Sữa mẹ vắt ra để được mấy tiếng là câu hỏi được nhiều bà đẻ quan tâm. Sữa mẹ vắt xong có thể để được từ 6 đến 8 tiếng trong nhiệt độ phòng. Đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu cách vắt vữa và bảo quản sữa như thế nào cho đúng cách nhé.
Sữa mẹ vắt ra để được mấy tiếng?
Thực phẩm tốt nhất cho trẻ sơ sinh là sữa mẹ. Sữa mẹ có chứa nhiều chất dinh dưỡng để giúp trẻ phát triển toàn diện. Trong đó có khá nhiều đường (bao gồm đường đôi và đường đơn). Đường của sữa mẹ giúp trẻ dễ hấp thu hơn, song cũng dễ lên men, nhanh bị oxy hoá khi để ngoài môi trường.
Sữa mẹ còn có chất đạm và đa dạng các loại axit amin. Loại đạm này cũng rất phù hợp, dễ hấp thụ với cơ thể trẻ. Khi để sữa mẹ ra ngoài môi trường, vi khuẩn có điều kiện để sinh sôi phát triển.
Thực tế cho thấy, sữa mẹ để ngoài môi trường quá lâu có nguy cơ bị biến chất, mất chất. Nếu trẻ sơ sinh uống vào có thể bị tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Sữa mẹ được bảo quản trong tủ lạnh
Những lưu ý khi bảo quản sữa
Theo WHO, UNICEF, Viện Dinh Dưỡng quốc gia Việt Nam khuyến cáo về việc lưu giữ sữa mẹ sau khi vắt như sau:
- Nếu sữa mẹ vắt ra để ở nhiệt độ phòng (25°C – 35°C) có thể giữ được 6 giờ đến 8 giờ.
- Để ngăn mát tủ lạnh (từ 4°C) giữ được từ 3 đến 5 ngày, nếu để ngăn đá tủ lạnh sẽ giữ được 3 tháng.
- Khi lưu trữ trong tủ đông lạnh riêng biệt ở tủ đông chuyên biệt < -18°C, có thể bảo quản đến tận 6 tháng.
Không đun sôi và không dùng lò vi sóng khi làm ấm sữa cho trẻ. Sữa mẹ có thể bảo quản sử dụng được khá lâu nếu biết bảo quản đúng cách.
Vắt sữa mẹ và bảo quản sao cho đúng cách?
Hướng dẫn cách vắt sữa mẹ
Sữa sau khi vắt cần được bảo quản bằng túi lưu trữ hoặc chai làm bằng thuỷ tinh; nhựa (không chứa BPA).
- Vệ sinh vô khuẩn dụng cụ đựng sữa, tay và bầu vú mẹ trước khi vắt.
- Sau khi vắt cần được làm lạnh ở nhiệt độ thích hợp tuỳ theo nhu cầu sử dụng.
- Để tránh lãnh phí, nên vắt thành các chai nhỏ đủ một bữa uống của trẻ.
- Phần sữa trẻ uống dư không được cấp đông để bảo quản mà nên bỏ đi.
- Sữa mới vắt không được hòa chung sữa đã trữ đông.
Không nên vắt sữa để trữ nhiều mỗi ngày. Vì việc này có thể làm mẹ thiếu sữa, không đủ cung cấp cho trẻ bú. Mẹ đừng cố ép sữa, mà cần nghỉ ngơi thoải mái, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tạo sữa tự nhiên, an toàn.
Bảo quản sữa mẹ sao cho đúng cách?
Cách vệ sinh dụng cụ hút sữa và đựng sữa
Mỗi khi sử dụng, mẹ cần phải vệ sinh thật sạch các dụng cụ hút sữa, đựng sữa như sau:
- Rửa dụng cụ hút và đựng sữa bằng nước.
- Dùng chổi và miếng cọ rửa chuyên dụng vệ sinh sạch.
- Chú ý lau rửa kỹ lại phần đáy và các góc kẽ nhỏ vì vi khuẩn dễ tích tụ những chỗ này.
- Để ráo tự nhiên.
- Tiệt trùng lại bằng nước sôi.
Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh
Mẹ thường có thói quen vắt sữa xong chia thành nhiều bình nhỏ, mỗi lần dùng một bình. Thế nhưng có một vấn đề là mẹ khó phân biệt là sữa nào đã lâu và sữa nào mới trữ. Giải pháp đưa ra là mẹ nên dán nhãn cho mỗi chai sữa để tiện quản lý, theo dõi dễ dàng hơn.
Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh
Các thông tin cần lưu ý như:
- Ngày vắt
- Đánh số thứ tự sử dụng
- Bao nhiêu ml
- Có thể có hướng dẫn rã đông nếu người nuôi dưỡng bé không biết
Làm sao để rã đông và sửa dụng sữa đúng cách?
Sử dụng sữa mẹ sau khi vắt
Nếu vắt sữa mẹ để sử dụng liền hoặc trong vài tiếng thì không nhất thiết phải bảo quản mát hoặc cấp đông. Mẹ chỉ cần bỏ sữa vào chai, túi lưu trữ sạch là được. Sau khi trữ sữa một thời gian mẹ có thể thấy sữa sẽ tự tách thành các lớp khác nhau. Đây là hiện tượng bình thường nên mẹ không cần lo lắng. Trước khi dùng, mẹ chỉ cần xoay chai nhẹ nhàng để trộn đều các lớp. Tuyệt đối không khuấy hoặc lắc mạnh nhé mẹ ơi!
Sau đó, có thể cho trẻ uống từ cốc hoặc bình, dùng đủ lượng bé uống một bữa. Trong trường hợp trẻ uống còn dư sữa, mẹ nên bỏ sữa này. Nguyên nhân là vi khuẩn đã xâm nhập từ miệng bé vào sữa rồi.
Nên sử dụng máy hâm sữa để rã đông sữa mẹ
Cách rã đông sữa mẹ
Sữa mẹ được bảo quản ở ngăn làm mát, mẹ chỉ cần bỏ ra để ở nhiệt độ phòng đến khi nguội là có thể dùng được.
Nếu sữa mẹ được cấp đông ở ngăn đá thì mẹ hãy bỏ xuống ngăn mát để ra đông từ từ. Sau đó mẹ lấy sữa ra ngoài và hâm nóng ở 40°C. Mẹ không nên đun hoặc bỏ vào lò vi sóng, nên hâm bằng máy hâm sữa hoặc ngâm nước nóng.
Để giữ nhiều nhất chất dinh dưỡng, mẹ nên hâm từ từ, tránh thay đổi nhiệt độ sữa đột ngột. Nếu không có máy hâm sữa, mẹ xả nước ấm làm ấm chai sữa từ từ, sau đó mới tăng nhiệt độ của nước lên cho tới khi nhiệt độ sữa phù hợp.
Lưu ý:
Tuyệt đối không dùng lò vi sóng hoặc đun sữa trực tiếp để hâm nóng. Vì việc tăng nhiệt đột ngột, làm nóng không đều sẽ gây phá hủy một số chất và kháng thể trong sữa. Sữa mẹ trữ đông nếu quá ngày sử dụng không nên cố dùng cho trẻ uống. Vì lúc này một số chất trong sữa có thể đã biến đổi.
Khi sữa mẹ trữ đông đổi màu có sao không?
Sữa mẹ trữ lạnh sau khi rã đông sử dụng có thể có màu khác so với sữa tươi vừa vắt ra. Nó sẽ có thể là hơi vàng, hơi xanh hoặc nâu nhẹ, có thể bị tách thành các lớp như sữa chua. Sữa rã đông có thể xuất hiện mùi như xà phòng do sự phân tán của các chất béo. Nếu sữa mẹ được trữ đông đúng cách, thì mẹ cứ yên tâm cho bé uống, sữa này vẫn an toàn nhé.
Kết luận
Như vậy, sữa mẹ sau khi vắt ra có thể để được 6 – 8 tiếng với nhiệt độ thường. Nếu cấp đông sữa mẹ có thể để được đến 3 tháng. Mẹ cần vệ sinh trước khi vắt và bảo quản sữa đúng cách khi dùng.
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!