Trong những năm gần đây, lưu trữ máu cuống rốn không còn là khái niệm xa lạ với các cặp đôi sắp trở thành ba mẹ. Nhiều phụ huynh lựa chọn phương pháp này như một hình thức mua bảo hiểm sinh học trọn đời cho con. Vậy lợi ích của những việc làm này là gì, bố mẹ cần lưu ý vấn đề gì trước khi thực hiện cho bé yêu của mình?
Lưu trữ máu cuống rốn là gì?
Máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn, máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi, cung cấp dưỡng chất cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ. Trong những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện máu cuống rốn chứa một lượng dồi dào tế bào gốc liên quan đến trẻ và các thành viên gia đình.
Tế bào gốc là loại tế bào đặc biệt có thể góp phần vào việc phát triển các mô, cơ quan nội tạng và hệ thống cơ thể của trẻ. Loại tế bào này có thể biến đổi thành tế bào khác trong cơ thể để bắt đầu sự hình thành và phát triển mới hoàn toàn.
Hiện nay, tế bào gốc từ máu cuống rốn được dùng để điều trị thành công hơn 80 loại bệnh khác nhau như ung thư, các chứng rối loạn máu, thiếu hụt kháng thể… Nếu lưu trữ loại tế bào này từ khi mới sinh, trong tương lai, trẻ khi cần sử dụng tế bào gốc để hỗ trợ, điều trị bệnh.
Đây sẽ là nguồn tế bào gốc phù hợp nhất, không gây ra những phản ứng thải ghép của cơ thể. Thậm chí, nếu người thân trong gia đình cần sử dụng tế bào gốc để điều trị, khả năng phù hợp giữa người bệnh và mẫu tế bào gốc của trẻ sẽ cao hơn so với nguồn tế bào gốc từ những người không cùng huyết thống.
Những điều ba mẹ nên lưu ý
Thu thập máu cuống rốn được xem là kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện, kéo dài không quá 5 phút và không gây đau đớn cho cả mẹ và bé. Biện pháp có thể áp dụng cho cả sinh mổ và sinh thường. Kỹ thuật viên sẽ tiến hành lấy máu cuống rốn bằng phương pháp tiêm hút hoặc dùng túi:
- Dùng ống tiêm: Một ống tiêm sẽ được sử dụng để rút máu từ phần bên trong của cuống rốn khi rốn vừa được cắt. Tiến trình này cũng tương tự việc lấy máu xét nghiệm.
- Dùng túi: Dây rốn thai nhi được nâng cao lên để máu bên trong tự chảy vào túi.
Tuỳ theo dịch vụ lựa chọn của ba mẹ, thời gian lưu trữ máu cuống rốn có thể linh hoạt từ 1 – 17 năm. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, máu cuống rốn có thể bảo quản vô thời hạn trong điều kiện lý tưởng sau:
- Tế bào gốc máu cuống rốn được lưu trữ ở nhiệt độ < -190°C – mức ngừng các hoạt động sinh học.
- Tinh trùng và các tế bào khác khi được lưu trữ trong vòng 50 năm vẫn có thể hoạt động sau khi giải đông.
Lưu trữ máu cuống rốn ở đâu?
Hiện nay, Việt Nam có các ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn như: Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học truyền máu trung ương và Bệnh viện Vinmec Hà Nội…
Chi phí thu thập, xử lý máu cuống rốn và lưu trữ năm đầu khoảng hơn 20 triệu đồng. Phí lưu trữ khoảng hơn 2 triệu đồng/năm tuỳ theo dịch vụ của từng ngân hàng. Bố mẹ có thể cân nhắc vào nhu cầu và khả năng tài chính của gia đình.
Lưu trữ máu cuống rốn không gây bất kỳ rủi ro nào cho mẹ và bé. Ngày nay, với kỹ thuật y học hiện đại, việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị những căn bệnh nan y đang ngày càng phổ biến. Vì vậy, ngày càng nhiều gia đình lựa chọn lưu trữ máu cuống rốn, nhằm tạo nguồn tế bào gốc có sẵn trong trường hợp cần sử dụng để điều trị bệnh cho bản thân đứa trẻ hoặc các thành viên.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!