việc như họ. Tuy nhiên, với khả năng có hạn, các bé chưa thể tự làm được mọi việc trôi chảy hoặc bị bố mẹ ngăn cấm nên nảy sinh xung đột.
Bên cạnh đó, ở tuổi này, khả năng ngôn ngữ chưa phát triển hoàn thiện khiến các bé chưa biết cách diễn đạt những mong muốn của mình. Và chính điều này gây ức chế, làm các bé dễ cáu bẳn và nổi khùng.
Cách xử lý “khủng hoảng tuổi lên ba” ở trẻ
Từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, bé trở nên bướng bỉnh là một hiện tượng bình thường, tất yếu trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, cha mẹ cần bình tĩnh, khoan vội kết luận là do bé hư và la trẻ, tệ nhất là đánh trẻ.
Những hình thức phạt như vậy chỉ càng khiến tâm lý trẻ 3 tuổi thêm căng thẳng, sợ hãi và ức chế. Dưới đây là các bước bạn có thể giúp bé vượt qua giai đoạn này:
Tạo điều kiện cho con được “độc lập”
Dạy con tự lập là một nghệ thuật, rất cần cha mẹ phải kiên nhẫn với trẻ và cả bản thân. Hãy tạo mọi điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động trong gia đình như phụ giúp và san sẻ việc nhà cùng cha mẹ. Ngoài ra, bạn cũng có thể hướng dẫn bé tự chăm sóc cho bản thân như tự đi vệ sinh, dọn dẹp đồ chơi sau khi dùng,….
Ứng phó với hành vi của trẻ 3 tuổi
Nếu có thể, bạn có thể lờ đi hành vi “làm mình làm mẩy” của trẻ. Hãy bỏ đi, xem như không thấy, nhưng hãy đảm bảo con bạn an toàn trước. Vẫn ở gần con, nhưng thể hiện rõ ràng cho trẻ biết rằng sự “an vạ” của bé không ảnh hưởng đến bạn.
Chia sẻ cảm xúc cùng trẻ
Khi bé bị bối rối với chính cảm xúc của mình, bạn hãy hỏi thăm con bằng những câu như “Con có ổn không?”; “Tại sao conn khóc”,…Hãy cùng con thảo luận những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của bé. Qua đó, bạn sẽ vừa khuyến khích con nói ra cảm nhận của bản thân, vừa giúp bạn hiểu bé và hai mẹ con gắng kết hơn.
Tuyệt đối không nên đánh con dù bạn đang nóng giận đến mức nào.
Tôn trọng bé
Lúc nào bạn cũng nên tỏ thái độ tôn trọng, đối xử với bé như một người lớn. Chẳng hạn, khi bạn yêu cầu bé làm điều gì, hãy nhẹ nhàng nói với con về điều đó một cách cụ thể, rõ ràng và đừng tỏ thái độ bắt ép hay ra lệnh cho bé. Đừng nên cấp đoán trẻ, hãy hướng dẫn và giải thích cho trẻ.
Không chỉ tâm lý trẻ 3 tuổi mới thay đổi. Mà ở mỗi năm, mỗi giai đoạn trẻ đều có những biến đổi và khủng hoảng riêng. Các bậc phụ huynh hãy biết cách giáo dục trẻ, trở thành một “người bạn thân” của con để đồng hành cùng bé tốt nhất.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!