Thực đơn ăn dặm cho bé 7 8 tháng mẹ có thể cho bé thử thịt ức gà, trứng và cá với lượng vừa phải và quan sát trẻ thật kỹ sau khi ăn để phát hiện kịp thời các dấu hiệu dị ứng nếu có ở trẻ.
- Dinh dưỡng cho bé 7-8 tháng tuổi – Tập ăn đa dạng giúp con hứng thú với việc ăn dặm
- Những lưu ý về chế biến thức ăn đối với dinh dưỡng cho bé 7-8 tháng
- Mẹ cần tập cho bé nhai kĩ và nuốt từ từ
- Lịch ăn của một em bé 7-8 tháng tuổi dành cho mẹ tham khảo
- Lượng thức ăn trong một bữa ăn dành cho bé 7-8 tháng tuổi để mẹ tham khảo
- Món số thực đơn dành cho chế độ dinh dưỡng cho bé 7 tháng, 8 tháng
Bước sang tháng 7-8, kĩ năng ăn dặm của trẻ đã có thêm một bước tiến bộ. Cũng từ đây bé sẽ chuyển từ 1 bữa sang 2 bữa ăn dặm/ngày. Bé dành nhiều thời gian hơn cho việc ăn dặm. Thức ăn trong giai đoạn này nên có độ mềm vừa đủ để trẻ biết cách tập dùng lưỡi nghiền thức ăn.
Dinh dưỡng cho bé 7-8 tháng tuổi – Tập ăn đa dạng giúp con hứng thú với việc ăn dặm
Thực đơn ăn dặm cho bé 7 8 tháng
Đây là khoảng thời gian bé đã bắt đầu quen với việc ăn dặm. Theo chế độ dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi, con chính thức ăn 2 bữa/ngày. Mẹ nên tập cho bé ăn vào một giờ cố định hàng ngày là tốt nhất vì sẽ giúp cơ thể bé hình thành đồng hồ sinh học “Con đói con sẽ ăn hết sức mình”.
Vào tháng này, nhóm thực phẩm protein con ăn được cũng phong phú hơn. Giờ đây mẹ có thể cho bé thử ăn thịt ức gà, trứng và cá.
Chính vì vậy, mẹ nên tập cho trẻ ăn đa dạng, phong phú bằng cách ước lượng thành phần dinh dưỡng giữa các nhóm chất sao cho phù hợp.
Mẹ nên bắt đầu cho bé ăn lòng đỏ trứng đã được nấu chín (vì đây là thực phẩm trẻ dễ dị ứng nên cần thử ăn trước). Khi bé đã quen với lòng đỏ trứng thì thêm vào bữa ăn của bé cả lòng đỏ và một ít lòng trắng.
Đối với thực đơn ăn dặm cho bé 7 8 tháng, sau bữa ăn mẹ cần quan sát xem con có các dấu hiệu như nổi mẩn đỏ hay không, phân của con có màu hay đặc điểm gì bất thường không, nếu không thì mẹ tăng dần lượng ăn cho bé.
Với tinh bột như cơm hoặc bánh mì, thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất như rau củ quả thì có thể cho bé ăn theo nhu cầu (nghĩa là nếu bé muốn ăn nhiều hơn mức bình thường cũng không sao).
Mỗi khi chế biến thức ăn cho bé, mẹ cần lưu ý sao cho 3 nhóm dinh dưỡng này (đạm, tinh bột và vitamin) có sự cân bằng.
Cần cân bằng đạm, tinh bột và vitamin
Mẹ có thể quan tâm:
Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi để con phát triển toàn diện
Những lưu ý về chế biến thức ăn đối với dinh dưỡng cho bé 7-8 tháng
Đặc điểm thể chất của trẻ ở những tháng này giúp cho bé có thêm một tiến bộ mới về kĩ năng nhai nuốt. Chiếc lưỡi của con giờ đây đã có thể di chuyển trước sau và lên trên, xuống dưới. Khi ăn phải thức ăn chưa nuốt được ngay lập tức, bé sẽ dùng lưỡi nghiền chúng ra rồi mới tiếp tục nuốt. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng gợi ý, độ mềm của thức ăn khi chế biến nên tương đương với độ mềm của đậu hũ để con có thể dùng lưỡi và vòm họng nghiền được dễ dàng.
Ngoài ra, mẹ có thể thêm một chút gia vị khi chế biến thức ăn nhưng không nên quá 0,1g muối/bữa ăn. Tận dụng hương vị tự nhiên của thực phẩm sẽ có lợi cho sức khỏe của bé hơn và cần nêm nếm ít nhất ở mức có thể.
Mẹ cần tập cho bé nhai kĩ và nuốt từ từ
Theo Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu – Khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc “Vào giai đoạn từ 7-8 tháng, trẻ đã và đang trong quá trình mọc răng nên mẹ cần tập cho trẻ khả năng nhai thức ăn và tự lập khi ăn. Bằng cách cho trẻ tự cầm ăn các loại rau và trái cây được chế biến mềm vừa nhiều chất xơ, vitamin vừa giúp trẻ có thói quen nhai và cầm nắm. Tất nhiên, vấn đề liều lượng, đảm bảo vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng vẫn được chú trọng trong giai đoạn này”.
Tâm lý của người lớn là thích con ăn được lượng càng nhiều càng tốt. Điều này dễ khiến mẹ muốn bón nhanh và bón nhiều cho bé. Khi khoảng thời gian giữa các lần đút quá nhanh sẽ vô tình tập cho trẻ quen thói nuốt chửng mà không chịu nhai.Cách tốt nhất là mẹ nên vừa đút cho bé ăn và quan sát xem con đã nuốt hết chưa rồi mới xúc thìa tiếp theo.
Một điều nữa mẹ cần lưu ý là trong trường hợp thức ăn quá cứng, bé không thể dùng lưỡi nghiền thức ăn thì con sẽ có hiện tượng nhè ra hoặc nuốt chửng cả miếng. Điều này cũng không tốt đối với thói quen ăn uống của bé.
Mẹ cần kiểm tra xem con có nhai không đồng thời trò chuyện với bé, khuyến khích bé như “Ngon phải không con?”, “Con muốn ăn nữa không”. Cách này sẽ giúp bé có đủ thời gian cảm nhận vị thức ăn và cảm thấy vui vẻ trong việc ăn uống hơn.
Mẹ nên tập cho bé thói quen nhai từ từ rồi hãy nuốt
Lịch ăn của một em bé 7-8 tháng tuổi dành cho mẹ tham khảo
6 giờ sáng: Ăn sữa
10 giờ sáng: Ăn dặm + ăn sữa
13: Ngủ trưa
14 giờ: Ăn dặm + ăn sữa
16: Ăn sữa
22 giờ: Ăn sữa
Bữa ăn dặm đầu tiên và bữa thứ 2 nên cách nhau ít nhất 4 tiếng đồng hồ. Loại thực phẩm mẹ muốn tập cho bé nếm thử lần đầu tiên thì nên cho bé ăn vào bữa thứ nhất trong ngày.
Mẹ có thể quan tâm:
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé – Chi tiết thực đơn cho bé 6-12 tháng
Lượng thức ăn trong một bữa ăn dành cho bé 7-8 tháng tuổi để mẹ tham khảo
Theo chế độ dinh dưỡng cho bé 7 tháng và chế độ dinh dưỡng cho bé 8 tháng, mẹ hãy lưu lại lượng thức ăn theo từng nhóm thực phẩm sau đây:
Nhóm tinh bột: Gạo – Cháo (gạo 1 phần: nước 5 phần) 50-80g
Nhóm vitamin và khoáng chất: Rau, củ, quả 20-30g
Nhóm protein: *Cá hoặc thịt 10-15g
*Đậu phụ 30-40g
*Trứng Lòng đỏ trứng-1/3 quả trứng
*Sản phẩm từ sữa bò 50-70g
Lưu ý: Protein mẹ có thể lựa chọn 1 trong số 4 loại thực phẩm trên để chếbiến cho một bữa ăn.
Món số thực đơn dành cho chế độ dinh dưỡng cho bé 7 tháng, 8 tháng
1. Cháo thịt lợn rau cải ngọt
Nguyên liệu:
- Cháo/bột gạo: 4 muỗng canh
- Cải ngọt (băm nhuyễn): 1 muỗng canh
- Thịt lợn (nạc, băm nhuyễn): 1 muỗng canh
- 1 chút dầu ăn: 1 muỗng canh
- 1 chút xì dầu hoặc nước mắm
- Nước: 1 chén (nếu dùng bột gạo)
Cách chế biến:
Cho thịt lợn vào nước, hòa tan, bắc lên bếp đun sôi. Cho cải ngọt vào nấu chín mềm, bắc xuống để bớt nóng. Trộn vào cháo hoặc bột, thêm dầu ăn và nước mắm rồi cho bé thưởng thức.
Cháo thịt lợn rau cải ngọt
2. Súp bánh mì sữa cà rốt và chuối
Nguyên liệu:
- Cà rốt: 20g
- Chuối tiêu: 10g
- Bánh mì lát (bỏ viền): 10g
- Sữa tươi hoặc sữa mẹ, sữa công thức: 40ml
Cách chế biến:
Cà rốt gọt vỏ hấp lên cho mềm nhừ rồi nghiền nhuyễn. Xé bánh mì thành miếng nhỏ rồi bỏ vào nồi cùng chuối và sữa. Đun nhỏ lửa rồi dùng thìa tán nhuyễn bánh mì và chuối thành một hỗn hợp súp đặc. Múc ra bát và rắc cà rốt nghiền nhuyễn lên trên. Súp sẽ có vị thơm ngọt của chuối.
3. Mì bí đỏ thịt gà
Nguyên liệu:
– Bí đỏ: 20g
– Ức gà: 10g
– Nước dùng: 1/3 bát
– Mì sợi mềm
Cách chế biến:
– Dùng mì loại mềm, luộc chín rồi để ráo nước.
– Đun sôi nước dùng rồi cho thịt gà vào đun chín. Vớt thịt gà ra băm nhuyễn.
– Cho bí ngô vào đun tiếp đến khi chín mềm rồi dùng thìa tán nhuyễn. Cho ức gà vào đun lại cùng bí ngô.
– Mì cắt ngắn xếp ra bát. Chan nước dùng với bí ngô và thịt gà lên trên rồi xúc cho bé ăn.
Nguồn tham khảo: Trẻ ăn bổ sung theo từng độ tuổi: Từ 7-8 tháng – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!