Bạn đang lo lắng không biết mẹ bị tiểu đường có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Trẻ sơ sinh có mẹ bị tiểu đường gặp những biến chứng nguy hiểm nào không? Mẹ có thể làm gì để ngăn chặn nguy cơ tiểu đường trong thai kỳ?
Mẹ bị tiểu đường có sinh được em bé khỏe mạnh không?
Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết). Dần dà, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Kiểm soát lượng đường trong máu giúp giảm biến chứng nguy hiểm.
Tiểu đường khi mang thai được chia thành hai loại:
- Tiểu đường thai kỳ: Bạn không bị tiểu đường trước khi mang thai. Loại bệnh này phát triển trong quá trình mang thai và sẽ biến mất sau khi bạn sinh con.
- Bệnh tiểu đường trước khi mang thai: Trong trường hợp này, bạn đã bị tiểu đường trước khi mang thai. Bạn có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2.
Kiểm soát lượng đường trong máu của bạn khi mang thai vô cùng quan trọng. Tiểu đường khi mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi trong bụng mẹ.
Mẹ bị tiểu đường có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Nếu mẹ bầu bị tiểu đường, thai nhi của bạn có nguy cơ mắc phải nhiều vấn đề. Những vấn đề này xảy ra khi lượng đường trong máu của bạn không được kiểm soát tốt và gây ảnh hưởng đến cả em bé ở trong bụng và cả sau khi bé được sinh ra đời.
Dưới đây là những nguy cơ thai nhi trong bụng mẹ sẽ phải đối mặt khi mẹ bầu bị tiểu đường:
- Dị tật bẩm sinh và sảy thai. Những điều này có nhiều khả năng xảy ra ở những phụ nữ bị tiểu đường trước khi mang thai.
- Đường huyết cao
- Mức oxy thấp
- Độ sắt trong máu thấp
- Huyết áp cao
- Bệnh tim
- Hệ thần kinh kém phát triển
- Phổi kém phát triển
- Thai chết lưu
Ngoài ra, em bé sinh ra còn có thể đối mặt với những nguy cơ sau:
- Em bé quá to sẽ gây khó sinh qua đường âm đạo và làm tăng nguy cơ tổn thương trong khi sinh
- Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết)
- Canxi trong máu thấp
- Sắt trong máu thấp
- Hồng cầu quá cao có thể làm cho máu tăng độ quánh, cô đặc hơn. Nguy cơ tắc nghẽn máu trong hệ tuần hoàn khá cao.
- Bilirubin trong máu cao, gây tổn thương tế bào não của trẻ.
- Dị tật bẩm sinh. Hầu hết ảnh hưởng đến tim, mạch máu, não và tủy sống.
- Sinh non
- Bệnh tim
- Các vấn đề về hô hấp
Trẻ sinh ra từ người mẹ mắc bệnh tiểu đường sẽ dễ bị tiểu đường và béo phì sau này.
Làm thế nào để ngăn ngừa bị tiểu đường khi mang thai?
Không phải lúc nào bạn cũng có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường trong thai kỳ.
Trong quá trình mang thai, nhau thai của bạn tạo ra các loại hormone bạn cần để mang thai khỏe mạnh. Tuy nhiên, chúng lại ngăn chặn insulin. Nếu tuyến tụy của bạn không tạo đủ insulin, bạn sẽ mắc chứng tiểu đường thai kỳ. Đó là lý do tại sao có khoảng 2-10% phụ nữ mắc chứng tiểu đường thai kỳ.
Bạn có thể thực hiện các bước sau đây để giảm nguy cơ bệnh phát triển.
Kiểm soát cân nặng trước và trong khi mang thai
Nếu có ý định mang thai và sinh con, bạn cần chọn một lối sống lành mạnh để có cơ thể khỏe mạnh.
Các nghiên cứu cho thấy thừa cân trước khi mang thai là một yếu tố tăng nguy cơ mắc chứng tiểu đường đáng kể. Nếu chỉ số BMI của bạn cao hơn 25, bạn cũng thuộc nhóm nguy cơ cao. Vì vậy, thay đổi chế độ ăn uống tập luyện sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hãy chia nhỏ khẩu phần hàng ngày. Bạn nên ăn nhiều bữa trong ngày thay vì ba bữa lớn. Dùng trái cây và các loại hạt thay thế cho những đồ ăn vặt đóng gói sẵn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên uống nước lọc, ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ.
Tập thể dục đều đặn
Đây là một phần quan trọng để duy trì cân nặng hợp lý. Cả trước và trong khi mang thai, tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ. Tập thể dục giúp cơ thể nhạy cảm hơn với insulin mà tuyến tụy tạo ra. Từ đó, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
Bạn có thể thử đi bộ hoặc chạy xe đạp khi đi làm, đi cầu thang, bơi lội, tham gia các lớp yoga dành riêng cho bà bầu,…
Tốt nhất là bạn nên trao đổi với bác sĩ về bất kỳ chế độ tập luyện nào trong thai kỳ, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Ăn uống điều độ khi mang thai
Ốm nghén, thèm ăn và chán ăn khi mang thai có thể khiến bạn khó có được một chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, ăn uống đầy đủ có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ. Chế độ ăn hợp lý đảm bảo rằng bạn chỉ tăng cân hợp lý trong mỗi tam cá nguyệt.
Bạn nên chọn các món ăn giàu protein nạc như đậu, cá, đậu phụ và thịt gia cầm trắng. Chất béo nên hấp thu là chất béo lành mạnh từ các loại hạt, dầu ô liu, dầu dừa và các nguồn chất béo thực vật khác, ngũ cốc nguyên hạt, …
Các thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường, nước tăng lực, nước ngọt,… cần phải hạn chế.
Khám thai định kỳ
Tham gia đầy đủ các buổi thăm khám định kỳ cũng giúp mẹ phòng tránh tiểu đường khi mang thai. Trong những lần thăm khám này, bác sĩ tư vấn cho bạn những điều cần lưu ý để có một thai kỳ trọn vẹn.
Bên cạnh đó, bạn cũng được khám phụ khoa, siêu âm để xem em bé của bạn phát triển như thế nào. Các bác sĩ cũng ó thể nhận ra một số dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường thai kỳ. Từ đó, bác sĩ sẽ đề xuất các cách giúp ngăn ngừa.
Từ 24 đến 28 tuần, các mẹ bầu sẽ được kiểm tra bệnh tiểu đường thai kỳ. Nếu kết quả dương tính với bệnh tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách ngăn ngừa các biến chứng tiếp theo.
Mẹ bầu bị tiểu đường trong thai kỳ rất nguy hiểm. Bệnh này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả thai phụ và thai nhi, nhưng mẹ vẫn có thể chủ động ngăn ngừa được. Vì vậy, các mẹ nên kiểm soát chế độ ăn của mình, cố gắng chọn những bài tập thể dục vừa sức và thăm khám thường xuyên để ngăn ngừa các biến chứng xấu xảy ra.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!