Hầu hết phụ nữ mang bầu đều trải qua những trận ốm nghén và không hề cảm thấy thoải mái chút nào trong giai đoạn này. Chị em có thể nhạy cảm với mùi, buồn nôn và dễ nôn, bụng dễ đầy hơi, khó tiêu, cơ thể dị ứng với một số đồ ăn… Ai cũng muốn giai đoạn “nghén ngẩm” này qua nhanh và tìm mọi cách để giảm bớt các triệu chứng nghén. Vậy nghén bắt đầu khi nào, nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy, đến bao giờ thì mẹ hết nghén… Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Ở mỗi mẹ bầu, thời điểm xảy ra dấu hiệu ốm nghén đầu tiên khác nhau phụ thuộc vào yếu tố sức khoẻ và di truyền của mỗi người. Tuy nhiên, thống kê cho thấy phần lớn các chị em sẽ thấy triệu chứng của ốm nghén bắt đầu vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ. Một số chị em (thường là trường hợp ốm nghén nặng) có thể bắt đầu bị nghén sớm hơn – từ tuần thứ 4 của thai kỳ.
Phần lớn các mẹ bầu đều có thể cảm thấy buồn nôn tại bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhất là khi có sự kích thích về mùi, vị thức ăn hay thậm chí cả âm thanh, ánh sáng, nơi đông người. Không những thế, mẹ còn gặp phải cảm giác chán ăn, thường xuyên thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, không thể tập trung vào bất cứ điều gì khác hơn ngoài cảm giác buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ…
Nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy?
Thường thì triệu chứng nghén nặng nhất rơi vào khoảng tuần thứ 9 của thai kỳ. Một số giả thiết được đặt ra để giải thích cho vấn đề này là do đây là mốc thời gian hình thành trọn vẹn các cơ quan của bào thai. Dưới sự huy động một lượng lớn các nguyên liệu, chất xúc tác, phản ứng chuyển hóa và nồng độ hormone tăng trưởng, những cơn “bùng nổ sinh hóa” khiến cơ thể người mẹ mất cân bằng và hoạt động của các hệ cơ quan từ đó cũng bị xáo động theo.
Thời điểm này, bạn sẽ thấy những cơn khó chịu trở nên đáng sợ hơn với cường độ mạnh hơn hoặc tần suất dày đặc hơn. Những cơn chóng mặt, buồn nôn trở nên dày đặc; ngay cả mùi đồ ăn thông thường cũng khiến bạn sợ hãi và mọi thứ trong hệ tiêu hoá cứ chực trào ra ngoài bất cứ lúc nào. Bạn thậm chí còn nôn nhiều đến mức nổi gân xanh lên mặt, cổ họng bị xước và hơi chảy máu…
Thời gian ốm nghén kéo dài bao lâu?
Các trường hợp nghén do mang thai thường giảm triệu chứng sau 3 tháng đầu bị nghén nặng. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10 – 15% trường hợp nghén kéo dài nhiều tuần sau đó, thậm chí có tới 5% trường hợp nghén cho tới khi sinh con.
Nếu mẹ vẫn nghén sau tam cá nguyệt thứ nhất hoặc có các triệu chứng lạ so với ốm nghén thông thường, mẹ nên đến bệnh viện khám để xác định nguyên nhân vì có thể các triệu chứng không liên quan đến ốm nghén và cần có phương pháp chữa trị phù hợp.
Khoảng 10 – 15% các bà mẹ sẽ phải “chịu đựng” tình trạng ốm nghén lâu hơn thông thường. Nếu vẫn còn bị ốm nghén liên tục sau 3 tháng đầu dù nặng hay nhẹ, hãy tới gặp bác sĩ sản khoa để nhận được hỗ trợ y tế. Đừng cố chịu đựng vì ốm nghén quá lâu ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và bé. Thai dễ bị suy dinh dưỡng trường diễn do không nhận đủ năng lượng từ mẹ, chậm phát triển thể lực – trí lực về sau.
Các bác sĩ sẽ có thể kê cho chị em một số loại thuốc để giảm triệu chứng ốm nghén. Bên cạnh đó, một gợi ý hữu ích là dùng thảo dược hay mùi vị giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn (tinh dầu sả, kẹo gừng, trà gừng…); bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, uống đủ nước. Hoàn hảo nhất chính là một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tuyệt đối tránh căng thẳng, lo lắng hay không còn phải vướng bận lao động và tư duy sẽ giúp mẹ thoải mái và dịu đi cảm giác khó chịu của ốm nghén.
Phân biệt ốm nghén và nôn nghén (ốm nghén nặng)
Khoảng 85% phụ nữ mang thai sẽ có biểu hiện buồn nôn và nôn với mức độ có thể nặng hay nhẹ tùy theo thể trạng của mỗi người. Ốm nghén thông thường là trường hợp buồn nôn và nôn có tần số ít, chỉ khoảng 2 lần/ngày và cảm giác buồn nôn ít hơn 1 giờ. Ốm nghén nặng (còn gọi là nôn nghén) là trường hợp buồn nôn kéo dài nhiều giờ liên tục, buồn nôn và nôn xuất hiện nhiều hơn 5 lần/ngày.
Triệu chứng của nôn nghén (ốm nghén nặng)
Có khoảng 2% trong số các trường hợp bị nôn nghén (ốm nghén nặng) với các biểu hiện:
- Buồn nôn và nôn thường xuyên, dữ dội, thậm chí nôn ra máu (khác với xước cổ họng thông thường)
- Triệu chứng nghén không hề thuyên giảm theo thời gian
- Cơ thể mất nước, mệt mỏi, dẫn đến tiểu ít và nước tiểu sậm màu
- Rối loạn điện giải do nôn quá nhiều
- Sụt cân nghiêm trọng, khoảng 5% (3kg) trở lên so với tổng trọng lượng cơ thể
- Hay đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, hay nhầm lẫn, bị ngất, vàng da…
Cách cải thiện triệu chứng ốm nghén nặng trong thai kỳ
Để đảm bảo sự an toàn cho sức khoẻ của cả mẹ và bé, chị em nên thường xuyên tham vấn ý kiến của bác sĩ để có sự theo dõi tốt nhất đối với trường hợp ốm nghén nặng của mình. Bên cạnh đó, những cách sau cũng làm nhẹ đi những triệu chứng làm cơm thể mệt mỏi:
- Uống thuốc chống nôn theo đơn của bác sĩ
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây buồn nôn như: mùi thức ăn, hóa chất, khói bụi…
- Không ăn khi thấy buồn nôn
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, cố gắng đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là vitamin B6
- Hạn chế ăn đồ nhiều chất béo, đồ chiên rán/thức ăn nhanh
- Uống nhiều nước, mỗi ngày nên uống từ 2 – 2,5 lít nước nhưng chia nhỏ ra và tránh uống nước trong khi ăn
- Nghỉ ngơi thường xuyên, cân bằng công việc, tránh căng thẳng, mệt mỏi
- Sử dụng các phương pháp hỗ trợ như: châm cứu, bấm huyệt, massage… nếu cần thiết
Những thông tin trên đã giúp mẹ trả lời những thắc mắc cơ bản về triệu chứng ốm nghén trong thai kỳ. Nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy hay quá trình nghén đến khi nào thì kết thúc… là những điều mẹ có thể nắm được trước khi mang thai để chuẩn bị cho mình tâm lý thật tốt, bình tĩnh vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Ốm nghén là một điều khó có thể tránh khỏi trong khi mang bầu, nhưng với sự chuẩn bị kiến thức kỹ càng, chắc chắn nó sẽ không thể trở thành cơn ác mộng quá lâu đối với mẹ bầu, phải không mẹ? Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.