Có thai lại sau thai lưu 3 tháng liệu có quá sớm không? Thai nhi và sức khoẻ của người mẹ có ảnh hưởng gì hay không? Làm gì để hạn chế thai lưu ở lần thai kỳ này?
Định nghĩa hiện tượng thai lưu
Thai lưu là hiện tượng thai nhi mất trước khi sinh ra và vẫn còn trong bụng của người mẹ. Tên gọi cho hiện tượng không may này được áp dụng khi em bé lớn hơn 20 tuần tuổi.
Theo các bác sĩ, 20-50% thai chết lưu hiện nay không tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Đây là một số nguyên nhân gây thai chết lưu phổ biến:
- Cấu trúc của thai nhi có vấn đề như tật nứt đốt sống và khuyết tật tim bẩm sinh
- Dây rốn có vấn đề như bị thắt nút hoặc vắt làm ngừng cung cấp oxy cho thai nhi đang phát triển
- Nhau thai có vấn đề, không cung cấp đủ oxy cho bé
- Nhiễm trùng ở thai nhi, nhau thai hay người mẹ bị nhiễm trùng
- Bệnh lý mạn tính của mẹ hay bệnh lý phát sinh trong thai kỳ như đái tháo đường, viêm gan, suy thận, thiếu máu, huyết áp cao,…
- Một phần cổ tử cung quá yếu để giữ thai
- Có tiền sử thai chết lưu
- Những nguyên nhân khác như tinh thần thai phụ căng thẳng, áp lực lớn trong thời kỳ mang thai; có sử dụng chất kích thích như ma tuý, hút thuốc lá; dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ và với liều cao;…
Liệu có thai lại sau thai lưu 3 tháng có là quá sớm?
Thực sự hiện chưa có bằng chứng y tế chắc chắn nào cho thấy phụ nữ cần đợi một khoảng thời gian cụ thể trước khi thụ thai sau khi thai chết lưu. Nhưng theo các chuyên gia, thời gian khuyến nghị để người phụ nữ thích hợp để mang thai trở lại là từ 3 – 6 tháng sau khi lấy thai lưu, khi đó tử cung và các bộ phận trong cơ quan sinh sản đã tái tạo lại như lúc đầu. Và đây cũng là khoảng thời gian trung bình để chị em cân bằng lại tâm lý sau biến cố.
Do đó, có thể nói, có thai lại sau thai lưu 3 tháng là vừa đủ khung thời gian khuyến nghị, không bàn đến vấn đề người mẹ đã sẵn sàng tâm lý hay chưa.
Dù sẵn sàng hay chưa thì đây cũng là một tin rất vui cho người phụ nữ vì một sinh linh nữa lại đến bên mình. Việc cần làm lúc này không phải là tự thắc mắc và lo lắng “Liệu có thai lại sau thai lưu 3 tháng có là quá sớm? Có nguy hiểm không?”. Hãy đến ngay bệnh viện để được khám xác định việc cơ thể đã thụ thai, và được bác sĩ thăm khám để đảm bảo một thai kỳ an toàn khoẻ mạnh.
Làm thế nào để hạn chế tình trạng thai lưu khi có thai lại sau thai lưu 3 tháng?
Chắc hẳn, lúc này đây thai phụ cũng thắc mắc liệu có thai lại sau thai lưu 3 tháng có thể sinh con khỏe mạnh không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Đối với hầu hết phụ nữ, khả năng phải trải qua tình trạng này một lần nữa là rất thấp. Dưới 1% đã từng bị thai chết lưu tiếp tục có một thai chết lưu khác.
Nhưng như thế không có nghĩa là mẹ nên quá vô tư và không chăm sóc cơ thể kỹ càng. Dưới đây là những cách gíup mẹ bầu hạn chế tỷ lệ thai lưu ở lần mang thai này.
Duy trì lối sống lành mạnh trong thai kỳ
Một lối sống lành mạnh khi mang thai có thể giúp giảm thiểu nguy cơ thai chết lưu và tạo môi trường tốt nhất có thể cho thai nhi đang phát triển. Thai phụ hãy:
- Không hút thuốc, đồng thời tránh xa môi trường có nhiều khói thuốc lá. Ngoài thai chết lưu, tác hại của hành động này cũng bao gồm tăng nguy cơ sinh non, dị tật bẩm sinh và các tình trạng nghiêm trọng khác ở em bé của bạn.
- Nói không với các đồ uống có cồn và gây nghiện.
- Ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên với cường độ thích hợp với thể trạng cơ thể. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ về hoạt động thể chất nào phù hợp với mẹ.
Ngủ nghiêng một bên
Tư thế ngủ nghiêng khi mang thai giúp giảm nguy cơ thai chết lưu, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba. Điều này là do nằm ngửa có thể khiến tử cung của mẹ đè lên tĩnh mạch chủ. Áp lực lên tĩnh mạch này có thể làm giảm lưu lượng máu và chất dinh dưỡng đến thai nhi.
Mặc dù ngủ nghiêng về bên nào cũng ổn, nhưng tốt nhất nên về phía bên trái khi có thể vì tư thế có thể làm tăng lưu lượng máu đến em bé. Để nằm nghiêng thoải mái, hãy thử kê một chiếc gối giữa hai chân và một chiếc gối khác sau lưng, nó cũng giúp ngăn ngừa hoặc làm dịu cơn đau lưng đấy.
Đi khám thai định kỳ
Có thai lại sau thai lưu 3 tháng rất cần mẹ phải quan tâm đến sức khoẻ mình nhiều hơn. Do đó, hãy ghi chú và đến đúng các kỳ khám thai như lịch hẹn của bác sĩ. Các cuộc hẹn khám thai này cũng là thời điểm tốt để thai phụ đặt câu hỏi hoặc nói về bất kỳ mối quan tâm và triệu chứng lạ nào của cơ thể.
Điều quan trọng nhất là đời sống tinh thần của mẹ cũng phải thoải mái và vui vẻ thì hành trình hạnh phúc này mới trọn vẹn. Vì một thai kỳ khoẻ mạnh, hãy chăm lo thể chất và tinh thần tốt cho bản thân nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!