Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 8 là một vấn đề có thể gây hoang mang, lo lắng cho nhiều mẹ bầu. Tuy nhiên, hiện tượng này xảy ra khá phổ biến và không quá nghiêm trọng nên các mẹ cũng chớ nên bận tâm quá nhiều.
Bài viết dưới đây sẽ cùng chị em làm rõ nguyên nhân và cách xử lý bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 8.
Nguyên nhân gây bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 8
- Do ảnh hưởng của sự phát triển, vận động của thai nhi: Thai nhi lúc này lớn nhanh, tay chân phát triển, khi chuyển mình thay đổi tư thế sẽ làm bụng mẹ bầu bị căng cứng.
- Tâm lý và cảm xúc của mẹ bầu: Mọi niềm vui, nỗi buồn của người mẹ đều ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng, tạo nên cảm giác bụng căng cứng ở người mẹ. Vì vậy, nếu mẹ bầu luôn giữ tâm trạng lạc quan, vui vẻ, yêu đời thì hiện tượng bụng căng cứng sẽ giảm và nhất là bé sẽ có sự phát triển tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.
- Tử cung bị chèn ép dưới áp lực lớn: Tử cung phải mở rộng để tạo đủ diện tích cho bé phát triển, do đó ảnh hưởng đến các bộ phận khác như bàng quang, trực tràng, xương chậu, và khiến bụng căng cứng.
- Mẹ bầu nằm sai tư thế.
- Táo bón khi mang thai: Hiện tượng táo bón cũng có thể gây nên căng cứng bụng ở mẹ bầu. Ngoài ra, nó gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và bé, xấu hơn nữa có thể làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai.
- Cơ thể người mẹ bị mất nước.
- Xoa bụng quá nhiều: hành động này vô hình tạo kích thích lên tử cung dẫn đến căng cứng bụng, thậm chí có trường hợp gây sinh non.
- Bàng quang đầy: Lượng nước tích trữ quá nhiều, không được “giải phóng” cũng có thể tạo nên hiện tượng căng cứng bụng ở mẹ bầu.
Một số trường hợp mẹ bầu cần lưu ý khi có hiện tượng bụng căng cứng
Thông thường, hiện tượng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 8 không có gì quá nghiêm trọng. Dẫu vậy, mẹ bầu cần để ý và kịp thời đi khám bác sĩ nếu như bụng căng cứng đi kèm các dấu hiệu bất thường sau đây:
- Những cơn căng cứng bụng xuất hiện thường xuyên (tần suất khoảng 5-10 phút/ 1 lần) kèm theo ra máu có thể là dấu hiệu của việc sinh non. Trong trường hợp này mẹ bầu cần khẩn trương đi khám bác sĩ và điều trị.
- Âm đạo nhớt và có dịch nhầy cũng là một dấu hiệu nhận biết sinh non.
- Hiện tượng chuột rút ở vùng bụng dưới.
Nguyên tắc trong thời kỳ mang thai là không ra máu, không ra nước và không có cơn co tử cung. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường nào mẹ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám sản khoa ngay lập tức.
Ngoài ra, đối với những mẹ bầu có tiền sử nạo phá thai nhiều lần, từng bị ngã, va đập mạnh trong quá trình mang thai hoặc cổ tử cung bị hở bẩm sinh… thì tuyệt đối nên theo dõi sức khỏe, tham khảo ý kiến bác sĩ vì khả năng sinh non ở các trường hợp này sẽ cao hơn thông thường.
Cách xử lý vấn đề bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 8
Tùy theo nguyên nhân gây ra căng cứng bụng mà cách xử lý cho chị em cũng sẽ khác nhau:
- Nếu bụng căng cứng do ảnh hưởng của cảm xúc và sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để khắc phục tình trạng này.
- Đối với trường hợp bị táo bón, mẹ bầu cần chú ý cân đối dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung thêm nước và chất xơ trong thực đơn hàng ngày.
- Khi mang thai đến tháng thứ 8, các mẹ phải cần thận trọng khi tiến hành mát-xa vùng bụng hoặc thậm chí là vùng ngực để tránh hoàn toàn những kích thích tử cung không cần thiết có thể dẫn đến hiện tượng sinh non.
- Mẹ bầu cần uống đủ nước và tránh nhịn tiểu để phòng bụng căng cứng.
- Tư thế nằm tốt nhất cho các mẹ bầu là tư thế nằm nghiêng về bên trái vì khi đó máu lưu thông dễ dàng và các cơ quan nội tạng không bị áp lực. Mẹ bầu nên tránh nằm ngửa khi mang thai do ảnh hưởng của trọng lượng thai nhi ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng của mẹ.
Mẹ bầu cần chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe để hạn chế tình trạng bụng căng cứng
Chỉ còn 1 tháng nữa thôi, hành trình mang thai của mẹ sẽ kết thúc tốt đẹp. Trong khoảng thời gian này đến khi kết thúc hành trình mang thai, mẹ bầu có thể tham khảo những gợi ý sau để chuẩn bị những gì tốt nhất cho sức khỏe bản thân và thai nhi:
- Duy trì lịch khám thai đúng hẹn theo yêu cầu của chuyên gia y tế.
- Tiếp tục áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học để đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi, uống đủ nước mỗi ngày.
- Tập yoga hay đi bộ mỗi ngày sẽ giúp mẹ bầu cải thiện cả thể lực và trí lực, làm cơ thể mẹ khỏe mạnh hơn.
- Hạn chế đến những nơi đông người để tránh những bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như cảm cúm hay cảm lạnh, đặc biệt là trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
- Tránh đi giày cao gót, không nhuộm tóc, sơn móng tay hay tiếp xúc với các chất hóa học độc hại khác.
- Mẹ nên tự theo dõi sức khỏe cơ thể, nếu có bất kỳ hiện tượng bất thường nào thì đừng chần chừ đi bệnh viện ngay.
- Cùng chồng trò chuyện với thai nhi để bé làm quen với giọng nói của mẹ và giúp tâm trạng mẹ thư giãn hơn.
Lời kết
Hành trình mang thai của mẹ đã đi đến chặng đường cuối cùng. Dù có bận rộn chuẩn bị chào đón em bé sắp sinh thế nào mẹ cũng đừng quên thường xuyên theo dõi sức khỏe của mẹ và bé để can thiệp kịp thời ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Hiện tượng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 8 chỉ là một trong những biểu hiện của cơ thể mà mẹ cần chú ý theo dõi tìm hiểu nguyên nhân. Chúc các mẹ mang thai an toàn và khỏe mạnh.
Đọc thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!