Tầm soát tiểu đường thai kì là xét nghiệm bà bầu nào cũng cần thực hiện. Bà bầu nên biết thời điểm và quy trình thực hiện xét nghiệm để thực hiện đầy đủ. Tiểu đường hoàn toàn có thể kiểm soát an toàn nếu bạn chủ động phát hiện bệnh sớm.
Tiểu đường thai kì là gì?
Bệnh tiểu đường thai kì là rối loạn dung nạp đường mới xuất hiện hoặc được ghi nhận lần đầu trong khi mang thai. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tuy nhiên, bà bầu ở tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba có khả năng mắc bệnh cao hơn.
Bệnh xuất hiện vì cơ thể bạn không thể sản xuất đủ insulin – một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu – để đáp ứng nhu cầu của bạn trong thai kỳ.
Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây ra vấn đề cho bạn và em bé trong khi mang thai và sau khi sinh. Nhưng rủi ro có thể được giảm thiểu nếu bạn phát hiện bệnh sớm và điều trị tốt.
Quy trình tầm soát tiểu đường thai kì
Thời điểm thực hiện
Tầm soát tiểu đường thai kì được thực hiện ở 3 thời điểm:
- Xếp loại nguy cơ ngay lần khám thai đầu tiên
- Nếu thai phụ không có yếu tố nguy cơ nhưng có bất thường đường huyết lúc đói, cần tầm soát tiểu đường thai kì vào lúc thai 24 – 28 tuần
- Nếu có yếu tố nguy cơ, thai phụ cần tầm soát tiểu đường trong 3 tháng đầu thai kì. Có thể kiểm tra lại vào tuần 24 – 28 nếu trước đó chưa phát hiện bệnh.
Sàng lọc
Trong cuộc hẹn khám thai đầu tiên, vào khoảng tuần thứ 8 đến 12 của thai kỳ, y tá hoặc bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi để xác định xem bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hay không. Đây là 6 yếu tố nguy cơ bà bầu mắc tiểu đường thai kì cao:
- Gia đình có người bị bệnh tiểu đường
- Ở kì mang thai trước, bà bầu bị tiểu đường thai kì
- Trước đây bà bầu đã sinh em bé nặng trên 4kg
- Lần mang thai trước thai lưu (đặc biệt ở 3 tháng cuối)
- Sinh con dị tật
- Đã có trên 3 lần sảy thai liên tiếp
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống để tầm soát tiểu đường trong thai kì (OGTT)
Nếu bạn có trên 1 yêu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kì, bạn sẽ được đề nghị kiểm tra sàng lọc bằng xét nghiệm OGTT. Xét nghiệm này mất khoảng 2 giờ thực hiện.
Bạn sẽ được xét nghiệm máu vào buổi sáng, sau khi không ăn và uống từ 8 đến 10 giờ. Trong 3 ngày trước khi xét nghiệm, bạn ăn chế độ ăn carbohydrate bình thường. Xét nghiệm gồm 3 bước:
- Đo glucose máu lúc đói
- Bà bầu uống 200ml nước pha với 75g glucoso. Uống trong 3 đến 5 phút. Trong thời gian xét nghiệm, tuyệt đối không hút thuốc, ăn hay uống nước ngọt
- Đo glucoso máu sau 1 và 2 giờ
Kết quả glucose máu bình thường
Chỉ số glucoso trong máu như sau được coi là bình thường:
- Lúc đói: Chỉ số dưới 92 mg/dl (5/1mmol/L)
- Sau 1 giờ: Dưới 180 mg/dl (10mmol/L)
- Sau 2 giờ: Dưới 153mg/dl (8.5 mmol/L)
Từ chỉ số này, bác sĩ có thể đưa ra 2 kết luận:
- Nếu có hai kết quả bằng hay hơn giới hạn trên, bà bầu bị tiểu đường thai kì. Ví dụ, chỉ số đường huyết lúc đói là 92 mg/dl và sau 2 giờ là 153 mg/dl thì bà bầu bị tiểu đường thai kì
- Nếu có một kết quả bằng hay hơn giới hạn trên, bà bầu bị rối loạn dung nạp đường trong thai kỳ. Ví dụ, một chỉ số đường huyết sau 2 giờ là 153ml/dl, 2 chỉ số còn lại bình thường, bà bầu bị rối loạn dung nạp đường.
Chẩn đoán tiểu đường thai kì
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa theo dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng. Tuy nhiên chủ yếu sẽ dựa vào cận lâm sàng
Lâm sàng
- Béo phì (BMI trên 27kg/m2)
- Bà bầu ăn uống nhiều, tăng cân trên 20kg
- Thai to, đa ối, thai lưu
Cận lâm sàng
- Đường huyết lúc đói của bà bầu bằng hoặc trên 126 mg/dl (7mmol/L)
- Đường huyết bất kỳ của bà bầu bằng hoặc trên 200mg/dl (11/1 mmol/L)
- Kết quả xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT)
Điều trị bệnh tiểu đường thai kì
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, khả năng thai nhi gặp vấn đề có thể giảm bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu. Bạn sẽ được cung cấp một bộ xét nghiệm lượng đường trong máu để bạn có thể theo dõi hiệu quả của việc điều trị.
Lượng đường trong máu có thể được giảm bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục. Tuy nhiên nếu lượng đường vẫn quá cao, bạn sẽ cần uống thuốc.
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, tốt nhất nên sinh trước 41 tuần. Thậm chí bạn có thể cần sinh bé sớm hơn nếu có lo ngại về sức khỏe của mẹ và em bé, hoặc nếu đường trong máu không được kiểm soát.
Tầm soát tiểu đường thai kì vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé. Ngoài ra, mẹ cần có chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng để giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!