Cha mẹ thường mong muốn con ngoan ngoãn và luôn biết nghe lời. Tuy nhiên, đôi khi con ngoan quá cũng khiến chúng thụ động. Trong cuộc sống, nếu trẻ biết trình bày chính kiến của mình với tư duy phản biện sẽ giúp chúng đến gần hơn với thành công.
Vì sao cần dạy con biết tư duy phản biện
Tư duy phản biện ở trẻ
Tư duy phản biện là điều vô cùng cần thiết cho sự thành công và hạnh phúc của mỗi con người. Trên thực tế, những người không có tư duy phản biện rất dễ bị dụ dỗ và lừa gạt. Trong công việc, nếu chúng ta không có tư duy phản biện thường hay dẫn tới những hiểu lầm đáng tiếc. Đối với con trẻ, những va chạm trong tranh luận sẽ giúp trẻ tự tin, mạnh dạn hơn. Trong học tập, tư duy phản biện sẽ giúp chúng khắc sâu được kiến thức trên lớp.
Nhiều cha mẹ hay buồn phiền vì con không nghe lời, hay phản ứng lại mẹ. Với suy nghĩ “trứng mà đòi khôn hơn vịt” luôn khiến cha mẹ không hài lòng khi con phản kháng lại mình, mặc dù có lúc con nói cũng có lý. Tuy nhiên cha mẹ nên suy nghĩ ở một chiều hướng khác thì đây lại là một điều tốt. Bởi vì như vậy chứng tỏ con đang phát triển tốt về tư duy. Nếu nhất nhất những gì ba mẹ nói con cũng vâng dạ và chấp hành thì sẽ như một con “gà công nghiệp”, không có lập trường. Thường những đứa trẻ dám tranh luận và biết đưa ra chính kiến của mình là đứa trẻ có tư duy, biết phân tích sự đúng sai theo cảm nhận của chúng.
Việc của người lớn là phải giúp con hình thành và phát triển đúng hướng về điều này. Con chưa hiểu vấn đề, mình cũng sẽ uốn nắn phân tích để con nhận biết và hiểu rõ hơn thôi…
Vai trò quan trọng của cha mẹ
Chia sẻ về vấn đề làm thế nào trang bị cho trẻ tư duy phản biện, Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Ái Liên, diễn giả khóa học “Kỷ luật không nước mắt” cho biết: Tư duy phản biện là một kỹ năng, là thói quen hay đặt câu hỏi, hay thắc mắc, hay tò mò, hay kiểm chứng, hay đòi hỏi bằng chứng, hay dùng lý lẽ trong bất cứ một vấn đề nào.
Người có tư duy phản biện là người biết dùng lý luận và bằng chứng không dùng sự la hét ầm ĩ để thể hiện chính kiến của mình. Đối với trẻ cần dạy chúng tư duy phản biện ngay từ lúc chào đời, bắt đầu từ khi trẻ dưới một tuổi.
Điều quan trọng trong vấn đề dạy con có tư duy phản biện, đó là việc thu thập các thông tin. Muốn vậy, trẻ phải có khả năng đọc và muốn có khả năng đọc thì phải có khả năng thấy. Với trẻ, người lớn phải giúp các con phát triển được các giác quan trong cơ thể chúng. Phụ huynh cần cho con hiểu được sự giống nhau cùng những khác biệt ở thế giới xung quanh. Trong đó cái cực đoan của sự khác nhau chính là sự tương phản.
Cũng theo Chuyên gia tâm lý Trần Thị Ái Liên, để giúp con nhận biết được điều này, khi mua đồ chơi cho con phụ huynh nên chọn các đồ chơi có các màu sắc tương phản nhau. Trước khi dạy trẻ biết phân biệt đúng, sai, hãy dạy biết thế nào là giống nhau và khác nhau.
Đối với trẻ dưới một tuổi, cha mẹ hãy cho con nhìn nhiều màu sắc, nghe nhiều cường độ âm thanh, nếm nhiều loại gia vị khác nhau… và phải biểu cảm qua thái độ nét mặt của mình để trẻ biết phân biệt cảm nhận.
Cách tạo cho con tư duy phản biện
Đặt câu hỏi “Tại sao?”
Hãy nhớ lại những lúc bạn dường như phát điên lên với những câu hỏi “tại sao” của con. Bởi chúng thực sự khiến bạn phải bắt bản thân suy nghĩ để đưa ra câu trả lời. Tại sao bầu trời có màu xanh? Tại sao quả bóng lại hình tròn? Những câu hỏi như vậy luôn khiến bạn phải động não. Và bây giờ chính là lúc bạn phản công, hãy hỏi con những câu hỏi tại sao nhiều nhất có thể.
Khi con bạn đối diện với một vấn đề nào đó, chẳng hạn như đứa trẻ muốn một món đồ chơi điện tử mới, hãy hỏi tại sao. Câu trả lời có thể là bởi nó rất phổ biến và đó là thứ mà mọi đứa trẻ đều có. Dựa vào những câu trả lời tiếp sau, hãy đào sâu hơn, sâu hơn nữa. Đó là cách để đứa trẻ hiểu được nhiều hơn về những thứ xung quanh.
Tạo cơ hội cho những cuộc tranh luận
Nếu như con bạn muốn đòi hỏi quyền lợi hay muốn tranh luận về một vấn đề gì đó, hãy tạo cơ hội cho chúng. Nếu như con muốn được thức khuya hơn, hãy cho chúng cơ hội để giải thích về lí do chúng muốn làm điều đó. Thay vì nói cho chúng lí do vì sao bạn không ủng hộ việc làm này, hãy để chúng tự đặt mình vào tình huống, để chúng tự suy nghĩ xem tại sao bạn lại làm vậy.
Hãy nghĩ về giải pháp. Có thể nguyên nhân mà bạn không muốn chúng ngủ muộn chỉ là vì chúng không thể dậy sớm cho kịp giờ học. Hãy tạo cơ hội cho con được thử nghiệm với phương án của mình trong khoảng một tuần để xem xem liệu chúng có thể thích nghi với điều đó hay không. Hãy cho con tự tổng hợp dữ liệu thu được mỗi ngày, về mức độ mệt mỏi khi thức dậy vào buổi sáng và khả năng tập trung ở trường. Sau đó, hãy cùng trao đổi vấn đề này với con, thức muộn hơn 1 giờ đồng hồ có thể không hiệu quả, nhưng 30 phút có lẽ sẽ ổn. Nếu như con đồng ý, hãy thử lại quá trình áp dụng thử nghiệm trên một lần nữa.
Để con tự tìm hiểu mọi thứ
Việc nâng cao tư duy phản biện bắt nguồn từ chính những thử thách hàng ngày mà bạn bắt con phải tự tìm hiểu về thế giới xung quanh. Nếu như con muốn đi xem phim, hãy để chúng tự tìm hiểu về thời gian và giá cả ở các rạp phim. Với những đứa trẻ lớn hơn, hãy để con tự mua bỏng ngô và đồ uống, tự bắt xe để đi tới rạp. Cùng với đó, hãy bảo chúng tìm hiểu về những phản hồi của những người đã từng xem để biết được liệu mình có đang tiêu tốn tiền một cách lãng phí hay không.
Theo theAsianparent
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!