Đã trải qua 2 lần sinh mổ, đến lần này, sinh mổ lần 3 Từ Dũ mẹ cần chuẩn bị những gì? Kinh nghiệm sinh mổ lần 3 Từ Dũ có gì đặc biệt so với 2 lần sinh mổ trước?
Cần chuẩn bị gì khi đi sinh mổ lần 3 Từ Dũ?
Đến lần này, mẹ bầu đã biết chắc chắn sẽ sinh mổ. Do đó, mẹ bầu nên cần chuẩn bị tâm lý sẵn mọi thứ đâu vào đấy.
Hành trang “vượt cạn”
Khi sinh ở Từ Dũ, các cô y tá sẽ đưa mẹ mỗi ngày một bộ áo váy đồng phục của bệnh viện. Bé sinh ra cũng sẽ được bệnh viện trang bị áo, nón, tã, vớ tay, vớ chân. Đặc biệt là một chiếc khăn lông lớn quấn bé cho trong ngày đầu sau sinh. Mọi thứ gần như đầy đủ nên mẹ không cần phải mua sắm trước lỉnh kỉnh quá nhiều.
Thiếu cái gì thì căn tin đều có bán. Theo kinh nghiệm của nhiều mẹ bầu, khi đi sinh các mẹ chỉ nên mang giấy tờ tiền bạc thôi. Sinh xong, mẹ gọi điện người nhà mang lên. Mẹ nên tránh mang đồ đạc nhiều, nặng nề, nếu bác sĩ chưa cho sinh thì đỡ công mang về mấy lượt.
Chuẩn bị giấy tờ
Giấy tờ cần có khi đi sinh gồm:
- Sổ khám thai, các phiếu siêu âm, X quang, ECG (nếu có) và các phiếu xét nghiệm trong thời kỳ mang thai (khám tại bệnh viện hoặc phòng khám tư nhân).
- Hộ khẩu (gốc) + 01 bản photo, KT3 (nơi chấp thuận cho làm giấy khai sinh) của các mẹ
- Chứng minh nhân dân (gốc) hoặc giấy tờ tùy thân (có ảnh) của các mẹ + 01 bản photo kèm theo
Nếu các mẹ có sử dụng BHYT:
- Thẻ BHYT (có dán ảnh) + 2 bản photo.
- Thẻ gia hạn BHYT (không có dán ảnh) + 2 bản photo (nếu có, sử dụng trong trường hợp BHYT cũ hết hạn…)
- Chứng minh nhân dân (gốc) + 2 bản photo (để làm thủ tục BHYT)
- Giấy chuyển viện (nếu có).
Các mẹ nên chờ cho đến khi đau thật sự thì mới vào bệnh viện. Ngay cả sinh mổ cũng phải có dấu sinh, bác sĩ mới có thể cho tiến hành mổ. Trừ khi có gì đó bất thường như cạn ối, con già tháng, nước ối đục,…
Thủ tục nhập viện để sinh mổ ở Từ Dũ
Lúc đi sinh, mẹ đi thẳng vào Từ Dũ từ cổng 284 Cống Quỳnh và vào phòng cấp cứu. Phòng ở bên tay trái – đứng ở cổng nhìn vào là thấy chữ “Cấp Cứu”. Mẹ đến bàn đăng ký để đăng ký khám trước khi sinh.
Tại đây, các mẹ sẽ nộp sổ khám thai và các giấy tờ liên quan như siêu âm, xét nghiệm… trong thai kỳ. Sau đó, mẹ điền một số thông tin để được thăm khám. Các mẹ sẽ được qua phòng số 3 (kế bên) để được bác sĩ khám xem có dấu hiệu sinh chưa. Mẹ nhớ là lấy lại sổ khám thai ở bàn đăng ký, giấy đo độ mờ da gáy, xét nghiệm máu và đưa cho bác sĩ này.
Tiếp đó, mẹ tiến hành đăng ký loại hình sinh (sinh thường, sinh dịch vụ, sinh dịch vụ gia đình…). Trong trường hợp sinh dịch vụ, mẹ cân nhắc xem có muốn chỉ định bác sĩ hay không. Các mẹ cần lưu ý là nên gọi cho bác sĩ mà các mẹ muốn chỉ định trước xem bác ấy có lịch trực và tiếp nhận các mẹ được hay không. Nếu không hẹn được bác sĩ riêng, các mẹ cũng đừng quá lo lắng. Các bác sĩ trực ở Từ Dũ đều rất nhiệt tình.
Đóng tiền tạm ứng xong, mẹ chuyển lên phòng chờ sinh ở lầu 1. Lúc này, người thân không được lên theo. Các mẹ được phát các đồ dùng cần thiết và thay trang phục bệnh viện phát. Sau đó, mẹ gửi lại toàn bộ đồ đạc cá nhân lại cho người thân thông qua y tá. Ngay cả tiền và điện thoại cũng không được mang theo. Lưu ý các mẹ nên cạo sạch lông vùng kín trước. Nếu không các cô ý tá sẽ làm giúp mẹ (kể cũng hơi ngại).
Trong trường hợp sinh mổ, người nhà sẽ được gọi lên để ký giấy mổ và đóng thêm tiền nếu có. Chi phí sinh mổ lúc nào cũng cao hơn sinh thường. Sau đó, vào thời điểm thích hợp, các mẹ sẽ được đưa lên phòng mổ.
Sau khi mẹ lên phòng chờ sinh, các bố, hoặc người thân sẽ ngồi đợi tại phòng Chăm sóc khách hàng của bệnh viện. Từ cổng 284 Cống Quỳnh và đi thẳng vào phải bên tay phải, bạn sẽ thấy phòng Chăm sóc khách hàng. Có bất cứ điều gì, bệnh viện sẽ thông báo trên loa và các màn hình vi tính.
Sinh mổ nhanh hơn, ít vất vả hơn. Trong lúc sinh mổ, mẹ cũng không đau gì cả, sướng hơn sinh thường nhiều. Ít ra cũng không có cảnh vật vã đau lên đau xuống mấy tiếng đồng hồ. Nhưng sinh xong mới thấy sự khác biệt. Sau khi hết thuốc tê (khoảng 3-4 tiếng sau đó) mẹ sẽ rất đau. Vừa đau do vết mổ, vừa đau do dạ con co thắt.
Sinh mổ nhiều lần lo lắm các mẹ ạ. Các mẹ nhớ lưu ý đến khoảng cách mang thai giữa các lần sinh mổ nên là 3-5 năm để cơ thể bình phục hoàn toàn.
Chúc mẹ sinh mổ lần 3 Từ Dũ “mẹ tròn con vuông” nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!