Mẹ bầu đau dạ dày trong thai kỳ là điều vô cùng khó chịu. Liệu việc uống thuốc có gây nguy hiểm cho thai nhi? Có cách nào để cải thiện tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về chứng đau dạ dày trong thai kỳ.
Vì sao phụ nữ có nguy cơ đau dạ dày nhiều hơn khi mang thai?
Trong thời kỳ mang thai, các chứng bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như đầy bụng, ợ nóng hay đau dạ dày thường có xu hướng xuất hiện phổ biến hơn. Điều này là do các nguyên nhân như:
- Ở 3 tháng đầu mẹ bầu ốm nghén, gây ra tình trạng nôn nhiều. Từ đó khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi. Đồng thời tử cung phải lớn lên để phù hợp với kích thước của thai nhi khiến vị trí dạ dày bị thay đổi, thức ăn xuống dạ dày khó tiêu hóa, lâu đần bị ứ đọng lại gây hại cho lớp niêm mạc dạ dày.
- Sự thay đổi của lượng hormone progesterone được tiết ra khi mang thai cũng là nguyên nhân làm tăng các cơn đau dạ dày, đầy bụng và tiêu chảy.
- Ở các tháng cuối thai kỳ, em bé phát triển mạnh gây chèn ép dạ dày, làm ứ đọng thức ăn, làm dạ dày tổn thương khiến mẹ bầu bị đau dạ dày.
Ngoài ra đau dạ dày còn do các yếu tố khác như mẹ bầu bị căng thẳng, ngủ chưa đủ giấc hoặc ăn quá nhiều và nhai nuốt nhanh, …
Mẹ bầu đau dạ dày có biểu hiện như thế nào?
Đau dạ dày không quá khó để nhận biết. Nếu thấy có các biểu hiện sau thì rất có thể mẹ đã bị đau dạ dày trong thai kỳ.
- Đau thượng vị: Mẹ bầu cảm thấy đau âm ỉ và tức vùng bụng, đau nóng rát rất khó chịu.
- Ợ nóng nhiều: Đây là triệu chứng rất quan trọng của bệnh đau dạ dày. Ợ chua, ợ hơi gây nên sự khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mẹ bầu.
- Buồn nôn: Nếu không cẩn thận sẽ rất dễ nhầm lẫn với biểu hiện của ốm nghén.
- Ăn uống kém ngon miệng: Khi bị đau dạ dày , mẹ bầu thường có dấu hiệu kém ăn thể hiện bởi lượng thức ăn bị giảm đi hoặc ăn kém ngon. Nguyên nhân là bởi thức ăn được tiêu hóa chậm, sau khi ăn, người bệnh cảm thấy chướng bụng, đầy bụng, cảm giác nặng nề, ấm ách.
Mẹ bầu đau dạ dày có nên uống thuốc?
Dùng thuốc đau dạ dày khi đang mang thai là đều không bao giờ được khuyến khích. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, mẹ bầu sẽ phải dùng thuốc.
Nhưng dùng loại gì và liều lượng như thế nào cần được bác sĩ tính toán kỹ lưỡng. Tự tiện dụng thuốc dù đang ở tháng thứ mấy của thai kỳ cũng có thể nguy hại trực tiếp đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Do đó, ngay khi thấy mình có các biểu hiện của bệnh đau dạ dày như trên thì mẹ bầu nên đi khám để có hướng điều trị an toàn và phù hợp.
Các cách giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng đau dạ dày
Mẹ bầu đau dạ dày hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng này bằng các cách an toàn như sau:
1. Chia nhỏ bữa ăn
Thay vì chỉ ăn 3 bữa chính với lượng thức ăn nhiều thì mẹ nên chia làm nhiều bữa nhỏ (5-6 bữa). Khi ăn nên nhai kĩ và ăn từ từ sẽ giúp cải thiện được tình trạng này.
2. Tránh các loại đồ ăn kích thích
Mẹ bầu bị đau dạ dày cần kiêng ăn các thực phẩm chứa nhiều gia vị cay, nóng, cà phê, thức ăn nhanh và các thực phẩm muối chua. Những loại thức ăn này vừa khiến mẹ bầu khó tiêu, đồng thời gây ra ợ nóng, càng khiến bạn cảm thấy khó chịu.
3. Nghỉ ngơi, thư giãn và không căng thẳng
Đây cũng là lời khuyên chung cho những ai bị bệnh đau dạ dày. Theo các bác sĩ chuyên khoa, căng thẳng khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Ngoài ra, ngủ nghỉ không điều độ cũng tác động đến phát triển của thai nhi.
Do đó, nếu mẹ đang bị đau dạ dày thì nên có sự kết hợp giữa điều trị của bác sĩ và một chế độ nghỉ ngơi hợp lý của bản thân.
4. Bổ sung một số thức uống thảo dược
Trong đó tinh chất nghệ và mật ong được khuyến khích trong chế độ ăn của mẹ bầu. Thức uống pha từ tinh bột nghệ hoặc mật ong có khả năng cải thiện tình trạng đau dạ dày rất tốt trong thai kỳ.
Ngoài các cách trên, mẹ bầu đau dạ dày cũng nên có một chế độ vận động nhẹ nhàng, phù hợp với thể chất, giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể cũng như ổn định hoạt động của cơ quan tiêu hóa được tốt hơn.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!