Tại sao có người nghén có người không? Tất cả chỉ vì cơ địa hay còn lý do sâu xa nào khi bạn thì tuyệt nhiên không có một dấu hiệu ốm nghén còn người khác thì bị hành hạ lên xuống? Nếu bạn còn đang lo lắng về những cơn ốm nghén trong thai kỳ thì hãy cùng lắng nghe các chuyên gia giải thích về điều này.
Ốm nghén thường được mặc định là điều hiển nhiên với phụ nữ mang thai?
Nôn ọe, mệt mỏi, thay đổi khẩu vị, … là các triệu chứng phổ biến của thai kỳ. Theo thống kê sẽ có khoảng 70% bà bầu phải trải qua trình trạng này. Ốm nghén thường diễn ra trong 3-4 tháng đầu tiên của thai kỳ. Đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy người phụ nữ đang mang thai.
Các nhà khoa học chưa tìm ra chính xác nguyên nhân phụ nữ bị ốm nghén nhưng phần lớn họ cho rằng, các cơn ốm nghén xảy ra là do nồng độ hormone tăng nhanh trong thời kỳ mang thai. Không chỉ với mẹ bầu mà ngay cả với người bình thường, một khi hormone thay đổi thì cơ thể bạn luôn có những biểu hiện khác lạ ra ngoài như một cách thông báo. Mức độ ốm nghén của bạn nhẹ hay nặng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như bạn mang đơn thai hay đa thai, mức độ căng thẳng, lo lắng khi mang thai, …
Vậy tại sao có người nghén có người không?
Một số mẹ bầu cảm thấy lo lắng khi mình mang thai đến tháng thứ 3-4 rồi mà vẫn không hề có dấu hiệu buôn nôn hay nôn mửa. Mẹ sẽ bắt đầu nghĩ rằng, hay con mình đang có gì đó bất bình thường?
Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa cho biết, “gần 30 % phụ nữ mang thai hoàn toàn không hề có dấu hiệu buồn nôn nào”. Michele Hakakha, bác sĩ sản khoa và cũng là tác giả của cuốn Expecting 411: The Insider’s Guide to Pregnancy and Childbirth (Cẩm nang thai kỳ và sinh nở) giải thích thêm rằng “Một số phụ nữ có thể bị ốm nghén, và một số phụ nữ thì không; một số phụ nữ ốm nghén trong lần đầu mang thai nhưng lần mang thai kế tiếp thì không bị. Không phải ai cũng bị ốm nghén, giống như không phải ai cũng bị say tàu”.
Cụ thể, chuyên gia này giải thích rằng: Ở một số ít phụ nữ, việc họ không ốm nghén hoặc ít ốm nghén cho thấy mức độ hormone của họ thấp hơn nhiều so với bình thường. Do đó trong thai kỳ, lượng hormone của họ không gia tăng nhiều như những người khác. Vì thế mà các cơn ốm nghén không xảy ra.
Không ốm nghén khác với dấu hiệu thai nhi không phát triển nữa như thế nào?
Các bà mẹ lo lắng khi không thấy dấu hiệu ốm nghén bởi họ cho rằng thai nhi có thể gặp vấn đề trục trặc nào đó. Mặc dù vậy, để biết được thai nhi đã ngừng phát triển hay không, mẹ bầu cần kết hợp theo dõi nhiều yếu tố khác ngoài các cơn ốm nghén.
Các dấu hiệu này bao gồm:
- Mẹ bầu mất đi các phản ứng ban đầu của thời kỳ mang thai như căng ngực, ăn uống ngon miệng hơn, đầu ti không còn thâm,…
- Thấy xuất huyết âm đạo có thể ở mức độ ít hoặc nhiều,…
- Kích thước tử cung không lớn lên
- Bụng mẹ bầu không thấy to nữa
- Không thấy được tim thai đập
- Thai nhi đạp ít hoặc không đạp
- Mẹ bầu bị đau lưng dữ dội
- Cân nặng mẹ bầu không tăng lên
Nếu mẹ có các dấu hiệu như trên thì cần nhanh chóng đi khám để được thực hiện siêu âm và các xét nghiệm cần thiết, giúp bác sĩ đưa ra chính xác về hiện trạng phát triển của thai nhi cũng như hướng điều trị phù hợp.
Trái với tình trạng trên, dù không có biểu hiện ốm nghén nhưng mẹ vẫn nhận thấy thai nhi đang phát triển tốt qua các chỉ số siêu âm và những biểu hiện đặc trưng của thai kỳ thì mẹ hãy yên tâm về sức khỏe của cả mẹ và bé nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!