Làm gì khi trẻ sơ sinh khóc? Kĩ năng dỗ con là một trong những thứ bố mẹ cần trang bị cho mình trước ngày em bé chào đời. Đồng thời hãy kiểm tra bỉm, tã, thân nhiệt của bé hay xem có phải con đang đói không… Cùng đọc bài viết để biết thêm về tiếng khóc của trẻ sơ sinh nhé:
- Tiếng khóc là ngôn ngữ đầu đời của trẻ
- Làm gì khi trẻ sơ sinh khóc?
Tiếng khóc là ngôn ngữ của trẻ sơ sinh
Bé khóc là cách thể hiện giao tiếp duy nhất con có thể làm được, nhằm thông báo tới người chăm sóc bé rằng con đang có nhu cầu cần gì. Có phải con đang đói? Hay bé khó chịu, đau đớn ở đâu? Đôi khi có thể con khóc đơn giản chỉ vì con đang cần cha mẹ ôm ấp, vỗ về mà thôi.
Bạn có thể chưa biết:
Cách xử lý dành cho cha mẹ khi trẻ khóc không ngừng
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh và cách trị trẻ khóc đêm hiệu quả
Chính vì vậy, việc chăm sóc trẻ sơ sinh đòi hỏi cha mẹ cần có sự quan sát kĩ lưỡng và tinh ý giải mã tiếng khóc của bé.
Thông thường người mẹ sẽ có sự nhạy cảm với tiếng khóc của bé sơ sinh hơn người cha bởi mối dây liên hệ tình cảm đặc biệt. Lúc này, việc tìm ra nhu cầu của bé, đáp ứng và xoa dịu cơn khóc của trẻ sẽ là nhiệm vụ lớn lao trước hết đối với mẹ cùng với sự trợ giúp của người bố.
Mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh khóc?
1. Kiểm tra xem tã con có ướt hay không
Một vài bé cảm thấy bình thường với những chiếc tã ướt. Tuy vậy phần lớn trẻ rất khó chịu khi phải ở trong tình trạng tã ướt át, đầy phân.
Vì vậy, kiểm tra xem trẻ sơ sinh quấy khóc nhiều vì tã bẩn hay không là việc các mẹ nên làm đầu tiên. Lúc này, chỉ cần thay tã mới, khô ráo là con sẽ thấy dễ chịu.
Nhiều trẻ cũng sẽ quấy khóc khi quá nóng hoặc quá lạnh. Vì vậy, nếu thay tã mẹ nhớ làm thật nhanh để con sớm cảm thấy ấm áp hơn với quần áo và bỉm sạch sẽ.
Mẹ nên lưu ý không cần mặc quá nhiều quần áo cho bé sơ sinh, dễ khiến con cảm thấy nóng nực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến bé khóc.
Với bé 1 tháng tuổi, mẹ cần mặc cho bé số lớp quần áo nhiều hơn của người lớn 1 lớp vì con chưa có khả năng điều chỉnh thân nhiệt. Từ 1 tháng tuổi trở đi, con hoàn toàn có thể mặc số lớp quần áo bằng với bố mẹ, nghĩa là người lớn mặc thế nào thì nên mặc cho con như thế.
Làm gì khi trẻ sơ sinh khóc – Kiểm tra tã bỉm con
2. Kiểm tra xem con có đói hay không
Bằng cách tính toán số giờ bé đã ăn sữa trước đó như bữa cuối cùng con ăn cách đây mấy tiếng đồng hồ.
Nếu bữa ăn diễn ra trước đó ít nhất là 1 tiếng đồng hồ, mẹ hãy thử cho con ăn. Tất nhiên là bé sẽ chưa nín ngay, nhưng mẹ hãy tiếp tục cho bé ăn từ từ. Trường hợp con đói thực sự thì sau khi ăn no thỏa mãn, con sẽ không còn quấy khóc nữa.
Làm gì khi trẻ sơ sinh khóc – Cho con ăn
3. Nếu đã thay tã bỉm, ăn no mà con vẫn khóc, mẹ hãy thử bế con lên
Cần được ôm ấp, vỗ về là nhu cầu bản năng của mọi em bé sơ sinh. Nghiên cứu khoa học đã cho thấy, việc ôm ấp nâng niu trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời còn giúp kích thích giác quan và trí thông minh của trẻ.
Khi bé hay quấy khóc, mẹ hãy thử bế vác bé hoặc đặt bé nằm úp lên ngực mình. Đầu cao hơn so với mông. Đây là cách bế khiến trẻ luôn cảm thấy dễ chịu và an toàn.
Làm gì khi trẻ sơ sinh khóc – Vỗ về con
4. Con cũng có thể khóc vì quá mệt
Những em bé sơ sinh rất dễ bị kích thích trước ánh sáng mạnh, âm thanh ồn ào hay thậm chí khi có quá nhiều người bế bé.
Lúc này, mẹ hãy bế bé ra một nơi yên tĩnh. Vỗ về và đung đưa bé nhẹ nhàng. Mẹ có thể hát ru hoặc cho bé nghe những bản nhạc dễ chịu con đã từng nghe khi ở trong bụng mẹ cũng sẽ giúp bé trấn tĩnh lại.
Bạn có thể chưa biết:
Trẻ sơ sinh quấy khóc đêm không chịu ngủ, bố mẹ phải làm sao?
Cách dỗ trẻ sơ sinh gắt ngủ – Làm gì để bé mau vào giấc, hết quấy khóc?
5. Nếu con đã ăn no, môi trường xung quanh con hoàn toàn bình thường, yên tĩnh, mẹ hãy kiểm tra thân nhiệt của trẻ
Rất có thể con đang bị sốt hoặc cảm thấy khó chịu trong người. Mẹ nên cặp nhiệt độ và kiểm tra thân nhiệt của con.
6. Mẹ đừng quên xem lại khăn, áo của bé sơ sinh xem liệu con có bị côn trùng đốt hay không?
Làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm. Môi trường sống sạch sẽ cũng chưa thể đảm bảo con sẽ được an toàn 24/24 giờ. Chính vì thế, mẹ nên kiểm tra kĩ càng áo quần, khăn quấn bé phòng trường hợp kiến, côn trùng nào đó đốt con.
Làm gì khi trẻ sơ sinh khóc – Kiểm tra xem con có bị ốm, sốt gì không
7. Đôi khi con khóc không vì lý do gì
Trẻ sơ sinh có những giai đoạn khó chịu trong người vì con đang trong tuần học kĩ năng mới. Lúc này bé thường khóc nhiều và dai dẳng, nhiều trường hợp trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày. Mẹ có thể dỗ bé bằng các cách như sau:
- Quấn bé lại bằng khăn và ôm ấp, vỗ về con vì điều này tạo cho con cảm giác ấm áp, an toàn như khi ở trong bụng mẹ.
- Cho bé nghe những điệu nhạc du dương, nhẹ nhàng hoặc hát ru cho bé nghe.
- Bế bé lên và đi lại nhẹ nhàng vì trẻ sơ sinh thích những chuyển động giống như trong tử cung của mẹ.
- Massage cho bé cũng là cách xoa dịu, vỗ về con hiệu quả. Có thể bế vác bé và dùng tay mẹ xoa nhẹ nhàng lưng con.
8. Nếu mẹ đã thực hiện các cách trên nhưng con vẫn quấy khóc kéo dài, mẹ cần lưu ý con có thể bị vấn đề về sức khỏe
Trong trường hợp đã kiểm tra và loại trừ tất cả các trường hợp bỉm ướt, con đói, con muốn được ôm mà trẻ vẫn hay quấy khóc thì mẹ nên nghĩ đến nguyên nhân bệnh lý hoặc nguyên nhân khác. Nếu cơn khóc của trẻ vẫn tiếp tục không ngừng, đồng thời con có thêm 1 số biểu hiện bất thường như bỏ bú, ngủ kém, sốt, đi ngoài phân xanh… thì mẹ nên cho bé đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Chăm sóc trẻ sơ sinh chưa bao giờ là hành trình dễ dàng. Có lẽ tiếng khóc là âm thanh quen thuộc nhất với ba mẹ trong những năm tháng đầu đời của bé. Hãy bình tĩnh phán đoán lý do bé khóc để giải quyết cơn ăn vạ của con. Đôi khi điều bé cần chỉ là được ba mẹ bế lên và ôm vào lòng mà thôi.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!