Mẹ sợ nghe tiếng con khóc? Bé khóc nhiều không phải vì đói, vì ốm đau, vì bỉm bẩn. Con khóc vì đang ngầm muốn nói với mẹ về một thời điểm khó khăn này.
Các mẹ cảm thấy thế nào khi con khóc không ngừng và làm đủ mọi cách vẫn không thể dỗ nổi con nín khóc?
“Càng khó chịu”, “Vô cùng lo lắng”, “cứ như có người đang mắng mình vô dụng, không dỗ nổi con”, “phải mau tìm cách gì đó để con nín khóc”.
Tại sao các mẹ lại sợ nghe tiếng con khóc?
Thực tế là tiếng khóc của trẻ sơ sinh có thể xem là bản năng nguyên sơ nhất của loài người. Nó như một tín hiệu thông báo điều nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ để người mẹ mau tới can thiệp và bảo vệ đứa bé.
Nếu mẹ chịu khó dừng lại lắng nghe sẽ thấy, trẻ sơ sinh bao giờ cũng khóc với một âm điệu khiến mẹ cảm thấy không thoải mái, bồn chồn, bứt rứt vì đây chính là cách để mẹ có thể chạy nhanh nhất đến với con.
Nếu mẹ đã từng phải chịu đựng và không có cơ hội được khóc lóc nũng nịu với bố mẹ từ thuở ấu thơ, đến khi thấy bé khóc nhiều không ngừng với vẻ mặt hết sức ngây thơ thì những ám ảnh tâm lý ngày nhỏ cũng có thể khiến mẹ ghen tị hoặc giận dữ.
Chính vì thế mà khi thấy con khóc nhiều, khóc không ngừng, nhiều mẹ trở nên cáu kỉnh và lo lắng một cách “kích động”.
Mẹ không dỗ nổi con không phải vì mẹ không có đủ bản năng làm mẹ hay không yêu con nhiều đến mức để giúp con nín khóc.
Nếu bé khóc nhiều không phải vì đói, vì bỉm tã ướt hay đau ốm thì rất có thể con đang sợ hãi và lo lắng với thời điểm phát triển nhảy vọt của mình
Vì sao trong năm đầu đời, bé khóc nhiều và khiến cho mẹ mình cảm thấy tồi tệ mỗi khi con khóc như vậy?
Nhà nghiên cứu trẻ em Hetty Vanderijt, giảng viên trường đại học Groningen (Hà Lan) đã thực hiện các công trình nghiên cứu về phản ứng của trẻ sơ sinh trong suốt hơn 30 năm.
Ông giải thích rằng, trẻ thường khóc nhiều và liên tục, khó nuôi hơn khi con bước vào thời điểm “phát triển nhảy vọt”. Trong 1 năm đầu đời, trẻ sẽ phải trải qua 8 lần chuyển biến mạnh như vậy. Điều này nghĩa là từ 0-1 tuổi, các mẹ sẽ phải đối mặt với 8 mốc lớn bé khóc quấy vô cùng tận và mè nheo không ngừng.
Mẹ sẽ tự hỏi? Ô hay, phát triển nhảy vọt, nghĩa là con ăn nhiều hơn, học được thêm điều mới, vậy cớ sao con phải khóc? Nhưng đó là với người lớn, còn với trẻ sơ sinh, mỗi một thời điểm “phát triển nhảy vọt”.
Đây sẽ là khoảng thời gian trẻ cảm thấy sợ hãi, lo lắng và hoảng hốt nhất. Con không lớn lên theo một nhịp đều đặn như vắt chanh mà sẽ có sự xen kẽ giữa “lớn nhanh như thổi” và “chững lại “.
Vào thời khắc của “phát triển nhảy vọt”, trẻ sơ sinh sẽ cảm thấy như cả thế giới bị đảo lộn. Mẹ hãy tưởng tượng, mới hôm qua khoảng cách nhìn của trẻ mới chỉ là 20cm thì sáng nay ngủ dậy đột nhiên con có thể nhìn xa tới 1 mét, không những vậy chỉ từ nhìn được 2 màu trắng đen giờ con sẽ nhìn được đủ các màu sắc. Đó đúng là một sự thay đổi tột độ với một đứa trẻ.
Bởi vậy, với mẹ “phát triển nhảy vọt” nghe có vẻ mang tính tích cực nhưng với trẻ sơ sinh, đó là một trải nghiệm cô đơn và đáng sợ như thể đột nhiên con bị bỏ rơi giữa lòng đại dương mênh mông vậy.
Một khi mẹ hiểu được tâm lý này của trẻ, nhận thức được rằng “phát triển nhảy vọt” không phải là điều thực sự đáng vui mừng với con mà là nỗi lo lắng sợ hãi khôn cùng thì mẹ cũng sẽ tự khắc nhận thức được rằng, ở những thời điểm đó, có dỗ dành bao nhiêu thì con cũng thật khó mà nín khóc được.
Mát xa, xoa dịu, ẵm bé, đung đưa nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện tình trạng bé khóc nhiều
Mẹ phải làm thế nào đây để giúp con vượt qua những sợ hãi của thời điểm phát triển nhảy vọt như vậy?
Các mẹ hãy thử lấy bản thân ra trải nghiệm. Khi mẹ có điều gì lo lắng, muốn khóc cho nhẹ nhõm thì lúc đó mẹ muốn chồng mình sẽ làm gì? Có phải đơn giản chỉ là cần anh ấy ngồi cạnh, nhẹ nhàng vỗ về, ôm thật chặt vào lòng và thủ thỉ “Có anh ở đây rồi. Em cứ khóc đi”.
Trẻ sơ sinh cũng vậy thôi mẹ ạ.
Chưa chắc con đã muốn mẹ phải làm hết cái này đến cái nọ để con nhanh nín khóc. Mà đôi khi bé chỉ cần mẹ ở bên, nhẹ nhàng vỗ về và nói với con rằng “Không sao đâu con nhé!”.
Hay đôi khi những cách xoa dịu nhẹ nhàng như mát xa bụng cho bé, địu bé lên và đưa con ra ngoài, bế vác bé, cho con nghe những bản nhạc du dương, tắm bé trong nước ấm, bật cho con nghe những âm thanh mô phỏng bọc nước ối cũng có thể giúp con được trấn an tốt hơn và cải thiện được tình trạng bé khóc nhiều.
Mẹ ơi, xin đừng sợ nghe tiếng con khóc. Mẹ hãy hiểu cho bé sơ sinh, hãy đồng cảm những khi bé đang phải trải qua cảm giác lo lắng, sợ hãy như vậy. Nếu con không khóc vì đói, khóc vì bỉm tã bẩn, khóc vì con ốm, khóc vì muốn mẹ chơi cùng thì rất có thể bé khóc nhiều vì chính lý do sâu xa này.
Thay vì cuống lên và tự dằn vặt mình vì không thể dỗ con nín khóc, mẹ hãy xem khóc cũng giống như con cười vậy, đơn giản đó chỉ là một cảm xúc con đang cần được thể hiện ra ngoài mà thôi.
Một khi mẹ không còn sợ nghe tiếng con khóc và nhìn nhận nó như một điều tự nhiên, bản năng, cảm giác giận dữ, khó chịu, sợ hãi mỗi khi con quấy khóc nhiều sẽ dần dần biến mất.
Theo The Asianparent Singapore
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!