Dạy trẻ biết nói sớm thế nào để bé phát triển tư duy ngôn ngữ một cách toàn diện nhất? Trẻ biết nói vào tháng tuổi nào thì được xem là sớm? Đó có phải là dấu hiệu của những đứa trẻ thông minh không? Làm sao để phát triển khả năng ngôn ngữ ở trẻ? Mẹ hãy cùng tìm hiểu nhé!
Những cột mốc phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Thông thường, quá trình phát triển ngôn ngữ trong những năm đầu đời của trẻ đều trải qua 3 giai đoạn gồm giai đoạn tiền ngôn ngữ, giai đoạn bập bẹ nói và giai đoạn hoàn thiện cơ bản. Khả năng giao tiếp sẽ phát triển một cách tuần tự và các kỹ năng nâng cao sẽ được xây dựng trên một nền tảng cơ bản. Tuy mỗi đứa trẻ có một cột mốc phát triển khác nhau nhưng quá trình phát triển ngôn ngữ của các em bé sẽ trải qua các giai đoạn sau:
Con phát ra những âm thanh rất đơn giản, thoạt nghe thì vô nghĩa nhưng là hình thức giao tiếp bằng lời nói của trẻ. Dân gian hay gọi là hóng chuyện. Thời điểm bé thoải mái, vui vẻ trong ngày mẹ có thể nói chuyện cùng con để thực hiện các hoạt đông giao tiếp.
Ở những tháng tuổi này, hầu hết các bé nói được những từ có 2 âm khác nhau, không dấu như “mama, dada”. Bé vui thích điều gì thường bộc lộ bằng đủ loại âm thanh ríu rít, bi bô. Lời nói của trẻ lúc này thể hiện cảm xúc, phản ứng của con đối với môi trường xung quanh. Đặc biệt, bé rất thích được trò chuyện với người thân trong gia đình.
Trước 12 tháng tuổi được gọi là giai đoạn tiền ngôn ngữ nên không nhất thiết trẻ cần phải nói được mới là giao tiếp. Những hoạt động như bắt chước, hiểu được những câu đơn giản và thực hiện theo yêu cầu của người lớn cũng là một khả năng phát triển ngôn ngữ. Thời điểm này con cũng đã bập bẹ nói những từ 2 âm tiết (baba, măm măm, đi đi) rồi đấy mẹ ạ.
Sau mốc thời gian tròn 1 tuổi, khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển khá nhanh. Trong những tình huống quen thuộc, con đã có thể sử dụng một hoặc hai từ phổ biến có ý nghĩa cụ thể như bà, bố, mẹ… Dạy con những từ đơn giản ở giai đoạn này con đã có thể bập bẹ nói theo.
Vốn từ của con chưa nhiều nhưng bé lại tiếp thu rất nhanh và phản ứng ngược lại bằng cử chỉ hoặc các câu hỏi đơn giản như “ở đâu”, “cái gì”. Bé nhận biết được hết tất cả người thân trong gia đình bằng cách chỉ tên và gọi chính xác, nhớ được tên các con vật xung quanh và đồ chơi của mình.
Kho từ vựng của con lúc này có khoảng 25 – 50 từ. Con biết hết các bộ phận trên cơ thể mình, có thể kết hợp 2 từ đơn với nhau để tạo thành một câu đơn giản. Khi được 2 tuổi con đã có thể sử dụng được những câu đơn giản từ 2 – 4 từ, biết chào hỏi, dạ thưa và thể hiện quan điểm cá nhân với những cái mình thích và không thích bằng những câu ngắn.
Thật ngạc nhiên khi bước sang giai đoạn 2,3 tuổi một em bé đã có thể xâu chuỗi dần các từ thành câu và gia tăng tốc độ nói. Từ việc sử dụng 3 từ trong một câu con đã có thể kể được những câu chuyện ngắn với vốn từ ngữ khoảng 200 từ. Thời điểm này, ngoài ngôn ngữ nói con cũng phát triển song song khá nhiều kỹ năng quan trọng khác.
Từ 3 tuổi trở đi khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ đã tương đối hoàn chỉnh. Một em bé từ 3 đến 5 tuổi đã có thể sử dụng ngôn ngữ một cách khá tốt và lưu loát, phù hợp với từng hoàn cảnh, kiểm soát được giọng điệu cũng như kết hợp với ngôn ngữ cơ thể để thể hiện.
Những lợi ích khi trẻ biết nói sớm
Dựa vào các cột mốc phát triển ngôn ngữ theo tháng tuổi, cha mẹ có thể đánh giá tương đối chính xác rằng trẻ biết nói sớm hay không. Có không ít các em bé vượt mốc phát triển so tháng tuổi và nếu được hỗ trợ luyện tập ngôn ngữ, con có thể nói chuyện một cách rất tự nhiên, nói nhiều hơn và sớm hơn với bạn bè cũng trang lứa.
Khá nhiều bậc cha mẹ tin rằng trẻ biết nói sớm là một trong những dấu hiệu của một em bé thông minh. Tuy nhiên, chỉ dựa vào yếu tố ngôn ngữ cũng chưa thể kết luận chính xác được vấn đề này. Không phải bất cứ trẻ nào biết nói sớm cũng đều đạt những chỉ số thông minh cao nhưng theo nghiên cứu của các chuyên gia, những em bé biết nói sớm và nói nhiều là những bé có khả năng đạt được chỉ số IQ cao hơn khi lên 3 tuổi so với những bé cùng tuổi nhưng ít nói hơn.
Trẻ biết nói sớm cũng giúp con có thêm một lợi thế trong việc thể hiện được suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Phần lớn những trẻ biết nói sớm đều có khả năng giao tiếp tốt. Ngôn ngữ nói thuần thục cũng giúp trẻ phát triển khả năng tư duy và hoàn thiện những kỹ năng quan trọng khác. Nếu được nuôi dạy trong một môi trường tốt, đa phần những trẻ biết nói sớm khi lớn lên đều là những đứa trẻ có xu thế hướng ngoại, năng động, nhanh nhẹn, tự tin và giỏi thuyết trình, biểu đạt tốt ngôn ngữ bằng lời nói và hình thể.
Cùng mẹ giúp trẻ luyện tập khả năng ngôn ngữ
Bố mẹ có biết, 3 năm đầu đời là giai đoạn vàng để tăng cường khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ. Việc nắm được các cột mốc giao tiếp là một điều vô cùng hữu ích, giúp các bậc cha mẹ có những định hướng và phương pháp giáo dục ngôn ngữ phù hợp cho trẻ ngay từ nhỏ. Ngay từ giai đoạn tiền ngôn ngữ, cha mẹ có thể giúp con phát triển và trau dồi kỹ năng này để trẻ biết nói sớm.
-
Thường xuyên trò chuyện, giao tiếp cùng con
Đừng đợi đến 3 tháng tuổi khi con đã biết hóng chuyện, hãy bắt đầu trò chuyện cùng bé mỗi ngày ngay từ khi con mới chào đời. Thực tế là ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã có thể nghe được âm thanh và quen thuộc với giọng nói của mẹ.
Cách tốt nhất để khuyến khích và dạy trẻ biết nói sớm chính là thường xuyên tương tác cùng con. Cha mẹ hãy tạo ra các cuộc hội thoại trực tiếp hoặc gián tiếp ngay cả trong khi tắm cho bé, thay tã, khi đang pha sữa, lúc con mới thức giấc hay cả khi con đang khóc sẽ thúc đẩy nhiều hơn kỹ năng ngôn ngữ của bé.
Ở độ tuổi này, dù rất muốn được nghe con phát âm những từ đầu tiên nhưng không vì thể mà cha mẹ sốt ruột tìm mọi cách để trẻ biết nói sớm. Trẻ sẽ được xây dựng vốn từ vựng và học nói nhanh hơn trong không gian có nhiều kích thích giác quan. Cùng chơi các trò chơi, kể chuyện cho bé nghe, giới thiệu các bộ phận trên cơ thể bé, dạy trẻ về các con vật, đồ dùng quen thuộc sẽ giúp con ghi nhớ hình ảnh và có phản xạ bằng hành động và lời nói khi bố mẹ trò chuyện.
-
Thay vì TV, hãy sử dụng tranh ảnh, đọc sách
Một phương pháp hay để dạy trẻ biết nói sớm đó là hãy sử dụng tranh ảnh, đọc sách cùng bé, hát cho bé nghe và kể những câu chuyện phù hợp với sự phát triển của từng tháng tuổi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ từ 8 – 16 tháng tuổi sẽ biết ít hơn từ 6-8 từ vựng mỗi giờ trong một ngày nếu chúng xem TV bởi mọi hình ảnh, âm thanh phát ra từ truyền hình chỉ là thông tin một chiều mà không có sự tương tác, kết nối giữa 2 bên.
Đọc truyện, cho trẻ xem tranh ảnh, dạy bé hát chính là cách để kích thích não bộ, giúp con phát triển tư duy, trí tưởng tượng, tích lũy vốn từ vựng và biết nói sớm hơn.
-
Dạy con bằng cách nói hướng dẫn trẻ
Ở giai đoạn tập nói, hầu hết các bé thường nói ngọng, nói sai, nói lẫn lộn. Thay vì trò chuyện với bé theo ngôn ngữ baby talk như cố tình nói ngọng, bóp méo âm, nói thiếu từ, cha mẹ hãy dạy con bằng cách nói hướng dẫn trẻ (baby directed speech) theo ngôn ngữ người lớn.
Phương pháp này sẽ giúp bé học được ngôn ngữ chuẩn, phát âm đúng, nói tròn vành rõ chữ. Khi trò chuyện cùng con, cha mẹ hãy nói thật chậm, nói những câu đơn ngắn gọn, dễ hiểu, ngữ điệu linh hoạt phù hợp với từng hoàn cảnh
-
Áp dụng phương pháp thính thị
Một số trẻ biết nói sớm nhờ việc nghe, số khác học nói qua việc nhìn và có những trẻ kết hợp cả 2 phương pháp. Hãy xác định trẻ phù hợp với dạng thính thị nào thông qua phản ứng của con khi tiếp thu, ghi nhớ và phản ứng lại để hỗ trợ trẻ tập nói trong giai đoạn đầu đời.
-
Cho bé đến nơi đông người
Trong quá trình tập nói, nếu chỉ có sự giao tiếp giới hạn trong gia đình thì khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ không thể tăng lên nhanh chóng. Cha mẹ hãy tạo điều kiện để cho trẻ được tương tác, giao tiếp nhiều hơn với những đối tượng khác nhau nhất là trẻ nhỏ. Hãy cho bé ra ngoài, đi chơi và học nói nhiều hơn. Cách này không chỉ giúp trẻ biết nói sớm mà khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng được cải thiện rất nhanh.
Lời kết
Trong những năm tháng đầu đời, khi trẻ đạt được các cột mốc phát triển quan trọng sớm luôn là điều mà cha mẹ thực sự vui mừng. Khi con biết lẫy, biết bò, biết ngồi, lẫm chẫm bước đi và nhất là khi con bập bẹ nói những từ đầu tiên đó chính là những dấu hiệu cho thấy bé nhà bạn có sự phát triển tốt về não bộ.
Tuy vậy, mỗi em bé đều là những cá thể độc lập, không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Trẻ biết nói sớm không có nghĩa rằng mọi kỹ năng khác của bé cũng phát triển với tốc độ tương ứng. Bởi vậy, đừng quá lo lắng nếu em bé của bạn chậm nói hơn một chút so với các bạn cùng tháng tuổi.
Đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ nên cha mẹ đừng quên đồng hành cùng bé trong giai đoạn vàng đầu đời, giúp con có thể phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần một cách tốt nhất!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!