Sinh thường không đau là niềm ước ao của hầu hết các sản phụ, đặc biệt là những người có ngưỡng chịu đau thấp. Vậy có những phương pháp nào có thể biến giấc mơ này của thai phụ thành sự thật?
Sinh thường không đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp gây tê vùng, thông qua một mũi tiêm vào sống lưng của thai phụ. Thuốc gây tê được đưa vào cột sống sau đó phân tán sang hai vùng lân cận xung quanh tạo nên tác dụng làm tê liệt, mất cảm giác đau ở một vài bộ phận chịu lực nhiều nhất khi chuyển dạ. Thuốc gây tác dụng cục bộ do đó ngoài việc không cảm thấy đau, sản phụ vẫn hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình vượt cạn.
Ngày nay, phương pháp sinh thường không đau này khá phổ biến và được nhiều thai phụ chủ động lựa chọn. Bác sĩ có chuyên môn sẽ tiêm thuốc khi sản phụ đã có những cơn co tử cung và cổ tử cung đã mở từ 2 – 3cm.
Tuy nhiên, không phải thai phụ nào cũng được sinh thường không đau bằng phương pháp này. Những trường hợp sau đây không thể gây tê ngoài màng cứng hay tê tủy sống được:
- Dị ứng với thuốc tê nhóm amide
- Tụt huyết áp nặng chưa điều chỉnh được
- Đang dùng thuốc chống đông máu
- Viêm cấp tính, nhiễm trùng huyết
- Bệnh lý thần kinh-tủy sống; cột sống (lao, u bướu…)
Phương pháp này hoàn toàn không gây hại hay ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mẹ. Đương nhiên cách này vẫn có những nhược điểm nhất định, nhưng phần nhiều là ảnh hưởng tạm thời đến mẹ. Mẹ bầu nên hỏi để được bác sĩ tư vấn kỹ càng khi xem xét lựa chọn.
Di chuyển nhiều hơn cũng giúp thai phụ sinh thường không đau
Duy trì hoạt động khi chuyển dạ có thể giúp phụ nữ đối phó với cơn đau và giảm thời gian chuyển dạ. Trong quá trình chuyển dạ, khi cơn đau quặn thắt ập đến, ít ai sẽ nghĩ đến việc di chuyển. Thay vào đó, hầu hết thai phụ có xu hướng ngồi hoặc nằm để nghỉ ngơi.
Nhưng mẹ có biết không, việc sản phụ di chuyển qua lại, hay ngồi trên một quả bóng lớn có thể giúp mẹ giảm hay loại bỏ cơn đau đẻ. Hơn thế nữa, việc đi lại nhiều hơn trước khi sinh còn giúp thai nhi lọt được đúng xuống khung xương chậu của mẹ. Từ đó sẽ khiến việc sinh nở diễn ra dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, đối với một số thai phụ yếu hay phải sử dụng máy theo dõi thai nhi thì phương pháp góp phần sinh thường không đau này không áp dụng được.
Ngâm người trong nước ấm hay sinh con dưới nước
Nhiều phụ nữ cảm nhận việc chuyển dạ rất nhẹ nhàng khi ngâm người trong nước ấm. Và đầy là một cách tuyệt vời để đối phó với cơn đau chuyển dạ. Hơi ấm của nước làm thư giãn cơ bắp, và có thể giúp giảm áp lực lên xương chậu của bạn. Từ đó góp phần giúp mẹ sinh thường không đau hay chỉ đau một chút.
Phương pháp tự nhiên sinh con dưới nước tuy chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng ngày càng phổ biến ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, mẹ Việt có thể áp dụng phương pháp này theo một cách khác. Như tắm nước ấm một chút dưới vòi sen hay bồn tắm. Hay dùng túi chườm ấm đặt ở vùng lưng hay háng. Lưu ý: người nhà nên dùng tay kiểm tra độ nóng trước khi đặt lên người thai phụ.
Liệu pháp thư giãn và thở đúng cách
Giúp thai phụ loại bỏ nỗi lo lắng bằng cách nhờ chồng hoặc người thân massage nhẹ nhàng vùng lưng, chân, tay…để giúp cơ thể thư giảm, bớt căng thẳng. Nhờ đó mà các cơn co thắt chuyển dạ đau đớn được kiểm soát một cách tốt hơn.
Ngoài ra, việc thở đúng cách sẽ giải tỏa được các vấn đề về tâm lý cũng như những căng thẳng của cơ thể. Tham gia các lớp học trước khi sinh để được hướng dẫn cách thở đúng là một sự đầu tư không hề sai. Vì mỗi khi xuất hiện cơn co thắt, mẹ tập trung thở theo bài thở chuyển dạ đã học thì các cơn chuyển dạ sẽ trở nên thoải mái và dễ dàng hơn.
Nhiều thai phụ hay mất bình tĩnh và có thể dẫn đến quên mất mình nên làm gì. Do đó, hãy động viên chồng cùng tham gia lớp học. Và khi bạn lo sợ và mất bình tĩnh, anh xã có thể thực hiện động tác thở và bạn làm theo, từ từ lấy lại bình tĩnh.
Những phương pháp trên có thể gíup sinh thường không đau hay loại bỏ phần nào cơn đau. Gạt bỏ áp lực về tâm lý giúp mẹ cảm cuộc vượt cạn nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!