Những cách bế trẻ 4 tháng tuổi đơn giản cho các cặp đôi lần đầu làm bố mẹ là: giữ tự tin và bình tĩnh; một tay đỡ đầu, cổ, tay còn lại nâng phần dưới của con; tiếp xúc với ngực của mẹ và tương tác với con. Tuy nhiên, mỗi bé có cách cảm nhận riêng về tư thế được bế. Nếu con quấy khóc, mẹ có thể tham khảo và chọn một trong những tư thế bế phổ biến dưới đây như: tư thế “chiếc nôi”, bế bằng hai bàn tay, tư thế “Xin chào thế giới” và bế 1 bên.
Bạn nên đọc bài viết này để biết:
- Lưu ý khi bế trẻ 4 tháng tuổi
- Gợi ý 4 tư thế bế trẻ 4 tháng tuổi đơn giản và phổ biến
Lưu ý khi bế trẻ 4 tháng tuổi
Giữ tự tin và bình tĩnh
Thông thường, trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với cảm xúc của những người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ của mình. Lần đầu bế bé, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng và không tự tin. Điều này “vô tình” làm cả bạn và con lúng túng, không thoải mái khi bế. Vì vậy, để dễ dàng bế mà bé không khóc, bạn nên bình tĩnh và thực hiện từng bước hướng dẫn dưới đây nhé!
Bạn có thể chưa biết:
Trẻ 4 tháng tuổi – Mẹ sẽ bất ngờ vì những kĩ năng mới của con!
Giấc ngủ của trẻ 4 tháng tuổi thay đổi ra sao so với các tháng trước đó?
Một tay đỡ đầu, cổ, tay còn lại nâng phần dưới của con
Trong giai đoạn này, đầu của bé là phần nặng nhất trên cơ thể. Hơn nữa, cổ và đầu cũng là khu vực nhạy cảm nên cha mẹ phải hết sức cẩn thận khi nâng đỡ. Để bế trẻ 4 tháng tuổi, bạn có thể thực hiện cách bế đơn giản sau: Mẹ chỉ cần nhẹ nhàng đỡ đầu và cổ bằng một tay, tay còn lại nâng phần mông của bé lên.
Một tay đỡ đầu và cổ bé, tay còn lại giữ hông trẻ là cách bế bé đơn giản nhất
Tiếp xúc với ngực của mẹ
Sau khi thực hiện động tác bế xong, mẹ nên đưa trẻ vào sát phần ngực của mình để bé có thể tựa đầu vào. Một khi nghe thấy tiếng tim của mẹ đập, bé sẽ cảm thấy an toàn và yên tâm hơn. Lúc này, tay phải của mẹ sẽ giữ phần mông của bé để nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Trong khi đó, tay còn lại ôm lấy đầu và cổ bé. Khi bế bé, mẹ hãy đảm bảo đầu bé hướng sang một bên để có thể thở nhé!
Tương tác với bé
Bế con là thời gian lý tưởng để đọc truyện, hát và chơi đùa cùng con, đôi lúc, mẹ sẽ muốn chuyển tay vì mỏi. Mỗi lần như thế, mẹ hãy chắc chắn có một tay để giữ phần đầu và cổ của con khi đổi tay. Ngoài ra, mỗi bé có một cảm nhận riêng về tư thế được bế. Nếu con quấy khóc, mẹ có thể tham khảo và áp dụng 1 trong 4 tư thế bế trẻ 4 tháng tuổi dưới đây nhé!
Gợi ý 4 tư thế bế trẻ 4 tháng tuổi đơn giản và phổ biến
1. Tư thế “chiếc nôi”
Đây là một trong những tư thế được nhiều mẹ sử dụng để ngắm bé yêu của mình lúc ngủ. Đồng thời, tư thế “chiếc nôi” cũng là cách dễ bế nhất trong các tư thế bế trẻ 4 tháng tuổi. Cách thực hiện như sau.
- Bước 1: Bạn đặt một tay dưới đầu và cổ để nhấc bé lên, tay còn lại ở dưới mông và hông con.
- Bước 2: Sau đó, bạn xòe các ngón tay để nâng bé lên ngực của mình, đồng thời trượt bàn tay nâng cổ và đầu của con dọc theo sống lưng. Lúc này, phần thân trên của con sẽ nằm trên cánh tay và đầu con ở phía khuỷu tay của mẹ, đồng thời tay kia vẫn tiếp tục nâng đỡ phần hông của bé.
- Bước 3: Cuối cùng, bạn đưa con đến gần cơ thể mẹ và đung đưa nếu bé thích.
Bạn có thể chưa biết:
Bé mấy tháng thì bế cắp nách được? Bế cắp nách có phải là nguyên nhân khiến chân trẻ bị vòng kiềng?
Bé 4 tháng tuổi lười bú, mẹ cần làm gì để giúp con yêu?
Tư thế “chiếc nôi” được nhiều mẹ sử dụng để ngắm bé lúc ngủ
2. Bế bằng hai bàn tay
Đây là tư thế phù hợp để cho con ăn hoặc có thể sử dụng khi bạn đang ngồi hoặc đứng. Cách làm như sau.
- Bước 1: Bạn đặt tay dưới đầu và cổ của con, lưng trẻ nằm trên phần trong của cẳng tay, đồng thời tay còn lại đỡ phần hông bé. Mẹ có thể cho con cuộn tròn cơ thể mình, hai chân duỗi ra sau.
- Bước 2: Cuối cùng, bạn kéo con sát vào ngực và eo của mình.
Khi đang ngồi, mẹ có thể đặt bé ở trong lòng và không cần nâng phần hông của con. Lúc này, tay đó có thể dùng để nâng đầu và cổ của bé hoặc cho con bú.
3. Tư thế “Xin chào thế giới”
Cách này khá giống với cách bế bé 3 tháng tuổi. Việc dùng tư thế “Xin chào thế giới” giúp thỏa mãn tính tò mò và thích khám phá những điều mới lạ xung quanh con. Cách thực hiện rất đơn giản. Bạn chỉ cần để con tựa vào ngực mình, đặt một cánh tay dưới mông bé, tay còn lại đặt trước ngực. Khi thực hiện tư thế này, mẹ phải đảm bảo con được nâng đỡ bằng cách tựa vào người mẹ. Nếu trong tư thế ngồi thay vì đứng, bạn có thể đặt con ngồi trên đùi và không cần tay để đỡ phần mông.
4. Bế 1 bên
Sử dụng cách bế này khi cổ và đầu của con đã cứng cáp hơn. Cách thực hiện như sau.
- Bước 1: Bạn đặt con ôm sát vào bên hông của mẹ sao cho một chân ở trước bụng của mẹ, một chân ở sau lưng và đảm bảo đầu của con đã hướng ra bên ngoài.
- Bước 2: Tiếp đến, mẹ dùng tay cùng bên với hông bế con để nâng phần hông bé, tay kia có thể nâng đỡ thêm hông, lưng hoặc bất cứ khu vực nào mẹ cần hỗ trợ thêm lực. Ngoài ra, bạn có thể dùng tay đó để cho con bú hoặc thực hiện những công việc khác (miễn là bé và bố mẹ cảm thấy thoải mái khi dùng tư thế này).
Tư thế 1 bên chỉ nên sử dụng khi đầu và cổ của con đã cứng cáp hơn
Qua bài viết trên, hi vọng bạn đã biết thêm những tư thế bế trẻ 4 tháng tuổi tiện lợi và dễ dàng thực hiện. Nếu là lần đầu bế con, bạn không nên căng thẳng mà hãy tự tin và thoải mái thực hiện theo các bước được hướng dẫn. Khi đã quen dần, mẹ có thể cảm nhận và điều chỉnh tư thế bế sao cho phù hợp với cả mẹ và con.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!