Nhiều bà bầu lo lắng khi mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không và chị em cần phải chú ý điều gì khi gặp phải?
Ở tháng thứ 8, mẹ bầu và thai nhi phát triển ra sao?
Giai đoạn tháng thứ 8 của thai kỳ tương ứng với tuần 29,30, 31 và 32 của thai nhi. Lúc này cả mẹ và bé đều có sự thay đổi rất rõ rệt trong cơ thể. Cụ thể:
Thai nhi tháng thứ 8
Theo ước tính thì giai đoạn này thai nhi đã có kích thước từ 38 tới 40cm. Cân nặng của bé cũng đạt từ 1,5 – 2kg. Cơ thể của bé cũng cơ bản hoàn thiện để sẵn sàng chào đời. Các cơ quan nội tạng cũng đã hình thành và hoạt động ở mức cơ bản. Bộ não cùng hệ thống thần kinh lúc này đã phát triển đầy đủ.
Mẹ bầu tháng thứ 8 thường gặp phải hiện tượng gò cứng bụng
Da của bé cũng không còn đỏ như trước nhờ lượng mỡ dưới da được hình thành. Bề mặt da của thai nhi ở tháng thứ 8 cũng không còn nhăn nheo. Một số bé cũng đã thay đổi tư thế nằm đầu hướng xuống. Bé cũng biết ngáp ngủ, mút ngón tay đặc biệt khi người mẹ bị đói bụng. Lúc này bé cũng đạp nhiều và mạnh hơn.
Mẹ bầu tháng thứ 8
Ở thời điểm này, cơ thể của mẹ bầu cũng trở nên nặng nề và chậm chạp hơn. Trọng lượng của thai nhi tăng cao khiến mẹ vận động khó khăn và nhanh mệt mỏi. Phần giữa và dưới cơ thể sẽ chịu nhiều áp lực hơn. Mẹ sẽ cảm thấy cơ bụng suy yếu và bị đau nhiều hơn ở phần lưng.
Càng về cuối thai kỳ, cơ thể mẹ bầu sẽ càng nặng nề và chậm chạp hơn
Do tác động của nội tiết tố, các khớp, dây chẳng giữa xương chậu và cột sống sẽ giãn ra. Một số mẹ bầu sẽ bị giãn tĩnh mạch ở chân và bị chuột rút thường xuyên hơn. Bụng bầu của thai phụ tháng thứ 8 cũng lớn lên trông thấy. Phần chóp tử cung của thai phụ thường cách rốn khoảng 14.5 cm.
Bà bầu mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng có nguy hiểm không?
Trong giai đoạn này, mẹ bầu cũng sẽ đối mặt thường xuyên hơn với các cơn gò tử cung. Đặc trưng của những cơn gò là luôn khiến cả vùng bụng của mẹ bầu trở nên căng cứng. Nhiều chị em sẽ cảm thấy hoang mang khi gặp phải tình trạng này. Càng đến gần ngày dự sinh, chúng sẽ xuất hiện nhiều lần hơn. Tuy nhiên đây là một hiện tượng khá phổ biến và hoàn toàn bình thường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng
Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng xuất hiện ở hầu hết các trường hợp mang thai thông thường. Nó đa phần không gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé. Nguyên nhân của các cơn gò căng cứng bụng gồm có:
– Giai đoạn này, trọng lượng và kích thước thai nhi đã đạt gần mức tối đa. Điều này dẫn đến tình trạng chèn ép các cơ và dây chằng ở vùng bụng mẹ. Đây là lý do khá phổ biến dẫn tới cảm giác căng tức của thai phụ tháng thứ 8.
– Hoạt động của thai nhi gây ra các cơn gò tử cung ở mức độ nhẹ. Chúng khiến vùng bụng mẹ bầu cảm thấy căng tức.
– Sự thay đổi cảm xúc đột ngột của mẹ bầu gây căng bụng.
– Mẹ bầu nằm sai tư thế cũng có thể dẫn tới tình trạng căng cứng ở vùng bụng.
– Xoa bụng quá nhiều có thể khiến tử cung bị kích thích dẫn tới các cơn gò.
– Thai phụ bị mất nước hoặc táo bón cũng dẫn tới tình trạng căng cứng vùng bụng. Để giảm thiểu nguy cơ này mẹ bầu nên ăn uống khoa học hơn.
Nhớ ăn nhiều trái cây, rau xanh để tránh táo bón mẹ nhé
Khi nào bà bầu cần cẩn trọng khi thấy bụng căng cứng
Đa phần các cơn gò và căng cứng bụng sẽ diễn ra với mức độ nhẹ và nhanh kết thúc. Khi đó mẹ bầu không cần quá lo lắng. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho sức khỏe mẹ và thai nhi nếu nó đi kèm một số biểu hiện sau:
– Các cơn căng cứng bụng xuất hiện liên tục với tầng suất 5-10 phút/lần. Mẹ bầu cảm thấy sức căng ở bụng dữ dội hơn bình thường. Ngoài ra nếu mẹ bầu bị ra máu thì cần đến bệnh viện ngay. Bởi đó là dấu hiệu của việc sinh non rất nguy hiểm.
– Dịch nhầy xuất hiện bất thường ở âm đạo. Đây cũng là một dáu hiệu cảnh báo sinh non điển hình. Mẹ và cả bố tuyệt đối không được chủ quan ở trường hợp này.
– Đau lưng dưới và chuột rút cũng là dấu hiệu chuyển dạ phổ biến. Khi chúng xuất hiện ở tháng thứ 8 cùng các cơn gò, mẹ cũng phải đến gặp bác sĩ ngay.
Mẹ bầu cần thăm khám thường xuyên ở tháng thứ 8 của thai kỳ
Thay lời kết
Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng là vấn đề rất nhiều mẹ gặp phải. Càng về cuối thai kỳ, tình trạng căng cứng càng xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Trong đa số các trường hợp thì chúng hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên mẹ bầu cũng cần chú ý theo dõi các cơn gò và tình trạng căng cứng. Nếu nó xuất hiện cùng các dấu hiệu sinh non thì bà bầu cần nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời, tránh gây nguy hiểm của cả mẹ và bé yêu.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!