Hiện trạng nuôi dạy con cái hiện nay có nhiều vấn đề nhức nhối. Chúng ta ai cũng hiểu con cái là tài sản quý giá nhất của mỗi bậc làm cha mẹ và người làm cha mẹ nào cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Nhưng cuộc sống hiện đại với guồng quay không ngừng nghỉ cùng gánh nặng cơm áo gạo tiền đang làm cho nhiều phụ huynh có ngày càng ít thời gian cho con cái, dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn.
Những con số đáng lo ngại
Trẻ em hiện nay đang gặp phải tình trạng bị tàn phá và trì trệ về mặt cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy trong vòng 15 năm vừa qua, tỉ lệ trẻ em mắc các chứng bệnh về tâm thần ngày càng tăng mạnh và đang đạt ngưỡng đáng báo động. Dưới đây là một số thông tin theo nghiên cứu:
- Cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ có vấn đề về tâm lý
- Số trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đã tăng 43%
- Tỉ lệ trầm cảm ở trẻ vị thành niên tăng 37%
- Tỉ lệ trẻ em tự tử trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã tăng báo động 200%.
Hiện trạng nuôi dạy con cái hiện nay
Ngày nay trẻ em có xu hướng bị quan tâm và khuyến khích quá mức thông qua những món đồ vật chất hữu hình mà thiếu đi nền tảng cơ bản của một tuổi thơ lành mạnh, trong đó có thể kể đến:
- Cha mẹ sẵn sàng khi con cần về mặt cảm xúc
- Các giới hạn được thiết lập rõ ràng
- Tinh thần trách nhiệm
- Chế độ dinh dưỡng cân bằng và thời gian ngủ đủ
- Vận động nói chung, đặc biệt là vận động ngoài trời
- Các hoạt động vui chơi sáng tạo, có tương tác xã hội, cơ hội chơi trò chơi không theo sắp đặt sẵn và không gian riêng.
Thay vào đó những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, đời sống vật chất đi lên và guồng quay bận rộn của cuộc sống, trẻ em lại chỉ được làm quen với:
- Cha mẹ bị thiết bị công nghệ chi phối
- Cha mẹ nuông chiều và dễ dãi, để con cái “thích làm gì thì làm” và không có quy tắc
- Ý thức về quyền lợi, ý nghĩ mình xứng đáng có mọi thứ mà không cần phải tốn công sức hay chịu trách nhiệm.
- Ngủ không đủ thời gian và chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng
- Lối sống ít vận động
- Luôn được kích thích, quá nhiều thiết bị công nghệ hỗ trợ chăm sóc, được thỏa mãn tức thời và không có những phút giây cảm thấy buồn chán.
Cha mẹ ngày nay có thể làm gì để cải thiện tình trạng trên?
Nếu muốn con cái có cuộc sống vui vẻ và lành mạnh, bạn phải bắt đầu ngay từ những điều cơ bản nhất. Không gì là quá muộn cả, nhiều gia đình đã có chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp lên sau một vài tuần tuân theo những hướng dẫn sau:
Cung cấp cho con lối sống lành mạnh để thay đổi hiện trạng nuôi dạy con cái thời hiện đại
- Đặt ra các giới hạn và luôn ghi nhớ cha mẹ là người kiểm soát. Con cái sẽ thấy tự tin hơn khi cha mẹ đóng vai trò dẫn dắt.
- Xây dựng cho con lối sống cân bằng bao gồm những điều con CẦN chứ không phải chỉ những điều con MUỐN. Đừng ngại nói “không” với con nếu điều con muốn không phải là thứ cần thiết cho con.
- Cung cấp bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, hạn chế đồ ăn nhanh nghèo dinh dưỡng.
- Dành ra mỗi ngày ít nhất 1 tiếng để con vận động ngoài trời, các hoạt động con có thể tham gia gồm đạp xe, đi bộ, câu cá, ngắm chim/côn trùng, v.v.
- Duy trì bữa tối không thiết bị công nghệ mỗi ngày.
- Tập cho con làm một số việc nhà tùy theo độ tuổi (gấp quần áo, cất đồ chơi, treo quần áo, mở hộp đồ ăn, bày bàn ăn, cho chó/mèo ăn, v.v)
- Tập cho con có giờ ngủ đều đặn, đảm bảo con ngủ đủ giấc. Khi đến tuổi đi học việc duy trì giờ giấc khoa học càng có vai trò quan trọng
- Đừng làm mọi việc hộ con khi con có thể. Dừng ngay việc cầm ba lô hộ con, mang cho con bài tập quên ở nhà, bóc vỏ chuối cho con nếu con đã tự mình thực hiện được. Hãy dạy con câu cá thay vì đưa cá cho con.
Không ngừng bồi dưỡng đời sống tinh thần cho con
- Dạy con sống có trách nhiệm và tinh thần độc lập. Đừng quá bảo bọc con khỏi việc bị thất vọng hay mắc sai lầm. Việc hiểu nhầm sẽ giúp con trẻ có sức chịu đựng và học cách vượt qua khó khăn trong cuộc sống sau này.
- Dạy con biết cách chờ đợi và chớ vội thỏa mãn.
- Hãy để con có cơ hội trải nghiệm cảm giác buồn chán, đây chính là lúc đánh thức trí sáng tạo của trẻ em. Đừng cảm thấy bạn phải có trách nhiệm luôn khiến con vui vẻ.
- Cùng chơi các trò chơi tương tác trực tiếp với sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình; hoặc để con tổ chức trò chơi theo ý mình và tự đưa ra luật chơi.
- Luôn sẵn sàng về mặt cảm xúc để kết nối với con; dạy con kỹ năng tự điều chỉnh và các kỹ năng xã hội.
- Dạy con chào hỏi, chờ đến lượt, biết chia sẻ hợp lý; biết nói cảm ơn, biết nhận lỗi sai và xin lỗi (dạy chứ đừng ép buộc); hãy trở thành hình mẫu cho tất cả những điều bạn đã dạy con.
- Hãy kết nối với con về mặt cảm xúc: Hãy cười, hôn, ôm, đọc truyện, nhảy, bò trên sàn hay chơi cùng với con nhé.
- Trở thành người điều chỉnh hoặc huấn luyện cảm xúc cho con. Dạy con nhận biết và tự kiểm soát cơn giận hay sự thất vọng.
Tránh để con quen thuộc và lệ thuộc vào công nghệ
- Đừng dùng mấy món đồ công nghệ để làm con bớt buồn chán hay đưa cho con ngay khi con đang không làm gì hoặc chơi gì
- Tránh sử dụng các sản phẩm công nghệ trong khi ăn, trên xe hơi, tại nơi công cộng. Đây là những thời điểm cho con học cách giao tiếp bằng cách kích thích não bộ hoạt động khi ở trạng thái “buồn chán”
- Giúp con lập ra một danh sách ý tưởng các hoạt động có thể làm khi con buồn chán.
- Tắt điện thoại lúc con ngủ để tránh ảnh hưởng đến con.
Hãy nhớ rằng tuổi thơ của con rất ngắn ngủi và con cái luôn cần có cha mẹ bên cạnh. Những gợi ý trên có thể phần nào hỗ trợ bậc làm cha mẹ sửa sai ngay từ bây giờ. Hãy bắt đầu khi chưa quá muộn để con cái lớn lên trong tình yêu thương và sự dạy dỗ quan tâm ân cần và đúng đắn nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!