Rốn bé sau khi rụng bị ướt, rỉ nước, có dịch vàng? Điều này là dấu hiệu bé đang có vấn đề về sức khỏe? Mẹ có nên chỉ tự chăm sóc hay cần điều trị như thếcho bé?
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Rốn bé sau khi rụng bị ướt – Liệu có phải con đang bị u hạt rốn?
Trong những ngày sơ sinh đầu đời của em bé, một trong những vấn đề mà các bố mẹ quan tâm nhất là tình trạng dây rốn của em bé.
Làm thế nào để chăm sóc tốt cho dây rốn, tránh bị nhiễm trùng và giúp dây rốn mau rụng. Và nếu rốn của bé sơ sinh bị ướt, không khô được thì bố mẹ nên xử lý như thế nào?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ rụng rốn trong khoảng 1-2 tuần sau sinh. Giai đoạn sau khi rụng rốn ở trẻ sơ sinh là giai đoạn nhạy cảm, các bất thường ở rốn đều có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý nguy hiểm. Nếu sau khi rụng mà rốn trẻ bị ẩm, rỉ dịch hoặc có ít mủ trên bề mặt thì có khả năng trẻ bị nhiễm trùng rốn hoặc một số bệnh ký rốn khác như tồn tại ống niệu rốn, u hạt rốn…
Mẹ cần vệ sinh chăm sóc rốn trẻ hàng ngày thật kĩ lưỡng, chú ý vệ sinh vùng chân rốn và lau khô, mở thoáng, theo dõi và phát hiện các bất thường nếu có. Khi rốn trẻ bị ướt sau rụng, mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, đánh giá tình trạng, tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Đa phần nguyên nhân gây ra tình trạng chảy dịch ở rốn của em bé là do U HẠT RỐN.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam: U hạt rốn là tình trạng chậm biểu bì hóa sau rụng rốn khiến mô hạt phát triển quá mức, hay xảy ra ở những trẻ chậm rụng rốn, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng rốn. U hạt rốn chỉ là một trong số các nguyên nhân trẻ có thể gặp phải chứ không phải chắc chắn tuyệt đối là trẻ bị ướt chân rốn sau khi rụng đều do u hạt rốn.
Một số trường hợp viêm nhiễm bội nhiễm, rốn của bé sẽ có mủ và mùi hôi. Khi đi khám, bố mẹ có thể nhìn thấy phần u hạt rốn và thường sẽ có màu hồng. Kích thước của u hạt rốn khác nhau giữa từng bé. Thông thường chúng nhỏ khoảng 1-10mm. Tức là u hạt rốn này có thể chỉ nhỏ bằng hạt gạo, hạt đỗ hoặc to như hạt ngô và có cấu trúc cuống.
Nếu rốn bé sau khi rụng bị ướt chứ không khô như bình thường thì bố mẹ nên làm gì?
Rốn bé sau khi rụng bị ướt thì có thể còn do nhiều nguyên nhân khác ngoài vấn đề u hạt rốn
Thông thường, trước khi điều trị, các bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán phân biệt trước. Đó là bởi vì rất có thể còn nhiều nguyên nhân khiến cho rốn em bé bị rỉ nước, chảy nước. Nhưng phần lớn thường gặp chính là u hạt rốn.
Một số nguyên nhân khác có thể khiến rốn trẻ bị rỉ nước như:
– Tồn tại ống niệu rốn. Khi bé đi tiểu, dịch ở rốn sẽ tiết ra nhiều hơn.
– Tồn tại nang rốn ruột. Điều này khiến cho phân có thể rò rỉ hoặc tiết qua đường rốn.
– Thoát vị cuống rốn nhỏ.
Để phân biệt rõ ràng các trường hợp này, các bác sĩ sẽ phải thực hiện siêu âm trước khi chẩn đoán, từ đó đưa ra cách xử lý phù hợp.
Rốn bé sau khi rụng bị ướt – Rất có thể bé bị u hạt rốn
Trong trường hợp em bé bị u hạt rốn thì cần điều trị như thế nào?
Việc điều trị u hạt rốn là quá trình khá đơn giản.
Thông thường nhất là bác sĩ sẽ kê dung dịch bác Nitrat để chấm lên chồi nụ rốn. Các bố mẹ lưu ý là chỉ chấm đúng vào chồi nụ rốn chứ không nên để rây ra các vùng da xung quanh.
Chính vì vậy mà thủ thuật này sẽ được thực hiện ngay tại bệnh viên với mức độ từ 2 lần/tuần và sẽ diễn ra trong 2 tuần hoặc với một số bé có thể kéo dài 3-4 tuần.
Với trường hợp các bé đã được chấm bạc Nitrat mà dịch rốn vẫn không khô được hoặc u hạt rốn quá to thì bác sĩ sẽ phải có biện pháp điều trị bước tiếp theo. Đó là đốt điện hoặc buộc cuống rốn để cho u hạt rốn teo lại
Những lưu ý khi dành cho bố mẹ khi điều trị u hạt rốn
Mặc dù việc điều trị diễn ra khá đơn giản nhưng bố mẹ vẫn nên lưu ý những điều sau:
– Nếu thấy bé bị rỉ nước hoặc xuất hiện những hạt nhỏ ở rốn thì tuyệt đối không tự mua thuốc và tự điều trị cho bé để tránh trường hợp nhiễm trùng.
– Bố mẹ nên cho bé đi khám ngay khi thấy tình trạng rỉ nước ở rốn để có được chẩn đoán kịp thời và hợp lý nhất.
Xem thêm bài liên quan:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!