Nếu có một mẫu số chung cho mọi trường hợp thành công ở bất kì nơi đâu trên trái đất này, khẳng định với các bạn, 100% là người ấy có kĩ năng tự học rất cao. Những nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới đều chú trọng tới xây dựng kỹ năng tự học cho học sinh và đó là kỹ năng cao nhất mà mọi nền giáo dục cần hướng tới.
Ở Việt Nam, nhiều người thường nhầm lẫn giữa thái độ tự giác học và tự học. Đây là hai khái niệm khác nhau, và thái độ tự giác học mới chỉ là bước khởi đầu của khả năng tự học mà thôi!
Cùng nghe mẹ Thuy Tulip – cố vấn tâm lý cho trang Dạy Con Tự Học chia sẻ từng bước rèn cho con thói quen tự học!
Đầu tiên, cần soi lại bản thân cha mẹ trước. Cha mẹ khi còn nhỏ có tự giác học không? Có được bố mẹ rèn cho thói quen tự giác học không? Chính lối sống được rèn luyện khi còn nhỏ của chính bản thân người cha, người mẹ sẽ ảnh hưởng lớn tới lối sống của trẻ bây giờ.
LỤC TÌM NGUYÊN NHÂN: VÌ SAO MẸ NHẮC MÃI MỚI CHỊU HỌC?
Mẹ nhắc – giục – hô hào hay nịnh con mới chịu học
Đây là tình trạng chung của rất nhiều em khi ở nhà. Nếu con bạn đang trong tình trạng đó thì xin thưa là chuyện thường ở huyện!
Do thói quen sinh hoạt của gia đình
Trong những ngày bé đi học, nhà mình có sinh hoạt theo thói quen không? Hay là giờ giấc mỗi ngày mỗi khác? Đó chính là một trong những lí do khiến bé không hình thành được thói quen tự giác học. Thói quen chính là những việc làm lặp đi lặp lại hàng ngày.
Một phần do tính tình của bé
Rèn cho con kỹ năng tự học
Cha mẹ nên là người hiểu rõ tính tình của con mình. Có nhiều em thực sự rất thích các hoạt động bên ngoài như nhảy múa hát hò, nhưng không thích ngồi yên một chỗ để viết hay làm toán. Thực ra điều này hoàn toàn có thể hiểu được và rèn được.
Bài vở ở trường chồng chất
Cha mẹ nên thông cảm cho bé. Thực tế, bài làm giáo viên giao về thường quá nặng đối với học sinh tiểu học.
Ví như, lớp 1 phải luyện viết, có cái chữ đấy, biết viết rồi mà còn bắt bé viết mấy trang cho đều và đẹp, nói thật là viết rã cả cánh tay của con. Các bài tập chẳng đòi hỏi sự sáng tạo gì cả, lại cũng chẳng liên quan gì tới trải nghiệm/ kinh nghiệm hay cuộc sống thực tế của bé. Thành ra khi làm bài thấy chán….là phải! Lên tới cấp 2 cấp 3 thì toàn bài học thuộc lòng. Nhìn đã ớn! Vì thế, cha mẹ nên hiểu và thông cảm cho con.
Rèn cho con kỹ năng tự học
CÁC CÁCH LUYỆN THÁI ĐỘ TỰ GIÁC CHO CON
Thói quen sinh hoạt gia đình
Trước tiên, cần xem xét thói quen sinh hoạt gia đình: cần cho vào nề nếp, dĩ nhiên tương đối thôi chứ không cần phải đúng giờ 100%. Nếu mong con tuân theo nội quy nhà trường, mà ở nhà sinh hoạt lung tung cả, trẻ sẽ không thể hình thành được kĩ năng.
Gia đình cần có sự đều đặn, khung giờ rõ ràng. Sau khi đi học về làm những gì, bắt đầu mấy giờ là phải ngồi vào bàn học, tới giờ nào là phải đi ngủ rồi. Nếu sinh hoạt gia đình chưa vào nề nếp thì nên điều chỉnh dần dần, cố gắng sắp xếp cho trẻ có giờ ăn, học và đi ngủ cố định vào buổi tối. Cuối tuần thì có thể thoải mái, cha mẹ con cái chơi thư giãn sao cũng được, nhưng những ngày trong tuần thì phải cố định.
Với bé từ 3 tới 6 tuổi
Trường hợp này rất dễ, bởi vì bé chưa bị áp lực phải hoàn thành bài ở trường. Cần luyện cho bé thói quen ngồi vào bàn học mỗi tối, dù 15- 20 phút thôi cũng là đủ. Trong thời gian ngồi đấy,nên cho bé tự hoạt động vẽ tranh, xem sách, tô màu, tô chữ, chơi trò chơi tìm hình, v.v., các hoạt động cần liên quan tới dùng kĩ năng tay để viết. Giờ ngồi vào học cần cố định, không nên bị xáo trộn.
Khi trẻ ngồi vẽ, bố mẹ cũng nên ngồi đọc một cái gì đó, tốt nhất là báo/ sách (không phải điện thoại), vừa ngồi quan sát trẻ vừa cho trẻ thấy bố mẹ có tinh thần đọc sách. Nếu trẻ hay í ới hỏi, không trả lời mà nên đặt đồng hồ, sau 5 phút con mới được hỏi, rồi tăng lên 6 phút, 7 phút cho tới 20 phút.
Nên cực kì hạn chế cho trẻ xem tivi và chơi điện thoại, ipad!
Nếu lên lớp lớn hơn mà thấy trẻ không tập trung, thì lúc đó mình đã hiểu tại sao rồi nhé!
Với bé học từ lớp 1 tới lớp 5
Nếu bé đã hình thành được thái độ tự giác học từ hồi nhỏ thì giờ rất khoẻ, bé biết tự động tới giờ phải ngồi vào bàn học. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý đối với trường hợp các em làm bài rất chậm hoặc là hỏi quá nhiều ( dựa dẫm vào cha mẹ).
Rèn cho con kỹ năng tự học
Không nên doạ trẻ: nếu không học thì cô giáo phạt, nếu không học thì mai mốt bán vé số…
Không nên nói như vậy vì sẽ mang lại tâm lý tiêu cực cho bé. Bé sẽ cảm thấy nếu không chịu học, không làm bài là đời mình bỏ rồi, mai mốt chắc chả làm nổi cái gì nữa. Dạ thưa, đó chỉ là suy nghĩ của cha mẹ thôi, chứ cuộc đời còn dài lắm, không học hôm nay chưa chắc đã thất bại mai sau. Việc học này chẳng qua chỉ là sự đối phó với nhà trường, với bằng cấp mà thôi, chứ chả ảnh hưởng gì đến thành công cho trẻ sau này đâu.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ chưa có thói quen tự học?
Cha mẹ nên ngồi gần và đọc cái gì đó. Khi trẻ có thói quen rồi thì ta nên làm việc của ta, tránh ngồi gần, nhưng không được mở tivi hay xem điện thoại. Cái này sẽ có lợi khi con lên lớp lớn hơn như cấp 2, cấp 3. Cha mẹ dạy trẻ tự giác học bằng hành động chứ không phải là lời nói suông!
Tóm tắt lại, đây chỉ là một vài gợi ý để giúp cha mẹ hình thành và cải thiện thái độ tự học cho con mình. Khuyến cáo, bài viết của mình hay của giáo sư chuyên gia giáo dục nào đó, mẹ Nhật mẹ Mỹ gì cũng chỉ nên để tham khảo thôi. Nên đọc nhưng chọn lọc, tìm ra cách phù hợp với hoàn cảnh nhà mình và tính tình của con mình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh! Chỉ có cha mẹ mới hiểu bản thân mình và con mình thôi ạ.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!