Chuẩn bị gì để nuôi con bằng sữa mẹ hẳn là băn khoăn của rất nhiều mẹ bầu, nhất là những mẹ mang thai lần đầu. Từ lâu nuôi con bằng sữa mẹ đã được kiểm chứng là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và em bé. Tuy nhiên nhiều bà mẹ vẫn lo lắng khi quyết định nuôi con sữa mẹ do không có được sự chuẩn bị cần thiết khi bắt đầu hành trình này. Để chuẩn bị nuôi con bằng sữa mẹ chị em cần trang bị những thông tin sau:
Tầm quan trọng của việc chuẩn bị nuôi con bằng sữa mẹ
Việc tạo sữa để nuôi con là một quá trình hoàn toàn tự nhiên diễn ra trong cơ thể mẹ. Tuy nhiên, không ai có thể tự tin rằng mình sẽ có đủ nguồn sữa dồi dào để có thể đảm bảo cho hành trình nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 1 năm đầu đời. Thậm chí, vì không được chuẩn bị kĩ càng các kiến thức tiền sản mà mẹ cảm thấy khó khăn khi thực hiện thiên chức này.
Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ có được nguồn dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng, tăng cường hệ miễn dịch non nớt cho trẻ. Thế nhưng nhiều mẹ lại cảm thấy khá bối rối không biết mình nên chuẩn bị những gì, cần cho bú với tư thế nào là đúng và lượng bú bao nhiêu là đủ. Lời khuyên dành cho những bà mẹ đang mang thai lần đầu là hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ sản khoa, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và chủ động tìm hiểu về việc nuôi con bằng sữa mẹ qua sách vở, tài liệu càng nhiều càng tốt.
Cơ thể mỗi người mẹ luôn thay đổi sinh học để chuẩn bị cho sự ra đời của em bé sắp sinh nên việc bạn chuẩn bị kĩ càng để nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp các chị em tự tin hơn ngay sau khi lâm bồn.
Chuẩn bị gì để nuôi con bằng sữa mẹ: Tìm hiểu kiến thức
Nuôi con sữa mẹ là mẹ cho con bú trực tiếp bằng sữa sản xuất ra từ bầu ngực. Một số mẹ có thể vắt ra để nhờ người khác chăm sóc cho con bú. Để sẵn sàng nuôi con bằng sữa mẹ trước hết mẹ cần nắm vững một số nguyên tắc cơ bản. Mẹ có thể đăng ký tham gia các lớp học tiền sản, tham khảo sách báo tài liệu liên quan để có kiến thức nền tảng cho cả quá trình. Hãy tìm hiểu kỹ quy trình sữa mẹ được sản xuất và duy trì, vai trò của em bé trong giai đoạn này, các tư thế cho con bú đúng cách, lợi ích của sữa non, phòng tránh tắc tia sữa, nguyên lý hút sữa bằng máy hút và tác dụng của việc hút sữa trong duy trì nguồn sữa mẹ, v.v.
Nhờ đến sự hỗ trợ từ người khác
Bạn cũng cần biết một vài liên hệ để gọi khi cần giúp đỡ. Hãy gọi ngay từ những vấn đề nhỏ nhặt nhất để phòng ngừa những nguy cơ lớn hơn. Ngoài ra mẹ cũng cần có sự hỗ trợ hàng ngày từ gia đình và bạn bè thân thiết. Hãy để người thân của bạn có cơ hội tích lũy kiến thức và thực hành giúp đỡ một bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
Mẹ có thể suy nghĩ đến những người phụ nữ thân yêu trong cuộc đời từng trải qua thời kỳ cho con bú. Đó có thể là mẹ đẻ, mẹ chồng, một người cô dì hoặc một chị bạn thân thiết. Có thể mẹ sẽ cần họ hướng dẫn trong những lần cho bú đầu tiên hoặc chia sẻ tất tấn tật về cách ăn uống, nuôi dưỡng bản thân và em bé trong thời kỳ cho con bú.
Thông tin có thể được tìm thấy ở nhiều nguồn, tuy nhiên việc có một người tư vấn giàu kinh nghiệm bên cạnh vẫn đem lại cảm giác yên tâm hơn cả.
Trước khi bắt đầu hành trình cho con bú mẹ có thể tham khảo một số công tác chuẩn bị dưới đây:
Kiểm tra bầu vú trước khi cho con bú
Kích cỡ của bầu ngực không ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng sữa mẹ. Điều cần quan tâm ở đây là kiểm tra bằng mắt thường xem núm vú có bị tụt (núm vú tụt vào trong tuyến vú thay vì nhô ra ngoài) hay không.
Dùng ngón tay kéo phần quầng vú (phần có màu tối hơn trên bầu ngực) và kiểm tra xem núm vú có cứng lên và căng ra không hay tụt vào trong. Đồng thời kiểm tra xem núm vú của bạn thuộc dạng phẳng hay không. Nếu núm vú không dựng lên thì có thể bạn thuộc dạng vú phẳng hay đảo ngược. Lúc này bạn cần nhờ bác sỹ hoặc nữ hộ sinh sàng lọc trong lần khám tiền sản tiếp theo. Mặc dù việc này không ảnh hưởng đến khả năng nuôi con bằng sữa mẹ nhưng có thể bạn sẽ cần một số trợ giúp đặc biệt khi mới bắt đầu làm quen với việc cho con bú trong những ngày đầu em bé mới ra đời.
Hình dạng núm vú (từ trái qua: núm bình thường, núm vú phẳng, núm vú tụt)
Chuẩn bị gì để nuôi con bằng sữa mẹ: Khám sàng lọc
Hội chứng thiểu sản tuyến vú không đủ hay mô tuyến vú không đủ (IGT) thường không được phát hiện ở nhiều phụ nữ cho đến khi sinh con. Những bà mẹ mắc chứng này sẽ phát hiện em bé không tăng cân khi cho con bú trực tiếp. Hội chứng này khá hiếm và có thể nhận biết dựa trên một số dấu hiệu sau: hai bên ngực mất cân đối với tỉ lệ đáng kể (bên này lớn hơn bên kia), khoảng cách giữa hai bầu ngực khá lớn, bầu ngực có vẻ rỗng, bầu ngực không thay đổi trong thời kỳ đầu mang thai hoặc không căng sữa sau khi sinh con. Lúc này bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ chuyên khoa để được kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện hội chứng IGT.
Nếu chẳng may mắc phải vấn đề này, hãy lên kế hoạch nuôi con bằng sữa mẹ để tận dụng tối đa nguồn sữa mẹ quý giá hoặc viện tới các biện pháp thay thế như dụng cụ hỗ trợ cho con bú (có thể bổ sung thêm sản phẩm ngoài sữa mẹ hoặc không).
Dụng cụ hỗ trợ cho con bú
Trao đổi với bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ
Nếu đã từng trải qua phẫu thuật thu nhỏ kích cỡ vòng 1 hoặc phẫu thuật nào liên quan đến vùng ngực, bạn có thể cũng bị thiểu sản tuyến vú ngay cả khi trước đây chưa từng gặp phải vấn đề nào liên quan. Một số kỹ thuật phẫu thuật thu nhỏ vòng 1 hiện nay làm rỗng các mô có chức năng sản xuất sữa. Không phải ca can thiệp giảm vòng 1 nào cũng được thực hiện giống nhau. Nếu bạn có ý định thu nhỏ kích cỡ ngực, hãy nhớ trao đổi với bác sỹ chuyên khoa về ý định nuôi con bằng sữa mẹ trong tương lai và làm cách nào để không ảnh hưởng đến các mô tuyến vú phục vụ sản xuất sữa cho em bé sau này.
Trong trường hợp đã trải qua phẫu thuật và bạn không nhớ được quy trình hay công nghệ thực hiện, hãy yêu cầu bản sao báo cáo y tế để bác sỹ chuyên khoa có đầy đủ thông tin và tư vấn một cách đầy đủ và phù hợp nhất cho bạn.
Hãy thật sự hiểu bản thân
Có rất nhiều việc mẹ bầu cần chuẩn bị để bắt đầu hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, tuy nhiên hãy lưu ý một số phương pháp truyền thống từ lâu đã không còn được khuyến cáo. Đơn cử như việc dùng khăn tắm để làm cứng đầu ti. Các mẹ cũng nhớ giữ vệ sinh vùng ngực và núm vú để đảm bảo em bé có nguồn sữa an toàn.
Một gợi ý nho nhỏ cho mẹ là massage nhẹ nhàng giúp làm giảm cơn đau khó chịu do các mô tuyến vú phát triển trong thai kỳ và làm mẹ bầu thoải mái hơn trong giai đoạn cho con bú. Đây là việc quan trọng giúp “khơi thông” các ống dẫn sữa, giúp sữa mau về sau khi sinh. Hàng ngày mẹ bầu có thể xoa nhẹ nhàng theo vòng tròn từ chân ngực đến gần quầng vú, vỗ nhẹ bằng các đầu ngón tay để tăng lượng máu lưu thông.
Quá trình làm mẹ và chăm sóc em bé có thể còn nhiều ngỡ ngàng. Đừng ngần ngại tìm sự trợ giúp của gia đình và người thân cũng như tự trang bị cho bản thân những kiến thức và kinh nghiệm nuôi con sữa mẹ để em bé có được sự chuẩn bị tốt nhất trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời nhé.
Theo verywellfamily.com
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!