Sữa mẹ có bị ảnh hưởng khi tập thể dục không? Phần lớn mẹ sau sinh đều muốn lấy lại vóc dáng thuở son rỗi. Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, bạn cũng cần rèn luyện cơ thể để nhanh chóng thực hiện hóa ước mơ này.
Tuy nhiên, các bài tập thể dục khi đó liệu có gây ảnh hưởng xấu đến sữa mẹ? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây, các mẹ nhé.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Có nên tập thể dục trong giai đoạn cho con bú?
Theo nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh rằng việc luyện tập thể dục trong giai đoạn cho con bú không hề ảnh hưởng tới việc sản xuất sữa, lượng sữa cũng như sự tăng trưởng của bé. Ngược lại, điều này còn giúp mẹ cải thiện sức khỏe và tinh thần.
Thêm vào đó, rèn luyện cơ thể trong quá trình cho con bú sẽ góp phần điều hòa nhịp tim, giảm mỡ máu và nguy cơ tiểu đường. Về khía cạnh tâm lý, khi tập thể dục, mẹ sẽ giảm bớt căng thẳng, từ đó cảm thấy vui vẻ, khỏe khoắn hơn.
Điều quan trọng nhất là tập thể dục trong giai đoạn cho con bú còn gúp phái đẹp phòng ngừa chứng trầm cảm sau sinh. Chỉ khi bạn luyện tập quá sức thì mới gây ảnh hưởng xấu đến lượng lactic acid và IgA trong sữa thôi nhé.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Sau khi sinh, tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, điều độ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, mang nhiều lợi ích và phù hợp cho phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, một số trường hợp vận động quá mạnh, có thể làm các mẹ kiệt sức, đôi khi dẫn đến nhiễm trùng vú và làm giảm nguồn sữa mẹ. Tập thể dục quá sức có thể làm thay đổi mùi vị sữa mẹ. Vận động mạnh sẽ gây tích tụ acid lactic trong cơ thể và đi vào sửa mẹ, làm thay đổi vị ngọt vốn có của sữa mẹ thành vị đắng. Tình trạng này đôi khi sẽ làm cho trẻ bỏ bú.
Sữa mẹ có bị ảnh hưởng khi tập thể dục?
Sữa mẹ có bị ảnh hưởng khi tập thể dục không? Đây cũng là vấn đề giành được rất nhiều sự quan tâm của các mẹ sau sinh. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng không có sự khác biệt nào trong lượng và thành phần của sữa mẹ khi có hoặc không tập thể dục. Do đó, việc mẹ rèn luyện cơ thể cũng không ảnh hưởng đến cân nặng của con yêu.
Hơn thế nữa, những bà mẹ tập thể dục thường xuyên còn có khả năng tăng việc sản sinh sữa cho bé. Một vài nghiên cứu đã chứng mình rằng không có nhiều sự khác biệt trong những yếu tố miễn dịch trong sữa mẹ trước và sau khi rèn luyện cơ thể khoa học.
Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý rằng mức độ kháng thể IgA có thể giảm trong khoảng thời gian ngắn nhất định nếu áp dụng các bài tập cường độ cao. Như vậy, tập thể dục chỉ gây tác động tiêu cực đến sữa nếu mẹ luyện tập quá sức thôi nhé.
Đảm bảo chất lượng sữa khi tập luyện
Dinh dưỡng luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sức khỏe của phụ nữ sau sinh. Đồng thời, chúng cũng giúp tăng chất lượng sữa mẹ cho các thiên thần nhỏ.
Tuy lấy lại vóc dáng thon thả là mục tiêu quan trọng nhất khi tập luyện thể dục nhưng bạn không nên kiêng khem quá mức trong chế độ ăn uống mỗi ngày. Vì điều này sẽ vô tình làm giảm chất lượng sữa mẹ.
Thay vào đó, các mẹ hãy thực hiện một chế độ ăn khoa học và giàu dinh dưỡng. Phái đẹp lưu ý là giàu các chất dinh dưỡng chứ không phải là giàu năng lượng nhé.
Mẹ chỉ cần bổ sung khoảng 1 chén cơm và thêm 1 miếng thức ăn trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
Một điều quan trọng không kém chính là các chị em phải bổ sung nước đầy đủ nước trong suốt thời gian cho con bú. Bởi đây là thành phần chính của sữa mẹ, đồng thời khi tập, cơ thể bạn bị mất nước nhiều hơn. Vì thế, bạn luôn cần bù đắp lượng nước đã thất thoát qua mồ hôi.
Bên cạnh các loại nước tinh khiết hay nước khoáng, mẹ cũng có thể uống thêm sữa, nước ép trái cây và một ít nước ngọt nữa nhé. Tuy nhiên, mẹ nên hạn chế những loại đóng gói sẵn trên thị trường vì chứa rất phụ gia không tốt.
Thời điểm nên tập thể dục khi cho con bú
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, các mẹ sau sinh, khi cơ thể hồi phục có thể bắt đầu tập luyện thể dục thể thao. Đầu tiên, nên bắt đầu tập luyện trong khoảng thời gian ngắn, tần suất vài ngày một tuần, sau đó tăng dần cường độ hoạt động. Bạn nên ngừng tập ngay khi cảm thấy đau, hồi hộp, đánh trống ngực, xuất huyết âm đạo. Các mẹ nên mặc quần áo vừa vặn với cơ thể, tránh mặc đồ quá chật sẽ gây khó chịu, thậm chí là viêm vú. Bạn cũng nên bổ sung đủ nước để tránh tình trạng mất nước sau khi tập thể dục. Một số hoạt động thể dục thể thao mà phụ nữ sau sinh có thể xem xét bao gồm:
- Đi dạo hoặc đi bộ đường dài.
- Tham gia lớp tập thể dục sau sinh: yoga, các lớp chuyên dành cho phụ nữ sau sinh,v.v…
- Bơi lội
- Vận động tại nhà nhẹ nhàng theo các video hướng dẫn trên mạng.
Tùy từng trường hợp sinh thường hay sinh mổ, các mẹ sẽ có thời điểm bắt đầu tập thể dục khác nhau. Với những mẹ sinh thường và có sức khỏe tốt, bạn chỉ cần vài ngày sau sinh là có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng.
Đối với trường hợp sinh mổ, thời gian bắt đầu tập luyện của mẹ sẽ lâu hơn, thường là khoảng từ 4 đến 6 tuần sau khi “lâm bồn”.
Lời khuyên cho mẹ ngay khi cảm thấy đỡ đau và thoải mái hơn, bạn nên ngồi dậy cũng như tập đi lại nhẹ nhàng để tránh tình trạng bị dính ruột hay viêm tắc tĩnh mạch nhé.
Sữa mẹ có bị ảnh hưởng khi tập thể dục không? Câu trả lời sẽ là không nếu bạn áp dụng những bài tập với cường độ nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe tại thời điểm này. Chúc các mẹ của The Asian Parent sẽ sớm lấy lại vóc dáng như thuở thanh xuân nhé.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!