Trải qua một thời kỳ dài mang thai và sinh nở, tâm lý của bà mẹ đa phần đã chịu áp lực rất lớn. Vậy nên, việc phụ nữ sau sinh dễ khóc cũng là điều dễ hiểu.
Phụ nữ dù đã được chuẩn bị rất kỹ càng về mặt tâm lý và kiến thức đầy đủ trong việc sinh con. Nhưng trên thực tế, khi họ đối diện với một thành viên mới, ít nhiều sẽ có những lúc mệt mỏi và bị stress. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến trầm cảm. Trong đó, phụ nữ sau sinh hay khóc cũng là triệu chứng của trầm cảm sau sinh.
Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc sau sinh dễ khóc. TheAsianparent chỉ rõ nguyên nhân ngay sau đây.
Do áp lực từ việc nuôi con
Nuôi con không hề đơn giản
Nghe có vẻ sai sai. Ai cũng bảo có một đứa con là điều hạnh phúc nhất trên đời. Nhưng tại sao giờ lại thành áp lực thế này? Thực ra, con cái là trời cho. Không phải ai cũng có được. Tuy nhiên, quá trình nuôi dạy con cũng cực kỳ khó khăn và đầy áp lực.
Mẹ không thể ngủ đủ giấc khi con quấy. Hàng đêm, khi mà bố đang ngáy o o, mẹ lại lọ mọ dậy pha sữa, thay tã… Rồi thì cách chăm con thế này có đúng không? Dạy con thế này tốt chưa?… Rất nhiều áp lực khiến cho việc nuôi con trở nên khó khăn. Khi đã chịu quá nhiều áp lực, việc mẹ sau sinh dễ khóc cũng không có gì là lạ.
Thay đổi nội tiết tố
Phụ nữ sau sinh dễ khóc một phần là do sự thay đổi nội tiết tố. Chính sự sụt giảm của các hormone estrogen, progesterone (do hormone prolactin tăng lên để kích thích tiết sữa mẹ) khiến tâm lý của mẹ bị ảnh hưởng, trở nên nhạy cảm hơn, dễ buồn, vui thất thường.
Tâm lý
Quá trình chuyển đổi tâm lý từ con gái sang vai trò làm mẹ cần một thời gian để thích ứng. Vì cơ thể không thích ứng được với sự thay đổi lớn này nên luôn mang nỗi lo lắng chuyển sang cho những người thân, quan trọng hóa vấn đề và gây sự một cách vô lý. Khóc là một trong những cảm xúc không thể kìm nén và thể hiện ra bên ngoài của người mẹ.
Không ai chia sẻ
Nuôi con mà không ai chia sẻ dễ dẫn đến tình trạng chán nản
Người mẹ cũng dễ cảm thấy bị tủi thân nếu không được người nhà, đặc biệt là chồng quan tâm, chăm sóc, phụ giúp việc chăm con. Những lời hỏi han ân cần lúc này của chồng trở nên vô giá hơn bao giờ hết, giúp mẹ mạnh mẽ và cảm thấy có động lực hơn rất nhiều.
Trầm cảm
Vì sao phải để riêng ra, trong khi có thể xếp trầm cảm vào tâm lý. Thực ra, trầm cảm này thiên về một bệnh hơn. Bệnh này cực kỳ nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Ở phần dưới, tôi sẽ nói sâu hơn về vấn đề này.
Mẹ sau sinh dễ khóc có bị ảnh hưởng gì không?
Khóc nhiều ảnh hưởng đến mắt và tâm lý của mẹ
Về cơ bản, khóc là để giải tỏa cảm xúc. Nhưng cái gì nhiều cũng không tốt. Đặc biệt, đối với mẹ sau sinh, khóc nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Nó khiến cơ thể mệt mỏi, tâm trạng chán chường. Từ đó, không còn tâm trí làm việc khác nữa.
Người mẹ luôn trong trạng thái ủ rũ, oải. Nếu để lâu sẽ dẫn đến trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, khóc nhiều còn tổn thương đến mắt. Kéo dài việc khóc sẽ khiến mắt nhanh bị lão hóa và mờ dần đi.
Hơn nữa, với em bé, mẹ buồn có thể khiến bé không có sữa để bú.
Dấu hiệu mẹ sau sinh dễ khóc có thể dẫn đến trầm cảm
Như đã nói ở trên, trầm cảm cực kỳ nguy hiểm. Trầm cảm sau sinh khiến cho mẹ không tự chủ được bản thân. Nói cách khác, nếu mẹ có những biểu hiện sau đây, hãy thận trọng.
– Tâm trạng cảm thấy buồn, thậm chí không biết lý do vì sao buồn
– Vô vọng, trống rỗng, hay thấy quá tải về mọi thứ xung quanh.
– Khóc thường xuyên, khóc nhiều hơn bình thường, thậm chí không biết lý do vì sao lại khóc.
– Luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi
– Buồn phiền, cáu kỉnh, bồn chồn
– Rơi vào trạng thái mất ngủ, không thể yên tâm ngủ say, hoặc ngủ quá nhiều
– Khó khăn khi tập trung, mất tập trung
– Khó đưa ra các quyết định
Tìm sự chia sẻ từ gia đình
– Giận dữ, mất kiểm soát
– Không quan tâm đến bản thân, thấy không còn các sở thích như ngày xưa
– Đau đớn về cả thể chất và tinh thần, nhức đầu, đau dạ dày, đau cơ, mệt mỏi
– Ăn quá ít, không muốn ăn, có trường hợp lại ăn rất nhiều
– Ngại tiếp xúc với người khác, xa lánh người thân, bạn bè, thậm chí không muốn gần gũi với con
– Không tin tưởng khả năng có thể che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng cho con
– Xuất hiện các ý nghĩ làm hại bản thân và con
Phải làm sao để khắc phục tình trạng mẹ sau sinh hay khóc?
Yếu tố quan trọng nhất ở đây chính là sự đồng cảm và chia sẻ. Từ ai? Từ những người xung quanh, từ những người thân trong gia đình, từ chồng con và những người cùng hoàn cảnh.
Nói chuyện với những người đã sinh con
Sự đồng cảm là điều cần thiết
Hầu như tất cả các bà mẹ đều phải trải qua quá trình thay đổi tâm lý như vậy. Bạn nên nói chuyện với những người có kinh nghiệm. Điều này sẽ giúp bạn thấy rằng mang thai và sinh con là một điều cực kì lý thú trong cuộc đời người phụ nữ. Do vậy không có gì phải lo lắng cả.
Tìm một vài việc để làm
Toàn bộ thời gian của mẹ đều dành cho việc dưỡng thai thì càng dễ sinh ra triệu chứng mẫn cảm. Bởi vì năng lượng của con người cần phải được giải tỏa. Bạn nếu không có gì khác để làm thì chỉ còn cách quan trọng hóa các vấn đề tâm lý đang tồn tại trong cơ thể mà thôi. Lời khuyên cho mẹ là không nên làm việc quá sức cũng không nên lười vận động. Mẹ hãy sắp xếp thời gian một cách hợp lý để làm những công việc mà trước đây mình muốn làm.
Duy trì việc giao lưu với bên ngoài
Một số bà mẹ vì muốn bảo vệ thai nhi hay giảm thiểu bệnh truyền nhiễm từ bên ngoài nên dường như đã cách biệt hoàn toàn với xã hội. Mẹ hiếm khi đi đến những nơi đông đúc. Điều này khiến tâm lý càng trở nên tồi tệ hơn. Cách tốt nhất là hàng ngày, mẹ nên ra ngoài đi dạo công viên. Mẹ nên đi mua sắm, thỉnh thoảng có thể đi xe bus. Khả năng miễn dịch của cơ thể các mẹ hoàn toàn có thể thích ứng với môi trường như vậy.
Trò chuyện với chồng
Tránh trầm cảm và khóc liên tục sau sinh
Đừng nổi giận vô cớ mà hãy tâm sự với chồng về những thay đổi trong cơ thể mình để anh ấy hiểu. Sự khoan dung của anh ấy có thể giúp bạn từ từ bình tĩnh trở lại.
Hài hòa các mối quan hệ
Các mối quan hệ trong gia đình cũng hết sức quan trọng. Từ mối quan hệ với nhà chồng, nhà vợ, nhà nội, nhà ngoại. Rồi đến những việc chăm con, chăm sóc bản thân… Câu chuyện về bố mẹ chồng, bố mẹ vợ… Hài hòa được tất cả thì cuộc sống sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Lời kết
Mẹ sau sinh dễ khóc là điều dễ hiểu. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Quan trọng nhất là làm sao để giải quyết được, giúp mẹ bình ổn lại cuộc sống. Trong đó, vai trò của gia đình, của chồng con hết sức quan trọng.
Xem thêm:
Tập thể dục có thể giúp giảm trầm cảm sau sinh?
Từ những cái chết đau lòng vì bệnh trầm cảm sau sinh, gia đình cần quan tâm đến các bà mẹ nhiều hơn
Cách kiềm chế cảm xúc khi mang thai giúp mẹ phòng tránh trầm cảm trong thai kỳ
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!