Đa ối là tình trạng ít gặp, chỉ xảy ra ở 1% phụ nữ mang thai và thường gặp nhất là trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Đa ối tuần 37 có nguy hiểm không? Hiện tượng đa ối có gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé khi bước vào những tuần cuối của thai kỳ?
Đa ối ở tuần thai thứ 37
Đối với thai nhi, nước ối rất quan trọng. Nó không chỉ giúp bảo vệ khỏi các tác nhân gây hại cũng như chấn thương bên ngoài mà nước ối còn đóng vai trò là môi trường sống bao quanh, lấy các dưỡng chất từ cơ thể đi nuôi dưỡng thai nhi. Thai nhi nuốt nước ối, bài tiết thông qua đường tiểu và bằng cách này kiểm soát lượng nước ối xung quanh mình.
Nước ối cũng là môi trường cung cấp oxy giúp cho phổi phát triển. Thể tích lượng chất lỏng này sẽ dần dần tăng lên đến khi có khoảng 1l ở tuần thứ 37. Sau đó, nước ối thường giảm xuống còn khoảng 0.5l vào tuần thai thứ 40.
Đa ối tuần 37 là tình trạng dư thừa nước ối vượt quá chỉ số cho phép, lượng nước ối lúc này tăng lên gấp đôi, gấp 3 so với bình thường. Để chẩn đoán chính xác tình trạng đa ối, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm và lấy kết quả ước lượng gián tiếp về thể tích nước ối. Mẹ được chẩn đoán đa ối khi chỉ số nước ối (A.F.I: amniotic fluid index) qua siêu âm quá 25cm.
Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng đa ối
Đa ối nhẹ thường không có biểu hiện cụ thể, 1 số triệu chứng thường gặp gồm có:
- Bụng sản phụ to hơn so với tuổi thai, khó nghe được nhịp tim thai.
- Số đo vòng bụng (qua rốn) lớn hơn 100cm, bụng căng bóng, đau bụng, khó thở.
- Sưng, phù nề tay chân hoặc toàn thân, sưng âm hộ.
- Nước tiểu giảm, xuất hiện tình trạng táo bón, ợ nóng.
Thai 37 tuần đa ối có nguy hiểm không?
Tuy rằng nói hiện tượng đa ối rất nguy hiểm nhưng vẫn có 1 số trường hợp, mẹ bị đa ối nhưng không gặp vấn đề gì và vẫn mang thai, sinh nở bình thường. Vào lúc lâm bồn, lượng nước ối cũng sẽ theo đó mà ra ngoài, người mẹ sẽ không còn cảm giác nặng nề, khó chịu nữa. Tuy nhiên, tình trạng đa ối tuần 37 vẫn có thể gặp 1 số rủi ro như:
- Lượng chất lỏng trong tử cung quá cao mẹ sẽ bị nguy cơ vỡ màng ối sớm. Vỡ ối sớm dẫn đến sinh non. Mặc dù ở thời điểm này thai nhi về cơ bản đã hoàn thiện nhưng tốt nhất là vẫn nên được sinh ra đủ ngày tháng.
- Ngôi thai bất thường: sinh ngôi mông hoặc các tình huống không thuận lợi khác.
- Bong nhau thai, sa dây rốn.
- Tăng trưởng và phát triển của thai nhi bị hạn chế và có các vấn đề về phát triển khung xương. Trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tình trạng thai lưu.
- Các trường hợp chẩn đoán đa ối thường được chỉ định sinh mổ. Đa ối làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh vì tử cung bị chèn ép do lượng nước ối lớn và không thể co lại như thông thường.
Điều trị đa ối ở mẹ bầu
Siêu âm có thể giúp xác định mẹ có bị đa ối hay không. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho mẹ kiểm tra glucose (để xác định bệnh tiểu đường), chọc dò nước ối, đo nhịp tim thai, siêu âm doppler để hiểu rõ hơn tình trạng hiện tại.
Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân gây đa ối mà bác sĩ sẽ đề ra phương án hợp lý:
- Nếu đa ối ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể khuyên mẹ đi kiểm tra thêm để theo dõi tình hình.
- 1 số trường hợp đa ối không quá nặng thì mẹ chỉ cần nằm trên giường nghỉ ngơi để ngăn ngừa sinh non.
- Nếu đa ối nặng mà nguyên nhân là do tim thai, thì bác sĩ có thể kê thuốc điều chỉnh tim thai.
- Bác sĩ cũng có thể lấy bớt nước ối ra khỏi tử cung bằng một cây kim lớn. Cách làm này có thể gây ra biến chứng, do đó chỉ được áp dụng nếu sự nguy hiểm của đa ối lớn hơn sự nguy hiểm của việc tháo nước ối.
- Thai phụ có thể được kê thuốc để giảm lượng nước tiểu mà thai nhi sản xuất ra, tuy nhiên điều này có thể ảnh hưởng đến tim thai, do đó cần phải đi kiểm tra thường xuyên để đo tim thai.
- Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể khuyên mẹ sinh sớm tại thời điểm tuần 37 này.
Tuần 37 bị đa ối, thai phụ nên ăn gì và kiêng gì?
Nhiệm vụ của mẹ bầu trong trường hợp này là tiết chế lượng nước nạp vào cơ thể ở mức vừa đủ, không dư không thiếu.
- Chị em nên cung cấp đầy đủ chất đạm qua những thực phẩm giàu protein như tôm, cua, ghẹ, mực, hàu… hay thịt trâu, bò, heo, gà, vịt… để mẹ và bé đều được đủ chất và khỏe mạnh.
- Chất xơ có trong rau cũng là thứ mà các mẹ không nên bỏ qua. Vì thế, trong bữa ăn hằng ngày mẹ nên ăn nhiều rau củ quả các loại.
- Khi chế biến rau củ cần chú ý rửa sạch và không nên nấu thành canh vì canh là món ăn có chứa nhiều nước nên dễ khiến cho tình trạng đa ối nghiêm trọng hơn.
- Uống nước râu ngô có thể thanh nhiệt, giải độc và lợi tiểu cho bà bầu đa ối. Trong nước râu ngô chứa tinh dầu, chất xơ, chất khoáng và nhiều loại vitamin giúp đào thải bớt lượng ối dư thừa ở bà bầu.
- Đối với những người bị đa ối tuần 37 thì không nên sử dụng các loại trái cây có chứa nhiều nước như cam, quýt, bưởi, dưa, lựu… vì nếu ăn nhiều sẽ tạo thêm nước ối trong tử cung.
- Giảm bớt lượng muối sử dụng hằng ngày vì muối sẽ khiến tình trạng trở nên nặng hơn do muối có tính ngậm nước.
- Không nên uống quá nhiều nước mà chỉ uống khoảng 1,5 – 2l mỗi ngày.
Những lưu ý khi bị đa ối tuần 37
Trong giai đoạn cuối của thai kỳ nếu có các biểu hiện như: khó chịu, khó thở, không thở được hoặc bụng của bạn lớn đột ngột, da bị kéo căng và sáng bóng, sưng ở chi dưới, đôi khi có các cơn co thắt tử cung, xuất hiện các triệu chứng ợ nóng, khó tiêu, táo bón… chị em hãy lập tức đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên chị em cũng không nên quá lo lắng vì bị đa ối tuần 37 của thai kỳ vì lúc này thai nhi cũng có thể xem như đã hoàn thiện và sẵn sàng chào đời. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn nhiều hơn. Nếu đang làm việc, mẹ có thể cân nhắc bắt đầu nghỉ thai sản sớm để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!