Sữa đầu và sữa cuối khác nhau thế nào? Theo nghiên cứu, sữa đầu có tác dụng bù điện giải nhưng ít năng lượng trong khi sữa cuối có thành phần dinh dưỡng dồi dào và giàu chất béo. Hãy cùng tìm hiểu thêm vềsự khác biệt giữa các lớp sữa mẹ và sữa đầu hay sữa cuối thì tốt hơn cho bé nhé.
Nội dung bài viết:
- Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ
- Sự khác nhau giữa sữa đầu và sữa cuối
- Làm sao để không mất cân bằng giữa 2 lớp sữa?
- Bí kíp duy trì nguồn sữa cho bé
Thành phần dinh dưỡng có trong sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn thức ăn lỏng được tạo ra từ các tuyến tạo sữa hình túi có trong vú của người mẹ. Thực chất do ảnh hưởng của các kích thích tố như estrogen, progesterone, prolactin và lactogen, sữa mẹ đã được hình thành ngay từ trong thai kỳ và trở thành nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ sơ sinh trước khi con có thể tiêu hóa các loại thực phẩm khác.
Bạn có thể chưa biết:
1 đứa trẻ được bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời sẽ nhận được nhiều lợi ích tuyệt vời vì trong sữa mẹ có hơn 200 chất khác nhau đem lại nhiều giá trị về dinh dưỡng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Trung bình sữa mẹ chứa 1,1% protein, 4.2% chất béo, 7% carbonhydrate và bổ sung 72 calo năng lượng trên 100gr. Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ là không đổi, tuy nhiên hàm lượng chất dinh dưỡng trong mỗi mẹ là khác nhau và cũng tự thay đổi để phù hợp nhất với nhu cầu và thể trạng của con tại từng thời điểm.
Sự khác nhau giữa sữa đầu và sữa cuối
Trên thực tế, ngoài lượng sữa non và sữa chuyển tiếp được sản xuất trong 2 tuần đầu sau sinh, nguồn sữa chính cho bé bú là sữa trưởng thành, được chia thành sữa mẹ đầu và cuối. Sự biến đổi về màu sắc lẫn thành phần dinh dưỡng của dòng sữa này là để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ trong các giai đoạn tăng trưởng. Vì vậy, sữa mẹ tiết ra có sự khác biệt giữa sữa đầu và sữa cuối, thành phần dinh dưỡng cũng như tác dụng của sữa đầu và sữa cuối cũng vì thế mà khác nhau.
Sữa đầu (foremilk)
- Sữa đầu là sữa được sản xuất vào khoảng 10 phút đầu cữ bú, có màu nhạt, xanh non hoặc ngả sang màu trắng trong, số lượng nhiều; thành phần chủ yếu là nước, protein, vitamin, khoáng chất, hàm lượng lactose cao nhưng ít béo.
- Trong mỗi lần cho con bú, người mẹ sẽ tiết ra khoảng 15ml sữa đầu. Ở những mẹ nhiều sữa, khi bé bú sữa đầu có thể bắn thành tia. Trẻ bú sữa đầu sẽ được cung cấp đầy đủ lượng nước cho cơ thể mà không cần phải bổ sung thêm trong vòng 6 tháng đầu đời.
- Sữa đầu của mẹ có tốt không? Sữa đầu có vị hơi lợ gần giống oresol giúp trẻ được bù đắp đầy đủ điện giải. 100% em bé bú mẹ sẽ luôn được bú đủ lượng sữa đầu. Tuy nhiên, nếu chỉ được bú sữa đầu trẻ sẽ nhanh đói và không bụ bẫm do thiếu năng lượng.
Sữa cuối (Hindmilk)
- Sữa cuối được tiết ra sau khi bé bú hết lượng sữa đầu. Thành phần dinh dưỡng dồi dào có trong sữa cuối nhất là lượng chất béo khiến sữa mẹ trở nên sánh đặc và có màu hơi vàng hoặc trắng đục.
- Sữa cuối cữ chỉ chảy ra từng giọt chứ không bắn thành tia, cung cấp nhiều năng lượng và cả 1 số vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K.
- Trong một cữ bú, cơ thể người mẹ có thể sản sinh ra 60ml sữa cuối. Trẻ được bú đủ sữa cuối sẽ no lâu và nhanh lớn.
Làm sao để tránh mất cân bằng giữa sữa đầu và sữa cuối?
Mẹ có nên bỏ sữa đầu? Khi mẹ cho bé bú, mỗi lớp sữa lại có 1 giá trị dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, không ít bà mẹ vì không biết tác dụng của sữa đầu và sữa cuối nên đã vô tình cho bé bú theo bản năng. Những bé bú quá nhiều sữa đầu hoặc thời gian bú ngắn nên không bú được sữa cuối có thể gặp phải 1 số vấn đề như đầy hơi, liên tục quấy khóc vì đói, chậm tăng cân, phân lỏng có màu xanh. Vì vậy để tránh mất cân bằng, các mẹ cần phải biết cách để trẻ bú được cả sữa mẹ đầu và cuối.
- Thông thường, lượng sữa bé bú được mỗi lần khoảng 150ml ở cả 2 bầu vú. Vì vậy, mẹ nên cho bé bú cạn 1 bên ngực trước khi đổi bên nếu bé còn chưa no hoặc trong trong lần bú sau.
- Để tăng tiết sữa đều và duy trì nguồn sữa dồi dào, mẹ nên cho bé bú luân phiên giữa các cữ bú. Việc bú đổi bên cũng giúp trẻ hưởng được cả sữa đầu và sữa cuối.
- Nếu mẹ quá nhiều sữa, cơ thể có thể tiết ra đến 30ml sữa đầu và 90ml sữa cuối. Do đó, mẹ có thể vắt bớt lượng sữa đầu để trữ đông và cho bé bú tiếp phần sữa còn lại.
- Chú ý đến thời gian cho con bú. Với trẻ sơ sinh, bé cần bú ít nhất từ 15 – 20 phút mỗi bên ngực. Khi lớn hơn, con không cần bú quá lâu. Với tốc độ bú nhanh, lực mút mạnh, trẻ chỉ cần 5 – 10 phút là có thể bú cạn sữa mẹ.
Bạn có thể chưa biết:
Bí kíp duy trì nguồn sữa cho bé
- Mẹ cần có chế độ ăn uống đủ chất, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên ăn quá no, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và chất béo để tránh khó tiêu. Ăn uống kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý sẽ đảm bảo lượng sữa đủ cho nhu cầu của bé.
- Nên uống nhiều nước ấm nóng, nhất là trước khi cho con bú. Mẹ cần đảm bảo uống ít nhất 2l nước/ngày; hạn chế uống nước đá, nước lạnh, rượu, trà, thức uống có gas hoặc chứa caffein
- Thận trọng khi dùng thuốc vì 1 số thuốc kháng sinh, thuốc cảm cúm, thuốc chống dị ứng có thể qua sữa gây ngộ độc cho bé và làm giảm tiết sữa. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng
- Trạng thái tinh thần có tác động rất lớn đến nguồn sữa của mẹ sau sinh. Cần giữ cho mình tâm lý vui vẻ, thư giãn, hạn chế căng thẳng, stress, không làm việc quá sức…
Lời kết
Sữa mẹ tối ưu hơn sữa công thức bởi thành phần kháng thể mà không loại sữa công thức nào có thể thay thế được, giúp bé có sức đề kháng chống chọi lại các thay đổi từ môi trường. Trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ có hệ miễn dịch rất tốt, ít nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa hay hô hấp và ngược lại. Dù là sữa đầu hay sữa cuối thì cũng đều có vai trò nhất định và cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó mẹ không nên cho trẻ bú mình sữa đầu hay mình sữa cuối mà nên cân bằng để trẻ vừa được cung cấp đủ nước vừa có đủ dinh dưỡng để phát triển.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài đánh giá thành phần có trong sữa đầu sữa giữa và sữa cuối, dựa vào màu sắc, lượng sữa tiết ra, sức khỏe của mẹ, sự phát triển của trẻ có thể biết được 1 người mẹ có nguồn sữa tốt hay không. Vì vậy, trong quá trình nuôi con bú, các mẹ nên quan tâm đến các vấn đề xoay quanh chất lượng sữa mẹ.
Thay vì băn khoăn sữa mẹ đầu hay cuối tốt, để đem lại sự phát triển toàn diện cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các bé luôn cần phải được hấp thu đầy đủ dưỡng chất từ sữa mẹ đầu và cuối. Chúc chị em luôn là những bà mẹ thông thái khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!