Trẻ sơ sinh bị ốm phải làm sao? Trước tiên mẹ phải bắt kịp các tín hiệu bất thường về sức khỏe của bé, cung cấp đủ nước và cho trẻ nghỉ ngơi trong không gian thoáng đãng…
Nội dung bài viết:
- Bắt kịp các tín hiệu bất thường của trẻ
- Làm gì khi bé bị sốt?
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể bé
- Cho bé nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, thoáng mát
- Cẩn trọng với vi khuẩn gây bệnh
- Chăm sóc trẻ sơ sinh bị nôn ói
- Làm gì khi con bị tiêu chảy?
- Khi nào thì nên khám bác sĩ?
- Có nên tắm cho trẻ đang bị ốm?
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị ốm tốt nhất là mẹ phải bắt kịp tín hiệu bất thường của trẻ
Nhiệt độ trung bình của một em bé sơ sinh sẽ ở tầm 36,5-37,5 độ C, cao hơn so với người lớn. Khi bé bị sốt, điều cần thiết là mẹ phải quan sát các biểu hiện của bé để đánh giá tình trạng sức khỏe trẻ kịp thời. Khi nào thì mẹ chỉ cần chăm sóc bé đúng cách ở nhà là đủ và khi nào thì cần cho bé đi khám càng sớm càng tốt.
Quấy khóc là dấu hiệu trẻ sơ sinh ốm (Nguồn ảnh: Unsplash)
Con có thể bắt đầu bằng triệu chứng quấy khóc, bỏ ăn và sốt. Nếu thấy bé người hâm hấp, thay vì chỉ sờ đầu thì mẹ nên cặp nhiệt độ cho bé ngay.
Khi sốt, cơ thể con sẽ ra nhiều mồ hôi và làm giảm nhiệt độ vùng da có mồ hôi. Do đó, trước khi đo nhiệt độ ở nách mẹ cần lau khô vùng này để xác định chính xác nhiệt độ của trẻ.
Mẹ có thể quan tâm:
Bé ốm nên ăn gì? Mẹ nên lưu ý những gì khi chăm sóc trẻ bị ốm?
Trẻ sơ sinh bị sốt – Việc đầu tiên mẹ cần làm là gì?
Nguyên tắc khi mới bị sốt là mạch máu sẽ co lại để nhiệt độ cơ thể cao lên. Mẹ sẽ thấy sắc mặt bé nhợt nhạt và chân tay lạnh.
Nếu con có biểu hiện lạnh run, nổi da gà thì cần giúp bé giữ ấm nhiệt độ thân người trước. Sau đó, khi cơn sốt cao dần, mặt bé đỏ gay và ra mồ hôi chính là lúc mẹ cần mặc cho bé quần áo thoáng mát. Thực hiện lau người bằng nước âm ấm hoặc nước nhiệt độ phòng. Lau kĩ tại các vùng cơ thể co gấp lại như nách, khuỷu tay, cổ, khuỷu chân, bẹn.
Đo thân nhiệt đúng cách cho trẻ (Nguồn ảnh: theAsianparent)
Trẻ sơ sinh bị ốm phải làm sao – Cung cấp đủ nước cho bé
Khi trẻ sốt trong một thời gian nhất định, cơ thể sẽ mất đi một lượng nước và muối khoáng thông qua đường bài tiết của mồ hôi, khiến trẻ rất dễ rơi vào trạng thái mất nước nguy hiểm.
Mẹ cần kịp thời bổ sung lại lượng chất lỏng này thông qua sữa mẹ, sữa công thức, nước hoa quả (đặc biệt là nước cam pha loãng), súp, nước lọc và nước điện giải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Tuyệt đối không cho bé uống nước điện giải của người lớn, nước hoa quả đậm đặc, quá nhiều đường, …
Khi trẻ bị ốm cũng là lúc con thường bỏ bú, bỏ ăn. Lúc này mẹ đừng vội ép bé phải cố ăn như lượng bình thường. Thay vào đó, nếu con không chịu bú hoặc ti bình thì mẹ có thể đổi bằng cách bón thìa và chia ra làm nhiều lần để giúp con tránh được tình trạng nôn ói.
Trong một số trường hợp, trẻ hạ sốt rồi có thể lại bị sốt cao trở lại. Mẹ cần tiếp tục theo dõi các biểu hiện. Nếu con:
- Bị sốt trong giai đoạn 0-3 tháng tuổi
- Mệt mỏi, chán ăn kéo dài
- Không hề muốn uống nước
- Sốt kéo dài từ 3 ngày trở lên
Trường hợp này mẹ nên cho bé đi khám là tốt nhất.
Cho trẻ sơ sinh bị ốm được nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, thoáng mát và sạch sẽ
Điều quan trọng khi chăm trẻ bị ốm chính là đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm phòng ngủ của bé luôn ổn định (tầm 25-28 độ C).
Bé cần được nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh để cơ thể phục hồi nhanh chóng hơn. Mẹ cần kiểm tra người bé thường xuyên để nếu thấy mồ hôi ra nhiều thì nên thay quần áo cho bé ngay.
Cho trẻ nghỉ ngơi trong môi trường thông thoáng (Nguồn ảnh: unsplash)
Trẻ sơ sinh bị ốm phải làm sao – Cẩn trọng với vi khuẩn gây bệnh trên quần áo và bỉm tã của con
Vi khuẩn gây bệnh thường dễ dàng lây lan. Do đó, sau khi thay quần áo, tã bỉm của con, mẹ cần giặt sạch sẽ và xử lý các vết phân, nước tiểu, nôn trớ thật sạch sẽ. Mở cửa phòng cho thông thoáng, để ánh sáng tràn vào phòng thường xuyên sẽ giúp diệt khuẩn hiệu quả.
Trước khi bế bé hoặc tiếp xúc với trẻ, bố mẹ nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thật sạch sẽ. Bé bị sốt vẫn cần được tắm rửa hoặc lau người sạch sẽ vào cuối ngày.
Mẹ có thể quan tâm:
Cách trị mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị nôn ói nên như thế nào?
Trước tiên mẹ cần thay quần áo, ga giường nơi bé nằm có dính vết nôn. Tiếp đó dùng khăn xô lau sạch miệng và khoang miệng, lưỡi cho bé. Cách này sẽ giúp con dễ chịu hơn.
Nhằm đề phòng con bị ngạt thở do nôn trớ, mẹ nhớ tuyệt đối không cho bé nằm ngửa mà phải nằm nghiêng một lúc.
Bác sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nhật An – Giám đốc Trung tâm Nhi kiêm trưởng khoa nội trú Nhi – Trung tâm Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City khuyên mẹ khi trẻ bị nôn trớ không được tự ý cho trẻ dùng thuốc mà không có ý kiến bác sĩ, đồng thời để phòng tránh hiện tượng này, ba mẹ nên:
- Không cho trẻ ăn quá no, sau khi ăn trẻ cần được vỗ ợ hơi và không nên cho trẻ ngủ luôn
- Không bế xốc trẻ hoặc nô đùa khi bé vừa ăn no
- Massage hàng ngày cho trẻ để tăng nhu động ruột, góp phần giảm chướng bụng và nôn trớ
- Không cho trẻ ăn các bữa quá gần nhau.
Con bị tiêu chảy, mẹ cần chăm sóc bé như thế nào?
Sau mỗi lần bé đi xong, mẹ cần rửa vùng mông và đít bằng xà phòng diệt khuẩn thật sạch sẽ. Lau không thôi chưa đủ để giúp con diệt khuẩn.
Nếu bé vẫn chịu ăn uống, mẹ nên cho bé bù lại lượng nước đã mất bằng sữa hoặc các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu.
Trường hợp nào mẹ cần cho bé đi khám ngay lập tức?
Các dấu hiệu như bé đi tiểu rất ít hoặc không đi tiểu, bé có biểu hiện mệt và lờ đờ cho thấy trẻ có thể ở tình trạng nguy hiểm. Mẹ cần cho con đi khám càng sớm càng tốt để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Có nên cho trẻ sơ sinh bị ốm đi ra ngoài dạo chơi cho thoáng mát không?
Mặc dù con đã hạ sốt nhưng cơ thể vẫn mệt mỏi thì tốt nhất nên để con nghỉ ngơi ở trong nhà và hạn chế để bé hoạt động quá sức trong vòng 2-3 ngày hoặc cho đến khi nào bé vui vẻ, hoạt bát trở lại.
Chăm sóc đúng cách để bé nhanh khỏe (Nguồn ảnh: unsplash)
Có nên tắm cho trẻ khi đang bị ốm không?
Khi mẹ thấy bé có biểu hiện quấy khóc, lờ đờ thì chỉ nên dùng khăn xô mềm lau người bằng nước ấm cho bé là đủ.
Ngược lại, con vẫn vui vẻ, ăn uống được thì có thể tắm qua cho bé nhưng tuyệt đối không để trẻ ngâm mình trong nước nóng lâu vì sẽ khiến con dễ bị tiêu hao năng lượng và mệt thêm.
Theo theAsianparent Singapore
Nguồn tham khảo: Xử trí và chăm sóc trẻ sơ sinh bị nôn trớ – Vinmec
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!