Hành động xâm hại tình dục trẻ em đáng lên án. Nó thể hiện sự mất nhân tính, đồi bại, ghê tởm và bị cả xã hội kịch liệt lên án.
Dạy con biết cách nhận biết những hành động xâm hại tình dục trẻ em
Dạy con biết về quyền và nghĩa vụ của mình. Cho con biết đâu là nơi bất khả xâm phạm trên cơ thể. Đó là những điều tối thiểu bố mẹ phải làm để bảo vệ con.
Cùng lắng nghe những lời khuyên từ bạn bè quốc tế liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Dạy về quyền cơ thể khi trẻ biết nói
Chia sẻ của ông CHARLIE OAKES (người Mỹ):
Nguy hiểm nhất là bị xâm hại mà không dám nói
Ảnh hưởng khi bị lạm dụng tình dục là một vết sẹo về tinh thần không bao giờ xóa được với trẻ. Vì vậy người lớn cần nói với trẻ sớm về cách tự bảo vệ mình – tốt nhất là ngay từ khi trẻ biết nói. Trẻ phải hiểu rõ là không ai được phép chạm vào những chỗ kín trên người mình.
Khi trẻ khoảng 6 tuổi, cha mẹ dạy trẻ tin vào trực giác của mình và cách xử lý những tình huống thực tế có thể làm con không thoải mái, như cần làm gì khi đang ở nhà bạn và có người muốn đụng vào con, làm gì nếu có người cho con xem những thứ không hay ho và sau đó muốn cùng con tái hiện những gì đã xem… Tôi nghĩ cảnh báo về những tình huống có thể xảy ra trong đời thực là rất quan trọng và đây là những điều tôi đã dạy con và cháu mình.
Trấn an và đảm bảo điều này với con là rất quan trọng để chúng hiểu rằng mình không đơn độc khi có chuyện không hay xảy ra và con sẽ không phải sợ hãi khi kể lại cho cha mẹ, ông bà hay người chăm sóc mình.
Ngoài gia đình, nhà trường, giáo viên cũng cần được tập huấn để nhận ra dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị lạm dụng. Khi phát hiện dấu hiệu lạ, trách nhiệm của họ là phải báo ngay với phụ huynh, người giám hộ của trẻ và nhà chức trách có liên quan.
Người lớn phải bị ràng buộc hành xử đứng đắn
Không thỏa hiệp hay thỏa thuận với ấu dâm
Ông PORITH POPO (người Pháp) bày tỏ quan điểm:
“Lạm dụng tình dục trẻ em là điều mà người bình thường nào cũng phẫn nộ và lên án. Đáng tiếc là vẫn có những kẻ bệnh hoạn trong xã hội, thậm chí là người thân thích đã lạm dụng các em.
Điều tôi băn khoăn là cha mẹ nói chuyện với trẻ là một chuyện. Nhưng trẻ có hiểu được và khi thực sự lâm vào hoàn cảnh bị lạm dụng, trẻ có thể tự vệ không lại là chuyện khác. Vì vậy, theo tôi, ngoài việc trang bị tốt nhất có thể cho trẻ trong khả năng và điều kiện của chúng ta về lạm dụng và chống lại lạm dụng, chúng ta cần có những ràng buộc xã hội được công nhận để người lớn không thể tùy tiện hành xử với trẻ.
Chẳng hạn, dù yêu quý một đứa trẻ hàng xóm đến cỡ nào, bạn không được phép nói chuyện với trẻ mà không thông báo với cha mẹ chúng, không được mời trẻ vào nhà mình hoặc đi chơi riêng mà cha mẹ trẻ không được biết.
Ngoài ra, nhà nước cần đảm bảo ai vi phạm sẽ không tránh khỏi hậu quả nặng nề và nghiêm khắc. Như vậy, ai dám liều lĩnh thì họ cũng biết trước cái giá phải trả là vô cùng đắt, chứ không phải chỉ là phởn phơ vài năm tù rồi lại được tự do tiếp tục đi hại đời những nạn nhân vô tội khác.”
Nâng cao nhận thức cho phụ huynh
Con là đối tượng cần được bảo vệ
Quan điểm của Ông FRÉDÉRIC COUT (người Canada):
“Ở nước tôi, giáo dục giới tính là bắt buộc và bắt đầu lúc trẻ mới 11 tuổi, tức là khi mới bước vào cấp II, và trước khi trẻ bắt đầu nhận thấy sự thay đổi ở cơ thể mình. Việc cha mẹ có thể làm là dạy cho con mình nói “không” với tất cả những gì chúng không thích và luôn kể cho người thân khi có người khác ép mình làm điều mình không thích. Như vậy, nếu có chuyện xảy ra mới mong đứa trẻ chia sẻ.
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái không trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục. Nhưng phần đông phụ huynh, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa và trong các gia đình nghèo khó, phụ huynh lại không có kiến thức. Họ tôn thờ việc cho con cái học văn hóa nhưng lại không mấy quan tâm đến kỹ năng sống. Chính vì vậy mà chính phủ, xã hội cần phải nâng cao ý thức của phụ huynh về vấn đề này.”
Không đổ lỗi, phán xét con
Cha mẹ cũng nên nhớ, con không bao giờ muốn mình bị xâm hại, càng không muốn mình trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại.
Khi có chuyện không hay xảy ra, hãy đứng về phía con. Mà thực ra, quan điểm của tác giả, hãy đứng về phía con mọi lúc, mọi nơi. Không phán xét và trách mắng con.
Vì suy cho cùng, con là người bị hại.
Theo TuoiTre
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!