Chọn nấu các món cháo cho bé để có thể vừa giúp con ăn ngon miệng, vừa cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho con là điều luôn được các mẹ quan tâm và không ngừng tìm hiểu. Bên cạnh đó, thành phần dinh dưỡng cùng thực đơn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé cũng là vấn đề mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Từ 6 tháng tuổi, đa số các bé đã có thể bước vào giai đoạn ăn dặm. Lúc này, mẹ nên bổ sung vào thực đơn các món cháo dinh dưỡng nhằm cung cấp thêm dưỡng chất và năng lượng cần thiết cho sự phát triển của con. Dưới đây là một số công thức mẹ có thể tham khảo để đa dạng thực đơn hằng ngày cho bé.
Một số thành phần cần thiết trong khẩu phần của bé
Trong một bát cháo dinh dưỡng cho bé phải có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm sau đây:
- Tinh bột giúp cung cấp năng lượng: Có thể sử dụng bột gạo xay, các loại bột đóng gói để nấu cháo cho bé, hoặc dùng gạo nấu cháo thật nhừ (rây nhuyễn). Ngoài ra, chất bột đường còn có trong mì, khoai tây, ngũ cốc,…
- Chất béo: Từ dầu ăn, dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, bơ, mỡ động vật,…
- Đạm giúp xây dựng các mô và tế bào: Có trong các loại thịt, cá, tôm, cua, trứng (trẻ dưới 1 tuổi chỉ sử dụng lòng đỏ trứng). Bên cạnh đó thì đậu hũ non, đậu nành, đậu xanh,… cũng là những thực phẩm chứa nhiều đạm.
- Chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp làm sạch đường tiêu hóa, điều hòa đường huyết: Rau, củ, bầu bí, trái cây,… Đặc biệt, rau màu càng đậm thì sẽ càng có nhiều vitamin (rau dền, mồng tơi, cải ngọt, bó xôi, cà rốt, cà chua, bí đỏ,…). Tuy nhiên mẹ cần lưu ý, những loại thực phẩm này không nên nấu quá lâu vì sẽ làm mất chất.
Các món cháo cho bé ngon – bổ – dễ làm
1. Cháo thịt gà, rau ngót
- Nguyên liệu chuẩn bị:
- 40g gạo tẻ.
- Thịt gà băm nhuyễn.
- Rau ngót băm nhuyễn.
- Dầu ăn (1 thìa canh), nước (250ml)
- Cách chế biến: Cho gạo và thịt gà vào nước nấu sôi, khuấy đều. Đợi cháo chín thì cho rau ngót và dầu ăn vào, khuấy đều cho chín. Nhắc xuống để ấm vừa và cho bé ăn.
2. Cháo lươn, cà rốt
- Nguyên liệu chuẩn bị:
- 40g gạo tẻ
- 20g cà rốt
- 10g thịt lợn
- 1 con lươn loại vừa còn tươi
- Cách chế biến:
- Lươn sau khi sơ chế cho vào nồi hấp hoặc luộc chín, lấy phần thịt (đảm bảo loại bỏ hết xương), băm nhỏ.
- Nấu gạo tẻ và cà rốt thái nhỏ cho đến khi chín mềm thì lươn vào nấu tiếp
- Khi cháo chín, nêm gia vị vừa ăn rồi đun thêm 7 – 10 phút là hoàn thành.
3. Cháo bí đỏ nấu tôm
- Nguyên liệu chuẩn bị:
- 40g gạo tẻ
- Tôm tươi 30g
- 30g bí đỏ
- Dầu ăn
- Gia vị
- Cách chế biến:
- Vo sạch gạo, cho vào nồi, thêm nước và nấu thành cháo như bình thường.
- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, thái thành từng miếng nhỏ. Khi cháo chín tới thì cho bí vào ninh nhừ cùng cháo.
- Tôm sơ chế sạch, bóc vỏ rồi xay nhuyễn. Khi cháo và bí đỏ chín nhừ, mẹ cho tôm vào và khuấy đều, nêm nếm gia vị vừa ăn. Thêm một chút dầu ăn và để nguội khoảng 2 phút trước khi cho bé ăn.
Đây là một trong các món cháo cho bé chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như canxi, protein, Vitamin A, E, C và DHA giúp các con tăng cường đề kháng và phát triển trí não.
4. Cháo trứng, bí xanh
- Nguyên liệu chuẩn bị:
- Gạo tẻ 40g
- 1 quả trứng gà
- Bí xanh gọt vỏ, thái nhỏ hấp chín rồi xay nhuyễn
- 10ml dầu ăn
- 50ml nước
- Cách chế biến:
- Cho gạo vào nước nấu sôi thành cháo, thường xuyên khuấy đều.
- Trứng gà tách lấy lòng đỏ cho vào bát đánh tan
- Cho trứng từ từ vào nồi cháo, khuấy đều tay
- Khi cháo chín thì cho bí xanh và dầu ăn vào
5. Cháo thịt bò nấu mồng tơi
- Nguyên liệu chuẩn bị:
- 40g gạo tẻ
- Lá mồng tơi băm nhuyễn
- 20g thịt bò nạc băm nhuyễn
- Dầu ăn
- Cách chế biến:
- Nấu gạo tẻ thành cháo chín mềm, cho thịt bò vào nấu tiếp
- Cháo chín thì cho mồng tơi và dầu ăn vào
- Nêm gia vị vừa ăn và tắt bếp
6. Cháo thịt heo nấu rau ngót
- Nguyên liệu chuẩn bị:
- 40g gạo tẻ
- 30g thịt nạc xay nhuyễn
- Rau ngót 30g
- Cách chế biến:
- Nấu gạo tẻ với nước thành cháo đặc.
- Rau ngót rửa sạch rồi vò nát hoặc xay nhuyễn.
- Đập nhỏ hành, phi thơm rồi cho thịt heo vào xào sơ, nêm nếm gia vị vừa miệng.
- Khi cháo chín tới, mẹ cho thịt heo vào nấu cùng, đảo đều cho đến khi thịt chín thì cho rau ngót vào, để lửa liu riu trong vòng 5 phút.
- Khi cháo, thịt, rau đều chín và quyện thành màu xanh nhạt thì mẹ nêm gia vị lần nữa, sau đó trộn 1 thìa cafe dầu ăn dành riêng cho bé, rồi tắt bếp.
7. Cháo cá lóc cà rốt
- Nguyên liệu chuẩn bị:
- 40g gạo tẻ
- 20g cà rốt
- 1 con cá lóc nhỏ (cá quả)
- Gia vị
- Cách chế biến:
- Gạo tẻ nấu thành cháo trắng đặc.
- Sơ chế cá lóc rồi mang luộc hoặc hấp chín, bỏ xương lấy thịt. Đây là loại cá có khá nhiều xương nhỏ nên mẹ cần lưu ý lọc xương thật kỹ.
- Cà rốt bỏ vỏ, nấu chín, xay nhuyễn và cho vào trộn đều với cá lóc.
- Khi cháo chín thì cho hỗn hợp cá và cà rốt vào, khuấy đều, nêm nếm gia vị vừa ăn, nấu thêm khoảng 5 phút nữa rồi tắt bếp.
Các món cháo cho bé sử dụng nguyên liệu tôm, cá, hải sản,… cần được nấu thật chín và cho bé ăn khi còn tương đối ấm để cháo không bị tanh, giúp bé ăn ngon miệng hơn.
8. Cháo sữa, bí đỏ
- Nguyên liệu chuẩn bị:
- Gạo tẻ 40g
- Bí đỏ cắt nhỏ
- 4 thìa bột sữa
- 10ml dầu ăn cho bé
- Cách chế biến:
- Nấu chín bí đỏ, sau đó tán nhuyễn với ⅓ bát nước.
- Vo sạch gạo rồi nấu thành cháo cùng với bí đỏ, mẹ nhớ đảo đều tay để cháo không bị vón cục.
- Khi cháo chín vừa thì cho sữa từ từ vào, khuấy cho đến khi không thấy sữa nữa là được. Thêm dầu ăn, nhấc xuống và để nguội rồi cho bé ăn.
Thực đơn ăn dặm cho bé theo từng độ tuổi
6 – 12 tháng tuổi
- Bé từ 6 – 8 tháng: Đây là giai đoạn các bé đang bắt đầu tập ăn, do đó, mẹ nên cho con ăn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu. Lúc này, hệ tiêu hóa non nớt của bé chỉ đang dần làm quen với thức ăn, bởi thế mẹ cần lưu ý cho bé ăn từng chút một, đồng thời lượng thức năng cũng tăng dần qua mỗi tuần. Đầu tiên nên ăn 1 bữa/ngày, rồi tăng lên 2 bữa/ngày, song song với việc tăng độ đặc của cháo.
- Từ 9 – 12 tháng tuổi: Ở giai đoạn này, các bé đã có thể ăn 3 – 4 bữa đặc mỗi ngày. Bên cạnh các loại rau củ quả, mẹ nên cho bé ăn thêm trứng, thịt, cá, hải sản, dầu hoặc mỡ. Vẫn duy trì cho trẻ bú mẹ hoặc uống sữa công thức hằng ngày.
12 – 23 tháng tuổi
Khi được 1 tuổi, trẻ có thể ăn đa dạng các loại thức ăn. Trong một bữa ăn cho trẻ ở giai đoạn này cần có đầy đủ các dưỡng chất: tinh bột; trứng hoặc thịt, cá; rau củ quả và dầu mỡ.
24 – 36 tháng tuổi
Bước vào giai đoạn này, các bé đã có thể ăn cơm với các loại thức ăn như người lớn. Dù vậy, cần tránh những thức ăn quá cứng, quá dai hoặc dễ gây hóc, nghẹn.
Từ 2 tuổi trở đi, hầu hết trẻ đã không còn bú mẹ. Vì vậy, các bữa ăn cần đảm bảo bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của con. Ngoài 3 – 4 bữa chính mỗi ngày, mẹ có thể cho bé ăn thêm 1 – 2 bữa phụ. Nên cho trẻ ngồi ăn chung với gia đình để trẻ có thói quen ăn uống tốt, học được cách gắp đồ ăn và nhai kỹ trước khi ăn.
Bố mẹ cần lưu ý: Trẻ ở độ tuổi nào cũng không nên cho ăn quá nhiều đồ ăn vặt như bánh kẹo, khoai tây chiên,… vì sẽ làm trẻ đầy bụng, bỏ bữa.
Hy vọng rằng với công thức của các món cháo cho bé trên đây, mẹ sẽ có thêm nhiều ý tưởng để tự tay nấu những bữa ăn thật ngon miệng và đầy đủ dưỡng chất cho bé yêu của mình, đồng thời có thể thường xuyên thay đổi thực đơn để con không bị ngán. Chúc mẹ thành công và chúc bé hay ăn, chóng lớn!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!