Cách tính liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ chính xác cần dựa vào cân nặng của con. Trọng lượng con nhân với 10gr sẽ là lượng thuốc tối thiểu và nhân với 15mg để ra được lượng thuốc hạ sốt tối đa con có thể dùng một lần. Để biết chi tiết mời các bạn theo dõi bài viết qua các chủ đề sau:
- Trẻ sơ sinh nóng bao nhiêu độ là sốt?
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt vào thời điểm nào là hợp lý và an toàn?
- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol quá liều lượng?
- Công thức – dụng cụ tính liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ
- Những lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ
- Khi nào trẻ cần đến bác sĩ
Trẻ sơ sinh nóng bao nhiêu độ là sốt?
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân – Bác sĩ Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, thân nhiệt trẻ sơ sinh khỏe mạnh dao động từ 36,8 – 37,3°C. Nhiệt độ đo vào buổi chiều thường cao hơn buổi sáng khoảng 0,5 độ.
Trả lời cho câu hỏi “Trẻ sơ sinh nóng bao nhiêu độ là sốt?”, các bác sĩ cho biết trẻ sơ sinh bị sốt là khi:
- Nhiệt độ ở trực tràng (hậu môn) > 100,4oF (38°C);
- Nhiệt độ miệng > 99,5oF (37,5°C);
- Nhiệt độ nách > 99oF (37,2°C);
- Nhiệt độ tai > 100,4oF (38°C)
Đối với bé sơ sinh thì đo nhiệt độ hậu môn hoặc ở tai là chính xác nhất, nhưng khi đo ở nách thì lại đơn giản nhất nên được nhiều người áp dụng.
Trẻ sơ sinh sốt cao là khi thân nhiệt từ 39 – 40°C, nếu trên 40,5°C thì là một cấp cứu y tế đối với trẻ vì sốt cao như thế này dễ dẫn đến co giật. Tuy nhiên đối với trẻ đã có tiền căn co giật thì ngưỡng sốt gây co giật có thể thấp hơn, có thể chỉ cần sốt < 38°C cũng có nguy cơ co giật.
(Nguồn ảnh: iStock)
Xem ngay >>>>>
Làm gì khi trẻ bị sốt cao. Hướng dẫn hạ sốt đúng cách
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt vào thời điểm nào là hợp lý và an toàn?
Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc hạ sốt? Khi trẻ bị sốt, bố mẹ cần lưu ý về mức độ cơn sốt và nhiệt độ cơ thể của bé. Hãy sử dụng cặp nhiệt độ để kiểm tra thân nhiệt của bé trước khi quyết định cho con uống thuốc hạ sốt.
- Nếu dưới 38,5 độ C thì bé mới chỉ bị sốt nhẹ và cơ thể đang trong quá trình chống chọi với các phản ứng sinh học bất lợi. Lúc này, bố mẹ nên cho bé mặc quần áo thuốc mát, uống nhiều nước và các loại chất lỏng như súp, nước hoa quả… cũng như lau người để giúp con hạ sốt.
- Khi bé sốt từ 38,5 độ C trở lên, lúc đó mới cần cho bé uống thuốc hạ sốt.
Tuy vậy, việc uống thuốc hạ sốt cũng khiến trẻ có nhiều nguy cơ rủi ro, đặc biệt nếu bé uống không đủ liều lượng hoặc quá liều lượng cho phép.
Dù là con được uống thuốc hạ sốt theo cách nào đi chăng nữa thì điều này cũng đều không hoàn toàn có lợi cho sức khỏe của trẻ. Mẹ nhất thiết phải học cách tính liều thuốc hạ sốt cho bé.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trẻ “bị” uống thuốc hạ sốt paracetamol quá liều lượng?
Hiện nay Paracetamol được xem là loại thuốc hạ sốt hiệu quả nhất, có paracetamol cho trẻ em. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cảnh bảo rằng, việc sử dụng thuốc không đúng liều lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan của trẻ và tỉ lệ rủi ro ngày càng gia tăng hàng năm.
Đó cũng là vì loại thuốc này vô cùng phổ biến. Nhiều bố mẹ chủ quan mà cho rằng, chỉ là thuốc hạ sốt paracetamol. Nhưng trên thực tế, loại thuốc nào cũng là con dao hai lưỡi, vừa lợi mà vừa hại. Do đó, sử dụng đúng liều lượng là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của một em bé.
Triệu chứng khi trẻ uống paracetamol quá liều:
- Trường hợp 1: Bé bỏ bú, chán ăn, buồn nôn và đau bụng, có thể hôn mê, suy nhược cơ thể trong vòng 24 h từ sau khi dùng quá liều
- Trường hợp 2: Bé sẽ bị kích động và mê sảng, bị hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh và nông; mạch nhanh, yếu, không đều, huyết áp thấp và suy tuần hoàn. Các dấu hiệu này xảy ra từ 24-72h sau khi dùng quá liều
- Trường hợp 3: Trẻ bị tăng men gan nhanh chóng, nếu kéo dài sẽ gây tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí tử vong khi không can thiệp kịp thời từ 72-96h sau khi dùng thuốc quá liều
Công thức – dụng cụ tính liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ
Các loại dụng cụ để đong lượng thuốc hạ sốt, cũng như cách tính liều lượng thuốc theo cân nặng.
- Thìa cà phê. Thường được để sẵn trong hộp thuốc hạ sốt với vạch đo tiêu chuẩn. Tuyệt đối không sử dụng loại thìa cà phê nấu ăn để mang ra đong đo thuốc cho trẻ vì liều lượng thuốc có thể bị sai lệch, dẫn đến hậu quả là trẻ bị uống thuốc quá mức cho phép hoặc uống quá ít so với chỉ dẫn.
- Vì vậy, bố mẹ cần ghi nhớ, 1 thìa cà phê bằng 5cc hay 5 ml thì cần đong cho đầy vạch trên cùng của thìa. Nếu nửa thìa cà phê thì bằng 2,5 ml hay 2,5cc nhưng chỉ đong đến vạch giữa của thìa mà thôi.
- 1 thìa canh theo tiêu chuẩn bằng 15cc hay 15ml: Lưu ý là bố mẹ tuyệt đối không dùng thìa canh nấu ăn thông thường để đong đo lượng thuốc cho trẻ uống.
- Cốc đong thuốc: Là dụng cụ có sẵn vạch chỉ số nêu rõ lượng ml thuốc.
- Loại xi lanh nhựa (không có đầu kim) cũng là một trong các dụng cụ giúp bố mẹ đong đo lượng thuốc hạ sốt một cách dễ dàng với 3 mức chính là 3ml, 5ml và 10ml.
- Ống uống thuốc: Loại dụng cụ để đong đo liều lượng thuốc ở mức rất ít, thường không quá 1ml.
(Nguồn ảnh: iStock)
Xem ngay >>>>>
Các bước sơ cứu khi trẻ bị sốt co giật mà cha mẹ cần biết
Cách tính hàm lượng thuốc như sau:
- Bé có thể uống tối thiểu … cân nặng x10mg= lượng thuốc
- Và được uống tối đa … cân nặng x 15mg = lượng thuốc
Ví dụ bé nặng 10kg. Vậy con được uống tối thiểu 10kgx10ml=100mg và tối đa là 10kgx15mg=150mg
Như vậy trẻ có thể uống liều lượng thuốc giảm sốt từ 100mg-150mg/lần.
Theo cách tính hàm lượng thuốc hạ sốt cho trẻ, mẹ cần lưu ý thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng giảm sốt chứ không thể chữa khỏi bệnh cho bé. Nghĩa là thuốc chỉ có tác dụng giúp thân nhiệt của trẻ hạ trong vòng 4-6 tiếng. Hết thời gian này nếu nguyên nhân gây ra cơn sốt của trẻ vẫn còn thì con sẽ lại tiếp tục bị sốt.
Những lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ
Bác sĩ Vũ Quốc Ánh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng lưu ý phụ huynh khi hạ sốt cho trẻ cần lưu ý như sau:
- Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi bé sốt cao trên 38 độ C
- Không cho trẻ dùng aspirin vì có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng
- Liều lượng thuốc được tính theo cân nặng, không tính theo tuổi
- Không được kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cho trẻ vì sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa…
- Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào cho trẻ cần xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý dùng thuốc
- Khi trẻ không còn triệu chứng sốt thì cần ngưng sử dụng thuốc.
(Nguồn ảnh: iStock)
Khi nào trẻ cần đến bác sĩ?
Nếu sau khi đã lau người, uống thuốc hạ sốt đã đủ liều lượng cho phép (4-6 tiếng/lần) nhưng trẻ vẫn sốt kéo dài (từ 2 ngày trở lên) thì nên mau chóng dẫn bé đi khám.
Ngoài sốt, nếu thấy bé có các biểu hiện khác đi kèm như nôn mửa, người mẩn đỏ, đau bụng, đau đầu, con lờ đờ, không chịu ăn uống bất kỳ thứ gì thì cũng cần cho bé đi khám càng sớm càng tốt.
Khi chăm trẻ ba mẹ có thể sẽ gặp trường hợp trẻ sốt cao và cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Khi đó cách tính liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ là rất quan trọng nhằm tránh tình trạng quá liều, dư liều gây ra các tác động phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, vậy nên ba mẹ cần lưu ý:
- Cho trẻ uống thuốc dựa trên cách tính của bác sĩ và dụng cụ đo lường được chỉ định
- Trao đổi kỹ với bác sĩ về cách dùng và liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ
- Không sử dụng các dụng cụ đo lường không đi kèm với đơn thuốc hoặc khuyến cáo không nên sử dụng
- Quan sát kĩ các triệu chứng của trẻ trước và sau khi uống thuốc hạ sốt đồng thời đến bác sĩ ngay khi trẻ có hiện tượng lạ
Như vậy, 3 điều quan trọng cơ bản mà bố mẹ cần ghi nhớ khi chăm sóc trẻ bị sốt là cho con uống thuốc hạ sốt vào thời điểm nào, liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ em bao nhiêu và cách tính liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ thật chính xác để tránh gây ra các tác dụng phụ của thuốc hạ sốt.
Nguồn tham khảo: Những lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsiaparentVietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác !
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!