Mẹ cần hiểu rõ ngôn ngữ cơ thể của bé sơ sinh để đáp ứng được điều bé mong muốn. Vì mỗi cử chỉ, hành động của bé sơ sinh đều mang một ý nghĩa nào đó thay cho tiếng nói chưa hình thành ở trẻ.
Ngày con mở mắt chào đời, điều mà mẹ có thể cảm nhận được về sự hiện diện của con là tiếng khóc vang rộn cả phòng sinh. Đó cũng là giây phút đầu tiên con cất tiếng nói với cha mẹ và thế giới thông qua ngôn ngữ của riêng mình. Mỗi tiếng ọ ẹ, những lần ngáp, cái ưỡn người, tiếng khóc khi con đói, … tất cả đều là tiếng nói để con giao tiếp với cha mẹ.
Ý nghĩa các ngôn ngữ cơ thể thường thấy nhất của bé sơ sinh
- “Con buồn ngủ lắm rồi!”: Mỗi khi muốn đi vào giấc ngủ, bé sẽ chớp mắt chậm lại rồi dùng nắm tay bé xíu của mình dụi dụi lên mắt.
- “Mẹ cho con ăn đi!”. Khi đói miệng con há ra như một chú cá nhỏ. Các bé rất thích đưa lưỡi ra liếm xung quanh miệng hoặc đưa cả nắm tay vào ngậm ngon lành.
- “Con đang muốn giải trí mẹ ơi”. Lúc này con sẽ khua chân tay qua lại, mắt chớp và mở rất to như muốn nói con đang rất thích trò chơi này.
- “Đây là thứ con không thích!”: Nếu con không muốn làm điều gì hay cảm thấy không vừa ý, con sẽ không quan tâm, theo dõi đến thứ đó và cố gắng quay đầu sang phía khác.
- “Con mệt rồi!”: Những lúc con mêt, muốn được nghỉ ngơi hay dừng hoạt động nào đó, mẹ hãy thử quan sát ánh mắt con cùng với các biểu hiện khác như mắt con trĩu xuống, mắt chớp nhiều hơn, con khó chịu, quấy khóc, …
5 cách mẹ có thể giúp con phát triển trí não thông qua việc kích thích cử chỉ ngôn ngữ cơ thể của bé sơ sinh
Trẻ học nói thông qua việc thẩm thấu ngôn ngữ từ môi trường xung quanh. Khi mẹ trò chuyện, giải thích, thể hiện ngôn ngữ cử chỉ của chính mẹ với bé thì đó cũng là lúc não bộ của con đang trong quá trình học tiếng mẹ đẻ đầu tiên của mình. Mẹ hãy thử áp dụng 5 cách đơn giản sau đây để vừa giúp bé học cách thể hiện nhu cầu của bản thân, đồng thời kích thích trí não con phát triển tốt hơn.
Mẹ hãy giúp bé cười mỗi ngày
Không phải chỉ có mẹ mới quan sát từng ánh mắt, cử chỉ của con mà ngược lại, mẹ làm gì, hành động, nói năng thể hiện như thế nào con cũng đều quan sát không bỏ sót. Khi con nhìn, mẹ hãy nở một nụ cười và nói lời âu yếm với con. Và chẳng mấy chốc con sẽ cười đáp lại mẹ bằng cả ánh mắt, cơ mặt, … Đó là lúc con vui vẻ, hạnh phúc nhất.
Những tâm trạng tích cực này sẽ tác động đến sự phát triển não bộ của con. Cho đến khi bé có khả năng giao tiếp được, lúc đó mẹ sẽ thấy kết quả của nụ cười với con hàng ngày sẽ có ý nghĩa lớn lao như thế nào.
Tập cho bé làm quen với môi trường xung quanh
Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Một số bé rất dễ giật mình nếu nghe thấy các tiếng động khác lạ như tiếng xe chạy, chó sủa, … Mặt khác cũng có những trẻ lại nhạy cảm với ánh sáng. Chỉ cần một luồng sáng nhỏ cũng đủ để bé thức giấc. Do đó, những lúc bé thức, mẹ đừng quên cho con làm quen với môi trường xung quan cũng như tập cho con các hoạt động thể chất như:
- Mở rèm cửa cho ánh sáng tràn vào phòng con
- Hãy để con lắng nghe mọi âm thanh, tiếng động xung quanh bé. Giải thích cho bé nghe đó là gì.
- Bật nhạc và cầm chân, tay con để cơ thể con được chuyển động theo tiếng nhạc.
- Bé từ 1-2 tháng tuổi mẹ có thể cho con tập nằm sấp nhằm giúp cổ con được vững chắc, chuẩn bị cho bước tập lẫy của con.
Dạy con cách thể hiện cảm xúc
Bé sơ sinh còn rất nhỏ. Phần lớn con thể hiện nhu cầu của mình thông qua tiếng khóc và cử chỉ. Những lúc như vậy mẹ hãy quan sát và nói với con điều con đang cần là gì như:
- Bé đói rồi hả? Con muốn măm măm không?
- Mẹ kiểm tra xem nhé. Con đang khó chịu phải không. Để mẹ bế vỗ giúp con ợ hơi nhé.
- Nhìn xem, con mẹ buồn ngủ rồi. Chúng mình đi ngủ nhé.v.v.
Đây chính là nền tảng đầu tiên để con hiểu được cách bày tỏ cảm xúc và nhu cầu của mình. Cho đến khi 1 tuổi, bước vào giai đoạn tập nói, con sẽ biết nói nhanh hơn và biết diễn đạt chính xác điều mình cần là gì.
Nói chuyện với con
Thời gian thức của trẻ sơ sinh vào tháng đầu tiên rất ít (mỗi giấc không quá 30-45 phút), các tháng sau đó sẽ dần dài hơn. Mẹ cần tranh thủ lúc bé đang tỉnh táo, khi đi tắm và đặc biệt là thời điểm thay bỉm (tã) để trò chuyện với con thật nhiều. Đừng nghĩ con còn nhỏ mà không hiểu được mẹ nói gì. Trái lại, con đang học ngôn ngữ từ mẹ bằng cách hấp thụ chúng trước khi được chuyển ra ngoài bằng âm thanh. Vì thế mẹ đừng quên:
- Kể cho con nghe mẹ đang làm gì giúp con (chúng mình đi tắm này, thay bỉm này, bú tí con nhé, …)
- Cho con xem các bức tranh, quyển sách to, hình dạng đơn giản để con tập làm quen với việc đọc sách.
- Hát cho con nghe những giai điệu vui tươi, dễ thương.
Phản ứng lại với ngôn ngữ cử chỉ của con
Khi bé sơ sinh nói bằng ngôn ngữ của mình, mẹ đừng phớt lờ hay bỏ qua điều đó bằng cách để cho con khóc một mình, nói với con rằng con không nên quấy khóc như thế, … Về lâu về dài đó thực sự như một cách nói ngầm với con rằng “con không được yêu thương và quan tâm”.
Do đó, điều quan trọng nhất là mẹ cần phản ứng lại với các biểu hiện cử chỉ từ cơ thể con, nói cho trẻ biết mẹ đang nghĩ gì và thấy gì từ hành động của trẻ. Điều này không hề khó khăn chút nào. Mẹ chỉ cần quan sát kĩ và đưa ra phản ứng kịp thời. Từ đó, dần dần các ngôn ngữ cử chỉ của bé sẽ phong phú, đa dạng hơn theo từng tháng tuổi. Đây chính là dấu hiệu để đảm bảo rằng con đang phát triển rất tốt về cả thể chất và não bộ.
Theo The Asianparent Thái Lan
Xem thêm: