Thời đại công nghệ số ngày nay, các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, … đều có thể trở thành công cụ hữu ích giúp các bé tiếp cận với thế giới hiện đại. Nhưng nếu bé tiếp xúc quá nhiều với những thứ này, chúng sẽ trở nên phản tác dụng. Chậm phát triển là một trong những nguy cơ tiềm ẩn của vấn đề này. Vậy khi con nghiện màn hình, cha mẹ cần giúp trẻ như thế nào?
5 cách giúp chấm dứt tình trạng bé nghiện màn hình quá đà
Đôi khi, vì những phút bận rộn, vì muốn con “ăn được nhiều cơm”, vì mong con “chấm dứt những cơn mè nheo”, cha mẹ đã biến các thiết bị điện tử thành công cụ “dạy con” thay mình. Cho đến khi nhận thức được điều này thì cũng là lúc trẻ đã nghiện màn hình quá đà.
Nếu một khi cha mẹ hiểu được vấn đề và lo lắng con có thể chậm phát triển vì những thiết bị này thì cũng chưa muộn để giúp trẻ không nghiện màn hình nữa.
Dưới đây là 5 cách làm thiết thực mà cha mẹ có thể áp dụng với các bé.
1. Thống nhất rõ ràng với nhau về thời gian sử dụng
Trước tiên cha mẹ cần trao đổi với con về thời gian cũng như số lần có thể sử dụng điện thoại, máy tính bảng trong ngày.
Ví dụ con có thể được sử dụng từ 30 phút -45 phút/ngày. Thời gian cho phép con chơi cũng nên lựa chọn thời điểm thích hợp. Tuy nhiên cần tránh cho bé xem màn hình trước giờ đi ngủ để não bộ con không bị quá hưng phấn. Điều này có thể khiến trẻ khó ngủ và mệt mỏi khi thức dậy.
Cách tốt nhất là chia số giờ con dùng các thiết bị điện tử thành 2-3 lần/ngày. Mỗi lần cho phép con sử dụng, cha mẹ có thể đặt chuông báo giờ. Chẳng hạn hết 15 phút chuông kêu, con cần tự ý thức được mình nên dừng chơi và cất điện thoại đi.
Với các bé nghiện màn hình ở mức độ nhiều, cha mẹ nên lưu ý thêm. Cần đặt mã và chế độ tự khóa màn hình sau khi hết giờ quy định.
2. Tạo ra sự cân bằng trong các hoạt động thường ngày của trẻ
Với những bé nghiện màn hình, điều dễ nhận thấy nhận là các bé thiếu đi sự tương tác với người xung quanh. Bé có thể không thích nói chuyện, không muốn chào hỏi hay bắt chuyện với mọi người trong gia đình.
Khi tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều, các trò chơi tưởng tượng của trẻ cũng không còn nữa. Điều này dễ khiến trẻ bị mất đi khả năng tư duy sáng tạo. Ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển sau này của các bé.
Do đó, một khi đã nhận thức được rằng con mình đang nghiện màn hình quá mức, cách tốt nhất là cha mẹ nên gia tăng các hoạt động khác cho bé. Chẳng hạn như hướng dẫn con tham gia các hoạt động ngoài trời, chơi thể thao, đi dạo vào chiều tối, đọc sách với bé, rủ bé vẽ tranh, tô màu, chơi lego, v.v. Hoặc bất cứ hoạt động gì mà cha mẹ cảm thấy phù hợp với thời gian làm việc cũng như môi trường sống của gia đình mình.
Điều mà các con cần nhất chính là khoảng thời gian chất lượng mà cha mẹ dành cho con. Đôi khi chỉ là cùng nhau chơi gấp máy bay giấy, ngồi ngâm nga một bài hát hay đọc cho con một câu chuyện cũng đủ để con thấy hấp dẫn hơn hẳn những chiếc điện thoại rồi.
3. Giải thích rõ ràng cho con về quyền sở hữu
Cha mẹ đôi khi thấy con muốn có điện thoại hay máy tính bảng thì vội chiều con mà mua cho bé. Nhưng hậu quả sau đó là con sẽ thể hiện tính sở hữu với những thứ này. Nếu cha mẹ yêu cầu con dừng chơi, con sẽ tỏ thái độ không hài lòng, tức giận hoặc thậm chí còn nghiêm trọng hơn thế.
Do đó, cha mẹ nên giải thích rõ ràng cho con nghe về việc cha mẹ mới chính là người sở hữu những thứ này. Con muốn chơi con sẽ phải biết cách xin phép lịch sự. Một khi con thực hiện, tôn trọng được quy ước này thì con sẽ được phép sử dụng chúng.
4. Đừng để con một mình với màn hình
Máy tính bảng hay điện thoại có thể là công cụ để giúp con học hỏi thêm các kiến thức như tiếng Anh hay âm nhạc, trò chơi rèn trí thông minh. Nhưng điều này không có nghĩa là con nên một mình với các thiết bị đó. Bởi nếu sử dụng không hợp lý, các thiết bị này sẽ phản tác dụng. Con có thể bị ảnh hưởng về khả năng ngôn ngữ cũng như tính tập trung.
Vì thế, thay vì mặc con nghiện màn hình như con thích, cha mẹ hãy ngồi xuống làm bạn với con trong những khoảng thời gian này. Chơi cùng bé, hát cùng bé, xem hoạt hình cùng bé. Khi cần giải thích cho bé nghe. Như thế sẽ có lợi cho trẻ nhiều hơn, đồng thời lại khiến cha mẹ càng thêm hiểu con.
5. Cha mẹ chính là tấm gương tốt nhất cho con
Cha mẹ nhắc con hàng chục lần, ngày nào cũng than phiền sao con cứ nghiện màn hình? Nhưng lúc đó cha mẹ có để ý thấy tay mình vẫn cầm điện thoại? Mắt mình vẫn đang lượn Facebook? Ngón tay vẫn lướt game đều đều?
Nếu thế thì thật khó để bảo bé đừng nghiện màn hình nữa. Chính vì thế, nói nhiều không bằng hành động. Cha mẹ hãy thế hiện cho con thấy mình sử dụng các thiết bị điện tử một cách giờ giấc và có kỷ luật như thế nào. Nhờ thế con sẽ học hỏi từ cha mẹ một cách tốt nhất mà không cần có những cuộc chiến xung đột đầy nước mắt giữa cha mẹ và trẻ.
Các thiết bị điện tử phù hợp với độ tuổi nào của trẻ?
Từ 1-3 tuổi, thực tế đây chưa phải là độ tuổi phù hợp để sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại. Đây là lứa tuổi mà trẻ rất cần phát triển kĩ năng thô, rèn luyện độ dẻo dai của cơ thể cũng như bộ não và khả năng giao tiếp.
Vào giai đoạn 5-6 tuổi, cha mẹ có thể sử dụng máy tính bảng và điện thoại như công cụ giúp con rèn luyện thêm một số kỹ năng về học tiếng và các chương trình phù hợp với trẻ đang trong độ tuổi đi học. Cha mẹ có thể cho trẻ dùng các thiết bị này từ 45-60 phút/ngày song song với các hoạt động khác.
Theo The Asianparent Thái Lan
Bài viết liên quan:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!