Sốt co giật ở trẻ nhỏ sẽ khiến cho ba mẹ hoảng loạn và lúng túng không biết xử lý. Nếu không hiểu biết và nghe theo lời chỉ dạy không có căn cứ, khả năng gây hại cho con và chính bản thân mình sẽ tăng cao.
Nội dung bài viết:
- Khi nào trẻ sơ sinh bị sốt?
- Thế nào là sốt co giật?
- Cách xử lý
- Những điều cần tránh
Khi nào thì xác định trẻ sơ sinh bị sốt?
Em bé cũng như chúng ta có nhiệt độ cơ thể bình thường dao động ở 37 ° C. Nhiệt độ này có thể thay đổi một chút từ sáng đến tối. Nhiệt độ cơ thể thường thấp hơn khi thức dậy và cao hơn vào buổi chiều và buổi tối.
Xác định trẻ sơ sinh bị sốt nếu nhiệt độ của bé là:
- 38° C hoặc cao hơn khi đo nhiệt độ ở trực tràng
- 37,4° C hoặc cao hơn khi được thực hiện bằng các phương pháp khác
Bạn có thể chưa biết:
Trẻ bị sốt do mọc răng thì mấy ngày sẽ hết? Chăm sóc bé trong giai đoạn này ra sao?
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị sốt? – Cách hạ sốt tại nhà
Co giật do sốt là gì?
Đây là tình trạng thường xảy ra ở trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi khi trẻ bị co giật vì có nhiệt độ sốt từ 38-39 độ trở lên. Tình trạng này thường thấy nhất ở trẻ từ 12-18 tháng tuổi.
Các biểu hiện của trẻ khi bị co giật do sốt là:
- Sốt và tăng nhiệt độ đột ngột
- Trợn mắt
- Tay chân giật liên hồi
- Sau vài phút thì sẽ hết co giật
Nguyên nhân gây nên tình trạng này:
- Do tình trạng nhiễm trùng do siêu vi hay vi khuẩn
- Sau khi chích ngừa cũng có thể khiến con sốt và co giật
- Yếu tố gia đình có tiền sử cơ địa dễ bị co giật khi sốt cao
- Cơ địa của chính trẻ
- Nhiều lý do chưa rõ khác
Trẻ sốt co giật có ảnh hưởng đến não? Nhìn chung tình trạng sốt co giật hầu như không nguy hiểm và không để lại di chứng gì về thần kinh cho trẻ về sau. Tình trạng này cũng không gây tổn hại đến não, cũng như không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đến trí thông minh của trẻ.
Hướng xử lý khi trẻ bị co giật do sốt
Bước đầu tiên và tiên quyết
Ba mẹ và người nhà phải bình tĩnh. Vì khi bình tĩnh nhất có thể thì ta mới có thể đủ tỉnh táo để đánh giá tình hình và có cách xử lý khi trẻ bị sốt co giật đúng và tốt nhất cho con.
Bạn có thể chưa biết:
Nên làm gì khi trẻ bị sốt cao? – Hạ sốt đúng cách
Các bước sơ cứu khi trẻ bị co giật do sốt mà cha mẹ cần nắm vững!
Bước tiếp theo
- Đặt trẻ nằm xuống giường hoặc nơi bằng phẳng, thoáng mát; tránh các nơi có vật cứng, vật sắc nhọn
- Nên đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh trường hợp trẻ nôn, chất nôn sẽ đi vào đường hô hấp
- Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo
- Tuyệt đối không dùng vật cứng ngáng miệng trẻ
- Dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm, vắt sạch nước và lau khắp người trẻ, đặc biệt vùng bẹn, nách, lau đi lau lại liên tục cho đến khi trẻ hết cơn co giật thì dừng lại
- Đặt viên hạ sốt vào hậu môn do trẻ đang co giật uống rất khó và dễ gây sặc. Dùng hàm lượng paracetamol thông thường mà bé hay dùng hoặc với liều lượng là 10-15mg/kg cân nặng
- Khi trẻ ngưng cơn co giật lật trẻ nằm nghiêng sang một bên, đầu hơi ngửa ra sau (tư thế an toàn) để nếu trẻ có nôn chất nôn sẽ đi ra ngoài mà không đi vào đường hô hấp gây tắc nghẽn đường hô hấp, nguy hiểm tính mạng của trẻ
- Dù sau đó con hết giật hay sau 5 phút mà tình trạng co giật vẫn không thuyên giảm thì ba mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu để được điều trị sớm nhất.
Những điều cần tránh khi xử lý trẻ bị co giật
Dưới đây là những điều ba mẹ và người nhà tuyệt đối không thực hiện trong quá trình xử lý trẻ co giật do sốt:
- Cố giữ trẻ để chống lại cơn co giật vì có thể sẽ gây tổn thương ở một số bộ phận của cơ thể hoặc có thể làm gãy xương trẻ.
- Cho trẻ ăn, uống thuốc hay đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ vì khả năng gây sặc hay chắn đường thở rất cao.
- Nhét vật cứng ngang mồm hay đưa tay vào miệng trẻ vì lo sợ con cắn lưỡi. Thực tế là khi co giật do sốt thì bé đã nghiền chặt hai hàm răng của mình, nên con không thể để lưỡi vào giữa hàm và cắn lưỡi. Hành động này chỉ gây tổn thương cho bản thân người đưa tay vào miệng trẻ; hoặc vật cứng sẽ khiến con bị tổn thương niêm mạc miệng, làm gãy răng, sụt lợi
- Ủ ấm, mặc thêm quần áo cho con vì thấy đang con lạnh do sốt
- Vắt chanh hay xả vào miệng trẻ. Đây là một sai lầm khác khi xử lý tình huống của nhiều phụ huynh. Thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ vì con có thể bị sặc hạt chanh gây nghẹt thở, để lại di chứng ở não do trẻ bị thiếu oxy não.
Lời kết
Sốt co giật không phải là hiện tượng hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ từ 3 tháng đến 5 tuổi. Hầu hết các cơn co giật do sốt gây ra do tương tác giữa yếu tố bẩm sinh di truyền và yếu tố môi trường, đa phần diễn tiến lành tính.
Sốt cao gây co giật ở trẻ nhỏ là tình trạng xảy ra khá nhiều, nhưng đa số lành tính và không để lại biến chứng nếu gia đình xử lý đúng cách. Hơn thế nữa, phụ huynh cũng không nên lo lắng là nếu trẻ sốt cao thì chắc chắn sẽ co giật. Điều này hoàn toàn không đúng và không có cơ sở! Không phải trẻ nào sốt cũng sẽ co giật và nhiệt độ sốt cao cũng không nhất thiết gây co giật.
Mức độ nguy hiểm của các cơn co giật còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây co giật. Tình trạng này sẽ hết sau khi trẻ được 5 tuổi. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp, sốt cao co giật ở trẻ em có thể là dấu hiệu của 1 số bệnh lý nhiễm trùng nặng như viêm não, viêm màng não. Do đó khi bé có hiện tượng này, ba mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và can thiệp kịp thời.
Nguồn thông tin: Bệnh viện Từ Dũ, Vinmec, Sách “Để Con Được Ốm” của NXB Thế Giới;
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!