Có cách dạy trẻ lì lợm nào hiệu quả không? Mỗi ngày thực sự là một cuộc chiến không hồi kết với các bậc cha mẹ khi sống chung với một đứa trẻ lì lợm. Thực hiện những hoạt động hết sức bình thường như đi tắm, ăn cơm hay đi ngủ cũng là những thử thách không hề dễ dàng.
Trẻ lì lợm có thể do bản tính hoặc để thể hiện sự chống đối với cha mẹ. Cách tốt nhất là bố mẹ phải thật sự kiên nhẫn, giữ bình tĩnh để nói không với đòn roi nhưng cũng phải cứng rắn vừa đủ để phớt lờ những “yêu sách” của trẻ và động viên, khen ngợi trẻ khi cần.
Cách dạy trẻ lì lợm trước tiên là tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi
Theo một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, một số đứa trẻ lì lợm, bướng bỉnh là do bản tính bẩm sinh của chúng. Những đứa trẻ có tính cách lì lợm thực ra lại là những đứa trẻ rất thông minh và sáng tạo. Chúng cũng có chính kiến riêng rất mạnh mẽ nên thường gặp khó khăn trong việc tuân theo lời ngưởi khác. Trường hợp này bạn cần khéo léo tìm hiểu để dung hòa và điều chỉnh tính cách cho trẻ.
Ngoài ra, các nguyên nhân khiến con cái lì lợm là do:
• Thái độ bướng bỉnh là cách để trẻ dò xét ranh giới quyền hạn của mình khi làm hoặc không làm điều gì đó.
• Một số trẻ tỏ ra bướng bỉnh bởi chúng thèm được chú ý, quan tâm. Với những đứa trẻ này, cha mẹ cần chú ý dành nhiều thời gian hơn để thấu hiểu nhu cầu cũng như tâm sinh lý để trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm từ cha mẹ.
Thực sự lắng nghe để thấu hiểu là nền tảng của cách dạy trẻ lì lợm
Nếu cha mẹ muốn con nghe lời, trước tiên cha mẹ cũng cần phải thực sự lắng nghe con. Những đứa trẻ có tính cách lì lợm thường có xu hướng tranh luận và phản kháng lại thay vì ngoan ngoãn vâng lời, vì vậy chúng sẽ càng trở nên bất chấp nếu chúng không cảm thấy được lắng nghe.
Bí quyết ở đây là bạn hãy lắng nghe và trò chuyện thẳng thắn với con về điều chúng muốn. Ví dụ khi trẻ nhất định không ăn cơm, thay vì nổi giận và quát mắng thì bạn hãy nhẹ nhàng hỏi vì sao trẻ không muốn ăn. Đôi khi nguyên nhân chỉ rất đơn giản như bé không thích ăn cà rốt hoặc bé cảm thấy nhức đầu, đau bụng.
Đặt mình vào vị trí của con và không áp đặt là cách dạy trẻ ngang bướng hiệu quả
Không chỉ riêng trẻ nhỏ mà hầu hết bản năng tự nhiên của con người là không thích phải làm theo sự ra lệnh của người khác. Bạn có nhận ra rằng những đứa trẻ luôn tự giác vì chúng không bao giờ bị cha mẹ nhắc nhở hay ra lệnh?
Việc cha mẹ luôn áp đặt hoặc nuôi dạy con độc tài được xem như việc làm phản tác dụng vì chỉ khiến trẻ bộc lộ hành vi chống đối nhiều hơn. Ngoài ra, bất cứ khi nào trẻ có hành vi tự giác bạn cần phải dành nhiều lời khen để trẻ cảm thấy được nhìn nhận và có động lực.
Khi con bạn khăng khăng đòi xem tivi khi đã đến giờ đi ngủ, thay vì bắt trẻ phải tắt tivi ngay, bạn hãy ngồi cùng con và tìm hiểu chương trình tivi con đang thích. Khi trẻ cảm nhận được sự quan tâm từ cha mẹ, trẻ sẽ có khả năng cao nghe lời hơn thay vì phản kháng lại.
Cho trẻ các lựa chọn khi trẻ thể hiện hành vi cứng đầu, khó bảo
Đứa trẻ có tính cách lì lợm sẽ không bao giờ gọi dạ bảo vâng ngoan ngoãn như những đứa trẻ khác. Vì vậy, bố mẹ phải có phương pháp đặc biệt hơn để “trị” những đứa trẻ này. Khi bạn muốn trẻ lên giường đi ngủ, thay vì quát tháo bảo trẻ phải đi ngủ ngay, bạn hãy bắt đầu đưa ra các lựa chọn khác nhau cho trẻ.
Ví dụ, bạn có thể hỏi: “Con thích mẹ đọc truyện Lọ Lem hay Bạch Tuyết cho con trước khi đi ngủ?”. Bằng cách này, trẻ sẽ cảm thấy mình có vị thế và ý kiến của trẻ có giá trị dù lựa chọn là do bạn đưa ra.
Luôn tôn trọng và không đánh mắng để làm gương cho con
Thay vì “thương cho roi cho vọt”, cha mẹ hãy biến ngôi nhà trở thành một nơi ấm áp, thoải mái và hạnh phúc cho con. Tâm lý trẻ nhỏ có xu hướng bị ảnh hưởng xấu nếu xung quanh trẻ cha mẹ hay cãi vã hoặc quát tháo, la mắng.
Kỷ luật khi trẻ hư là cần thiết, nhưng cha mẹ càng cần chú ý đến thái độ. Kiên nhẫn chỉ ra cho con hiểu tầm quan trọng của các quy tắc và trách nhiệm phải tuân thủ sẽ có hiệu quả hơn là chỉ áp đặt và ra lệnh.
Không chỉ vậy, người lớn chính là tấm gương phản ánh của trẻ con. Do đó chính cha mẹ cũng phải học cách giữ bình tĩnh và kiềm chế cơn nóng giận để không bị cuốn theo và làm gương cho con.
Một số mẹo và bí quyết đơn giản để “trị” một đứa trẻ cứng đầu
Làm sao để trẻ lì lợm tự giác ăn khi đến bữa?
Thay vì để giờ ăn trở thành cực hình cho cả bạn lẫn bé, hãy biến nó trở nên thật vui vẻ!
• Trang trí bàn ăn hoặc món ăn của bé thật sinh động và vui nhộn (Mẹ có thể tham khảo trên mạng, không khó chút nào mà lại cực kỳ hiệu quả).
• Chia nhỏ các thành phần và khuyến khích bé thử. Bé sẽ có cảm giác thích thú và khẩu phần nhỏ nên bé cũng dễ ăn hết mà không bỏ mứa.
• Đặt ra phần thưởng để động viên bé là bánh ngọt hay cốc kem tráng miệng nếu bé ăn hết.
Phạt trẻ lì lợm thế nào để không phản tác dụng?
Mềm mỏng và kiên nhẫn là tốt, nhưng cha mẹ cũng cần nghiêm khắc để trẻ hiểu được tầm quan trọng của quy tắc, luật lệ và hậu quả phải nhận nếu trẻ không vâng lời.
Phạt trẻ là một hình thức không thể thiếu của kỷ luật, nhưng cha mẹ cần nhớ mục đích sau cùng không phải là trừng phạt mà là để trẻ hiểu hành vi của mình là sai. Vì vậy, thay vì trừng phạt cứng nhắc, bạn hãy sáng tạo các hình thức khác thú vị và hiệu quả hơn như:
• Trong thời gian trẻ bị phạt, hãy khuyến khích trẻ làm những món đồ sáng tạo như làm vòng hoa khô treo trước cửa phòng, vẽ tranh trang trí hay làm món đồ handmade nào đó.
• Đây là cơ hội tốt để dạy bé trách nhiệm và tự lập khi yêu cầu bé thực hiện các công việc nhà như lau nhà, gấp quần áo, sắp xếp bàn ăn hay tưới cây.
Nuôi dạy trẻ con đã khó, với một đứa trẻ lì lợm, bướng bỉnh càng đòi hỏi thật nhiều kiên nhẫn, tình yêu và sự cố gắng từ các bậc cha mẹ. Nhưng chỉ cần nắm rõ các nguyên tắc đúng đắn để dạy con thì chắc chắn bạn sẽ nuôi dạy được những đứa trẻ ngoan ngoãn và đáng yêu đấy.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!