Cách trị mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh cần dựa trên việc tìm hiểu, xem xét các nguyên nhân khiến trẻ bị đổ mồ hôi sinh lý hoặc bệnh lý theo các hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa dưới đây.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Có cần lo lắng khi thấy trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm không?
Với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm chăm con, ắt hẳn sẽ cảm thấy hoảng hốt khi phát hiện ra rằng em bé sơ sinh của mình mồ hôi đầy đầu, cổ, lưng và thậm chí cả ở chân tay.
Tuy nhiên, hầu như các chuyên gia nhi khoa cho rằng, đổ mồ hôi ở trẻ sơ sinh vào ngày hoặc đêm là điều hoàn toàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không chỉ có trẻ sơ sinh mà ngay cả trẻ lớn tuổi hoặc thậm chí người lớn như các bà mẹ sau sinh cũng có thể gặp phải.
Với các bé sơ sinh, khi cơ thể con còn quá non nớt, quá trình trao đổi nhiệt lại mạnh hơn người lớn, đồng thời ở những năm đầu đời trẻ vẫn đang học cách tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể để thích hợp với môi trường sống. Vì những lý do cơ bản này mà trẻ thường đổ mồ hôi nhiều hơn ở các bộ phận như đầu, lưng (nơi tuyến mồ hôi hoạt động mạnh), hoặc chân, tay, …
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Đổ mồ hôi trộm là tình trạng có thể gặp ở một số trẻ. Mồ hôi thường xuất hiện ở vùng lưng, trán, háng, nách, lòng bàn tay, bàn chân mặc dù thời tiết không nóng và trẻ cũng không đang hoạt động nhiều.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể gặp phải là do yếu tố sinh lí, quá trình trao đổi chất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ diễn ra mạnh mẽ hơn so với người lớn nên trẻ thường đổ mồ hôi nhiều hơn. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, việc trẻ đổ mồ hôi trộm là dấu hiệu gặp phải ở trẻ thiếu canxi, có thể đi kèm các triệu chứng của bệnh còi xương như rụng tóc hình vành khăn, thóp chậm liền, xương đầu to, ngực nhô hình ức gà, chân vòng kiềng. Đồng thời, nếu đổ mồ hôi trộm do bệnh lí, trẻ sẽ giật mình, quấy khóc liên tục khi ngủ.
Cách trị mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh do các yếu tố tác động bên ngoài
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, để khắc phục tình trạng đổ mồ hôi trên, cha mẹ nên giữ nhiệt độ phòng thoáng mát, cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, không nên đắp quá nhiều chăn khi ngủ. Đổ mồ hôi trộm là tình trạng sinh lí có thể gặp ở trẻ, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của trẻ, vì vậy cha mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé đổ mồ hôi nhiều, quấy khóc liên tục kèm các triệu chứng trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ phù hợp.
Bé ra mồ hôi khi khóc
Trẻ thường ra rất nhiều mồ hôi nếu bé khóc quá lâu và dai dẳng. Trước tiên ba mẹ cần tìm hiểu xem bé khóc vì lý do gì, mình có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu của bé như con đói nên cần được ăn, bỉm bé ướt, nặng mùi, … Hoặc trong trường hợp bé đang tập giãn cữ hay luyện ngủ thì ba mẹ cũng nên hết sức lưu ý vấn đề là cần lau mồ hôi cho trẻ ngay để mồ hôi không thấm ngược trở lại, khiến trẻ dễ bị cảm lạnh.
Trẻ bú mẹ
Trong quá trình bú, trẻ cần rất nhiều năng lượng để hoạt động. Vì vậy mà con sẽ ra khá nhiều mồ hôi ở đầu và ở lưng. Do đó khi cho bé bú mẹ hoặc bú bình, mẹ nên chuẩn bị sẵn một chiếc khăn xô vắt bên vai. Ngay khi thấy bé có dấu hiệu rịn mồ hôi thì giúp bé lau luôn, đảm bảo đầu và lưng con luôn khô ráo.
Với các bé nằm bú mẹ về đêm, dù là thời tiết mát mẻ, thậm chí mùa đông, trẻ vẫn có thể đổ mồ hôi trộm. Mẹ nên kiểm tra thường xuyên để nhanh chóng lau người cho con hoặc nếu cần thì thay quần áo mới cho bé, để con luôn được thoải mái, khô người trong khi bú.
Điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ – Cách trị mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ quá nóng không những khiến trẻ đổ mồ hôi trộm mà đây còn được xem là một trong các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đột tử ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là với các bé dưới 6 tháng tuổi. Chính vì lý do này mà cha mẹ khi chăm sóc bé sơ sinh nên lưu ý đến nhiệt độ phòng để nơi ở của bé luôn trong trạng thái mát mẻ, thông thoáng.
Mặc quần áo cho bé đúng cách
Bé cần được mặc các chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt và số lớp quần áo theo đúng lứa tuổi (trẻ sơ sinh tháng đầu mặc nhiều hơn người lớn 1 lớp quần áo, từ các tháng sau trở đi thì mặc bằng số lớp quần áo như ba mẹ).
Bổ sung thêm vitamin D3 cho bé để trị mồ hôi trộm
Trong một vài trường hợp, hiện tượng đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh còn liên quan đến hiện tượng thiếu hụt vitamin D3 do đây là giai đoạn hệ cơ xương đang phát triển mạnh. Việc thiếu vitamin D3 thường được xem là một trong các nguyên nhân chính gây ra chứng mồ hôi trộm bệnh lý, khiến trẻ ngủ không ngon giấc, khó chịu, hay giật mình quấy khóc về đêm.
Bởi vậy, ba mẹ cần lưu ý bổ sung vitamin D3 để phòng ngừa cũng như điều trị các trường hợp thiếu vitamin D3, trong đó có triệu chứng đổ mồ hôi trộm về đêm bằng các cách như sau:
- Thường xuyên cho bé ra ngoài trời, tiếp xúc với ánh nắng vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
- Nếu trẻ đã bắt đầu ăn dặm thì có thể bổ sung thông qua thực phẩm như các loại cá, nấm, lòng đỏ trứng, …
- Cho bé sử dụng vitamin D bổ sung bằng dạng nhỏ giọt hoặc xịt, …
Khi ba mẹ đã áp dụng cách trị mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh như trên nhưng bé vẫn có biểu hiện ra nhiều mồ hôi cùng các dấu hiệu về sức khỏe như thở hổn hển, khò khè trong khi ngủ, trẻ không tăng cân, con có vấn đề về ăn uống, bé ngáy nhiều và to, hay nghiến răng, … thì ba mẹ nên đưa con đi khám để có hướng điều trị kịp thời.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!