Có nhiều nguyên nhân siêu âm không thấy thai trong lần đầu mẹ bầu đi khám. Trong trường hợp này, mẹ nên xử lý như thế nào để đảm bảo sức khoẻ tốt nhất?
Tình trạng mẹ bầu siêu âm không thấy thai
Nhiều đôi vợ chồng trẻ, nhất là những vợ chồng mới cưới hay lần đầu có con, rất nôn nóng được “nhìn thấy” con mình. Siêu âm là phương pháp được tin chọn nhiều nhất.
Hai phương pháp siêu âm được thường bác sĩ khuyên dùng là siêu âm ổ bụng và siêu âm qua ngã âm đạo.
Siêu âm ổ bụng
Đây là phương pháp siêu âm được thực hiện bằng cách di chuyển một thiết bị gọi là “đầu dò” qua bụng của mẹ bầu. Thiết bị này có thể phát ra sóng âm thanh và thu thập các phản xạ.
Siêu âm qua ngã âm đạo
Nếu siêu âm ổ bụng chưa cung cấp đủ thông tin cần thiết, bác sĩ sẽ dùng đến siêu âm qua ngã âm đạo. Thay vì di chuyển đầu dò qua bụng, bác sĩ sẽ đặt đầu dò trong âm đạo của mẹ bầu. Phương pháp này thường được sử dụng trong thời kỳ đầu mang thai.
3 nguyên nhân siêu âm không thấy thai
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, mẹ bầu trễ kinh quá 2 tuần, dấu hiệu mang thai chưa rõ, khi đi siêu âm không thấy thai. Tình trạng này thường xuất hiện từ 3 nguyên nhân chính dưới đây.
Thời điểm siêu âm quá sớm
Sau khi dùng que thử thai tại nhà, mẹ phát hiện que 2 vạch. Ngay sau đó, mẹ nôn nóng đi siêu âm ngay. Thời điểm mẹ thực hiện siêu âm quá sớm, thai chưa phát triển nên không thấy thai.
Hợp tử sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển từ ống dẫn trứng về tử cung làm tổ. Một bào thai phát triển bình thường chỉ có thể thấy được khi mẹ thực hiện siêu âm từ tuần thứ 5 trở đi hoặc khi nồng độ hCG đạt tới 1100. Trước thời điểm này, mẹ đi siêu âm không thấy thai là điều hoàn toàn dễ hiểu!
Thai ngoài tử cung
Nếu hợp tử sau khi thụ tinh không vào buồng tử cung mà bám vào bất kỳ chỗ nào khác ngoài nội mạc tử cung để phát triển, đó là tình trạng thai ngoài tử cung.
Khi mẹ có dấu hiệu mang thai nhưng đi kèm vài triệu chứng bất thường, mẹ đừng vội chủ quan nhé. Những dấu hiệu đau râm ran ở vùng bụng dưới rốn sau đó lan khắp hai bên xương chậu. Nó đang “ngầm báo” cho mẹ tình trạng xấu của thai ngoài tử cung. Nếu không điều trị sớm, cả tính mạng của mẹ và bé đều bị đe doạ.
Lúc này, mẹ bầu có thể nhờ bác sĩ yêu cầu xét nghiệm nồng độ beta hCG/máu và tiến hành siêu âm đầu dò để chẩn đoán chính xác.
Nguy cơ sảy thai ngoài ý muốn
Nếu những dấu hiệu xuất hiện ở mức độ nặng hơn, mẹ có nguy cơ bị sảy thai. Chảy máu ở âm đạo, bụng đau dữ dội và cứng bụng là dấu hiệu thường thấy nhất. Đây là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng sảy thai xảy ra trước khi tiến hành siêu âm.
Trong trường hợp nồng độ hCG tụt xuống thấp, việc siêu âm không thấy thai là điều hiển nhiên. Đây là trường hợp xấu nhất: lúc này bạn đã bị sảy thai.
Siêu âm không thấy thai nên xử lý như thế nào?
Tất cả ổ khoá trên đời đều có chìa khoá. Nếu được phát hiện, bất cứ trường hợp nào cũng có cách giải quyết.
Đầu tiên, mẹ nên giữ bình tĩnh dù bất kỳ lý do nào khiến mẹ siêu âm không thấy thai. Tâm lý quyết định rất lớn đến sự ổn định tình trạng sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Khi tinh thần đã bình ổn, mẹ có thể thực hiện tiếp những phương án hỗ trợ mang tính khoa học.
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Đây là phương án tốt nhất để theo dõi chính xác tình hình sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Ngay khi mẹ có ý định mong muốn có thai, bạn nên đi khám sức khoẻ định kỳ để đảm bảo tình trạng tốt nhất. Thời điểm 2 tuần sau quan hệ tình dục, nếu thấy trễ kinh, mẹ bầu cần đi khám để theo dõi thai kỳ chính xác.
Không phải lúc nào que thử thai cũng chính xác. Vì thế, bạn đừng nên tin tưởng tuyệt đối vào que thử thai nhé!
Chờ và siêu âm lại vào lần sau
Đôi khi mẹ bầu quá nôn nóng nên chưa đến 5 tuần đã đi siêu âm. Vì thai chưa đủ tuần nên mẹ chưa thể thấy bé được. Mẹ đừng vội vã quá mà nên về nhà nghỉ dưỡng, tuần sau quay lại bệnh viện để kiểm tra. Lúc này, kết quả siêu âm sẽ chính xác nhất.
Chủ động theo dõi các dấu hiệu bất thường của cơ thể
Không có bất cứ phương pháp nào phát hiện những bất thường của sức khoẻ tốt hơn sự cảm nhận của chính bản thân mình. Mẹ đừng chủ quan bỏ qua những dấu hiệu khác lạ nào, dù là nhỏ nhất. Những dấu hiệu “thoáng qua” nhất như chảy máu ít, dịch âm đạo có mùi, màu sắc lạ, … cũng “mách bảo” cơ thể mẹ bầu đang không ổn.
Tuân theo chỉ định của bác sĩ sản khoa
Sau khi xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu cách xử lý tốt nhất, an toàn nhất. Mẹ chỉ cần tuân thủ theo đúng chỉ định để đảm bảo sức khoẻ ổn định nhất.
Những nguyên nhân siêu âm không thấy thai bên trên là nguyên nhân phổ biến. Nếu có bất cứ dấu hiệu gì không ổn, mẹ bầu hãy bình tĩnh và đến ngay bệnh viện gần nhất để kịp thời khám và theo dõi nhé. Chúc mẹ và bé có thai kỳ khoẻ mạnh nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!