Khi con bước qua tuổi chập chững cũng là lúc ba mẹ cần tập trung dạy các kỹ năng sống cho trẻ để bé có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh. Bé được rèn luyện càng sớm bao nhiêu thì ba mẹ sẽ càng yên lòng trên bước đường của con sau này bấy nhiêu.
Hướng dẫn những kỹ năng sống cho trẻ từ 2-18 tuổi
5 kỹ năng cần thiết với bé 2-3 tuổi
Trong độ tuổi này, các bé cần được học cách tập mình tự làm những công việc cá nhân đơn giản như:
– Giúp ba mẹ cất dọn đồ chơi vào đúng chỗ
– Tự mặc quần áo hoặc có sự trợ giúp của ba mẹ
– Bé biết tự cởi quần áo cho vào giỏ
– Dọn bát đĩa ăn của mình sau mỗi bữa ăn
– Tự biết vệ sinh cá nhân (dưới sự hướng dẫn của ba mẹ)
Các kỹ năng sống cho trẻ 4-5 tuổi
Bước sang giai đoạn này, ngoài việc tiếp tục rèn luyện để thành thạo các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, trẻ cần được ba mẹ dạy về cách tự bảo vệ bản thân trước các tình huống nguy hiểm như:
– Biết tên mình, tên ba mẹ, địa chỉ nhà, số điện thoại của ba mẹ trong trường hợp khẩn cấp.
– Con biết cách gọi điện thoại hoặc nhờ trợ giúp, kêu cứu trong tình huống nguy hiểm.
– Giúp đỡ ba mẹ làm các công việc nhà đơn giản như lau bàn, phủi bụi đồ đạc, phơi quần áo, …
– Cho vật nuôi ăn.
– Tập mua bán đơn giản cùng ba mẹ.
– Bé có thể tự chải đầu.
– Tập cho bé tự mình lựa chọn trang phục sẽ mặc trong ngày.
Bé 6-7 tuổi cần thành thạo những kỹ năng này
Con đã thành thạo với các thói quen tự mình hoàn thành các công việc sinh hoạt cá nhân nhiều hơn và có thể giúp ba mẹ nấu các món ăn đơn giản.
– Cho bé cùng đi chợ và để con lựa chọn nguyên vật liệu cho món ăn bé yêu thích.
– Dạy bé tập cắt thái thức ăn vừa tay.
– Hướng dẫn bé dọn cơm, chuẩn bị bàn ăn.
– Nấu những món ăn đơn giản dưới sự hướng dẫn của ba mẹ như luộc rau, cắm cơm, rán trứng, ….
– Giúp ba mẹ rửa bát và rửa rau củ quả.
– Sắp xếp lại giường, chăn màn sau khi thức giấc.
Bé hoàn toàn có thể tự mình tắm rửa sạch sẽ.
Trẻ 8-9 tuổi cần rèn luyện những kỹ năng gì?
Trẻ có cái tôi rõ rệt. Con tự hào và tự tin vào những việc mình làm. Đồng thời trẻ cũng có ý thức về quyền sở hữu rất lớn. Cha mẹ nên dạy trẻ biết giữ gìn đồ đạc của mình cẩn thận với các cách như sau:
– Tập cho bé tự gấp quần áo của mình
– Dạy bé cách may vá quần áo đơn giản như khâu cúc, …
– Đưa bé đi chơi, tập thể dục ngoài trời thường xuyên như đạp xe đạp, chơi bóng, …
– Lưu ý con về việc giữ gìn vệ sinh chân tay sạch sẽ nhằm phòng tránh bệnh tật như rửa tay, đi vệ sinh, đánh răng, tắm rửa, …
– Dạy bé biết quét nhà, lau nhà đúng cách.
– Tập cho con tự mình nấu những món ăn đơn giản.
– Để bé tham gia vào công việc mua sắm của gia đình.
– Hướng dẫn bé kiểm tra xem có đồ gì trong nhà sắp hỏng, đồ ăn sắp hết, … và cùng nhau lên danh sách những thứ cần mua.
– Con có thể tự mình đi vứt rác ở ngoài nhà.
Các kỹ năng sống ba mẹ nên tập cho bé 10-13 tuổi
Ở lứa tuổi này, trẻ thường có nhu cầu tự do, không gian riêng của mình nhiều hơn. Con bắt đầu muốn thể hiện khả năng, cái tôi của mình. Trẻ thích tự mình chịu trách nhiệm với việc con làm. Chính vì vậy, ba mẹ nên khuyến khích và rèn cho con các kỹ năng như:
– Tập cho bé tự mình đi mua đồ (có sự quan sát của ba mẹ)
– Tự mình biết cách thay ga giường, gối.
– Biết cách sử dụng máy giặt.
– Có thể ở nhà một mình và biết cách đối phó khi có người lạ đến hỏi han.
– Biết nấu ăn.
– Sử dụng được lò vi sóng.
– Dạy cho bé cách đọc nhãn thức ăn để con biết giá trị dinh dưỡng cũng như thành phần thực phẩm có lợi cho mình.
– Con có thể giúp ba mẹ chăm sóc em nhỏ.
– Tập cho con cách là quần áo và làm các công việc lau dọn nhà đơn giản như quét nhà, hút bụi, …
Với trẻ 14-18 tuổi, ba mẹ nên chú trọng tập cho con các kỹ năng này
Đến thời điểm này, nếu con đã được rèn luyện từ nhỏ, trẻ hoàn toàn có thể tự biết cách chăm sóc bản thân, làm việc nhà và có sở thích cá nhân rõ rệt. Đồng thời, ba mẹ nên tiếp tục tập cho bé các kỹ năng sống như:
– Tập cho con tự mình cọ rửa nhà vệ sinh.
– Sửa chữa, lắp ráp những đồ đạc đơn giản trong nhà.
– Giúp ba mẹ rửa xe.
– Dạy bé cách đọc hướng dẫn sử dụng thuốc men những lúc ốm đau.
– Biết đi khám răng định kỳ.
– Hiểu cách tiêu tiền và biết cách tiết kiệm tiền.
– Thử giao cho con đi thanh toán các chi phí sinh hoạt trong nhà như tiền điện, tiền nước, …
Ba mẹ đã bao giờ tự hỏi mục tiêu lớn nhất khi nuôi dạy con cái của mình là gì? Dù nuôi dạy con thành công đến mức độ nào đi chăng nữa thì vẫn sẽ có ngày ba mẹ cần buông tay để con được tự bước trên đôi chân của chính mình. Vất vả rèn con từ nhỏ, mưa dầm thấm lâu, con sẽ trưởng thành thành một cái cây xanh luôn vững vàng trước mọi sóng gió cuộc đời.
Theo The Asianparent Thái Lan
Xem thêm:
Các kỹ năng sống theo độ tuổi bé nên có!
Học kỹ năng sống – các bài học cần thiết cho bé!
Kỹ năng xã hội của trẻ quan trọng hơn điểm A ở trường
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!