Cách chữa nứt cổ gà hiệu quả là mẹ cần điều chỉnh lại cách cho bé bú và chăm sóc đầu ti thật cẩn thận theo những hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa dưới đây.
Vì sao mẹ bỉm dễ bị nứt cổ gà?
Không ít các mẹ đang trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ đã khổ sở vì gặp phải tình trạng này. Đầu ti đau nứt, sưng đỏ. Mỗi lần cho con bú quả thực là giây phút “cực hình” vì vừa phải cắn răng chịu đau mà vẫn không dám kêu ca gì.
Nếu mẹ nhận thấy bầu ngực của mình có các biểu hiện như bắt đầu xuất hiện các vết nứt nhỏ và đau nói trên thì cần phải hết sức chú ý vì điều này cho thấy mẹ đang chưa cho bé bú đúng cách.
Khi bé sơ sinh không ngậm trọn hết cả quầng vú mà chỉ mớm hời hợt vào núm vú thì kéo theo hệ quả là mỗi lần con mút, núm vú sẽ bị kéo, giật mạnh. Từ đó dẫn đến hiện tượng “nứt cổ gà”.
Cách chữa nứt cổ gà hiệu quả dành cho mẹ bỉm sữa
Trước khi tìm cách chữa trị tình trạng này, mẹ cần nhận thức được nguyên nhân chính của vấn đề nứt cổ gà là do bé bú sai cách.
Do đó, để những đau đớn này sớm qua đi cũng như hình ảnh bị nứt cổ gà không còn là nỗi ám ảnh của các mẹ, mẹ nên thực hiện theo các bước sau:
1. Rèn bé bú đúng cách
Trước tiên, mẹ cần điều chỉnh cách bế bé khi bú sao cho đúng tư thế, tốt nhất là dựa vào thành giường hoặc ghế ngồi thoải mái.
Sau đó, trợ giúp bé ngậm khớp vú theo các bước:
- Cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía với bầu ngực đó để đỡ bé
- Đảm bảo 3 điểm: Đầu – lưng – mông bé nằm trên một đường thẳng và bé nằm nghiêng mình đối diện với bầu ngực của mẹ sao cho bụng bé chạm bụng mẹ, mặt bé chạm ngực mẹ
- Đưa đỉnh ti chạm môi trên của bé, nếu bé sẳn sàng để bú, bé sẽ há miệng rộng (lưỡi bé lè dài ra phía trước)
- Một bàn tay mẹ đỡ cổ bé, để đầu bé ngửa ra thoải mái, cằm bé tựa bầu vú mẹ (phần dưới)
- Bàn tay kia tạo thành chữ C, ngón tay cái ấn nhẹ phía trên để hướng đỉnh ti lên phía môi trên của bé
- Đặt môi dưới của bé vào mép dưới của quầng vú (khoảng 1.5cm từ chân ti) cho bé bắt đầu ngậm từ môi dưới
- Đỉnh đầu ti lọt qua môi trên vào miệng bé, bé sẽ tự động ngậm được sâu và chắc
Mẹ có thể tham khảo thêm video hướng dẫn cách ngậm khớp vú chuẩn của Bệnh viện Từ Dũ
2. Luôn luôn vệ sinh đầu ti của mẹ thật sạch sẽ
Khi bị nứt cổ gà, đầu ti người mẹ có thể chảy máu, nhiễm trùng hoặc thậm chí mưng mủ. Nếu tiếp tục cho bé bú với đầu ti như vậy thì không những ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ mà còn gây mất vệ sinh cho em bé.
Chính vì vậy, điều quan nhất là mẹ luôn phải chăm sóc đầu ti đúng phương pháp theo hướng dẫn của các chuyên gia nhi khoa bằng cách:
- Mỗi lần bé bú xong, mẹ vắt một chút sữa lên núm vú và quầng sẵn xung quanh núm để bảo vệ da. Đợi núm vú khô rồi mới mặc lại áo ngực
- Vệ sinh bầu ngực bằng nước sạch, tránh bôi trực tiếp sữa tắm, xà phòng lên đầu vú
- Có thể dùng nước muối sinh lý lau bầu ngực và đầu ti bằng bông tẩy trang hoặc khăn xô sạch
Nếu nứt cổ gà nhiều và quá đau thì người mẹ nên tạm dừng cho con bú. Thay vào đó mẹ có thể vắt ra cho bé bú bình.
Mẹ đang cho con bú dùng thuốc bôi nứt cổ gà được không và cần lưu ý những gì?
Khi tình trạng bệnh lý không quá nghiêm trọng, mẹ bỉm hoàn toàn có thể sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da để dưỡng ẩm và giúp vết thương mau lành, cũng như trị nứt cổ gà chẳng hạn như:
- Mỡ lông cừu (Medela) có công dụng làm sạch vết thương, làm mềm da và đặc biệt không độc hại
- Kem chống hăm dành cho em bé là loại thuốc rất hữu hiệu có thể giúp mẹ chữa chứng bệnh nứt cổ gà
Trường hợp đầu ti nứt quá nhiều, sưng mủ kèm theo sốt thì người mẹ nên đi khám để có hướng điều trị kịp thời.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!