Chăm sóc da bé sơ sinh đòi hỏi bố mẹ phải thận trọng, nhẹ nhàng vì làn da của con còn nhạy cảm, mỏng manh và rất dễ bị kích ứng. 6 hiện tượng phổ biến dưới đây cũng các gợi ý về chăm bé sẽ giúp bố mẹ yên tâm về làn da của trẻ.
Da của bé sơ sinh có một vai trò rất quan trọng. Thông qua màu da, tình hình da, độ mềm, khô, mịn, v.v. mà mẹ có thể biết được tình hình sức khỏe của trẻ. Làn da nhạy cảm của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Các bệnh lý sau sinh, cách chăm sóc chưa đúng cách hay môi trường sống đều có thể tác động tới làn da của bé.
Dưới đây là những vấn đề phổ biến nhất về da trẻ sơ sinh thường khiến các bố mẹ lo lắng quá mức.
1. Sao bé mới chào đời thường có làn da nhăn nheo chứ không xinh đẹp như mẹ tưởng tượng?
Trong 24 giờ đầu tiên, hầu hết nhiều bố mẹ đều thú nhận rằng, trông bé nhăn nheo không khác gì một chú khỉ con “xấu xí” chứ không hề mịn màng, dễ thương như những gì mình tưởng tượng.
Lý do đơn giản là vì, khi con chào đời, lớp mỡ tích trữ dưới da còn rất ít. Bé cân nặng càng nhẹ (đặc biệt là các bé sinh non) thì làn da sẽ càng nhăn và trong suốt. Do đó, bố mẹ không cần lo lắng mà hãy đợi thêm một vài tuần, khi con ăn được nhiều sữa và tăng cân thì bé sẽ lại xinh đẹp, dễ thương ngay thôi.
Chăm sóc da bé sơ sinh – Lớp sáp trên người bé khi mới chào đời
2. Hiện tượng bong tróc da ở trẻ sơ sinh có phải là điều bất thường?
Khi vừa chào đời, da của con bao phủ một lớp sáp trắng giúp bảo vệ làn da con. Khi lớp sáp này biến mất, bé sẽ bắt đầu lột lớp da bên ngoài trong vòng 1 – 3 tuần. Lượng da bong ra phụ thuộc vào việc bé sinh non, sinh đúng tuổi thai hoặc lớn hơn.
Bé càng có nhiều lớp sáp trắng trên da khi sinh thì càng ít bong tróc. Trẻ sinh non thường có nhiều sáp vernix nên da của trẻ bong ít hơn bé sinh ra sau 40 tuần. Hiện tượng trẻ sơ sinh bong da thường sẽ tự biến mất và không cần chăm sóc nhiều.
Mẹ hoàn toàn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để chăm sóc da cho bé sơ sinh bằng các sản phẩm kem dưỡng ẩm cho trẻ hoặc các loại sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như dầu oliu, dầu dừa.
Khi nào thì mẹ nên lo lắng về hiện tượng bong da của trẻ?
- Người sốt, mệt mỏi.
- Bé quấy khóc, khó chịu.
- Làn da con sưng đỏ, đặc biệt là vùng mắt, miệng, mũi và cổ.
- Sờ vào người trẻ sẽ thấy đau.
- Sau 24-48h, da đỏ nhanh chóng lan rộng ra toàn thân, phù nề, đau.
- Trên bề mặt da xuất hiện các bọng nước mềm, rất nông, không rõ ranh giới. Đôi khi các bọng nước này liên kêt với nhau thành mảng rộng, sau đó bong ra, để lại nền da đỏ ẩm.
Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị nhiễm trùng da. Bé cần được đi khám và điều trị càng sớm để tránh gây biến chứng.
3. Trên người bé có những bớt xanh, bớt đỏ
Đây là đặc điểm hoàn toàn bình thường với trẻ nhỏ. Bớt xanh hay còn gọi là Mongolian Spot Là các bớt sắc tố điển hình cho chủng tộc châu Á. Loại bớt này có thể nhạt dần hoặc giữ nguyên cho tới lớn. Có thể xem đây là vết tích để đánh dấu đặc trưng riêng cho em bé.
Tuy vậy, nếu các bớt nằm ở vị trí dễ nhận thấy và trẻ cảm thấy không tự tin với chúng khi con lớn lên thì có thể áp dụng lazer để tẩy các bớt này đi.
Còn bớt đỏ là các bướu máu. Thường gặp nhất là bướu máu dạng phẳng. Phần lớn chúng sẽ nhạt dần đi theo thời gian và lành tính. Trường hợp bướu máu không lành tính, lan rộng và sùi lên thì cần phải điều trị theo tư vấn của bác sĩ.
Chăm sóc da bé sơ sinh – Hiện tượng chàm sữa của trẻ
4. Bé sơ sinh bị chàm trên má thì sao?
Trường hợp bé bị khô da trên má và xuất hiện các đốm đỏ thì đó có thể là biển hiện của chàm hay trong y học còn gọi là viêm da dị ứng. Hiện tượng này không nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu cho trẻ do ngứa ngáy.
Với các bé có cơ địa dễ bị chàm như vậy mẹ nên cho bé đi khám để được tìm ra nguyên nhân tận gốc và sử dụng kem bôi theo đơn kê của bác sĩ. Không nên tự tiện mua thuốc về bôi cho bé.
Ngoài việc sử dụng thuốc bôi ngoài da theo hướng dẫn của bác sĩ thì mẹ cũng cần lưu ý thực hiện các việc sau để tránh cho chàm của bé tái phát và lan rộng:
– Luôn luôn đảm bảo độ ẩm cho làn da của bé.
– Giữ gìn làn da của bé sạch sẽ, mát mẻ. Hãy kiểm tra nếu con có mồ hôi thì cần được lau khô ráo.
– Lưu ý về nước xà phòng giặt quần áo của bé.
– Cố gắng không để trẻ gãi lên vùng da bị chàm vì sẽ khiến cho da càng dễ bị tổn thương và xây xát.
5. Những đốm trắng li ti trên mặt bé sơ sinh có gây nguy hiểm gì không?
Nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng khi các bé sơ sinh từ 1 tuần tuổi trở lên xuất hiện các mụn hay chấm trắng, đỏ nhỏ li ti trên mặt.
Đây là chàm sữa, một hiện tượng hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh. Nội tiết dư thừa từ mẹ được truyền sang bé qua dây rốn khiến tuyến dầu của trẻ bị kích thích. Bã nhờn tiết ra nhiều, bít lỗ chân lông đã làm cho bị nổi “mụn sơ sinh”.
Thông thường, sau một vài tuần, hiện tượng này sẽ dần dần biến mất mà không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
Chăm sóc da bé sơ sinh
6. Bố mẹ cần chăm sóc da bé sơ sinh để giúp con tránh bị hăm tã
Với nhiều mẹ đây là chuyện vô cùng khó chịu vì mặc dù đã bôi thuốc nhưng sau khi bé khỏi thì vài ngày hay một thời gian sau đó con lại bị tái phát.
Dù bỉm tã giúp mẹ nhàn hơn trong công việc chăm con nhưng nó cũng khiến không ít mẹ đau đầu và lo lắng với tình trạng hăm tã của con. Do đó, để giảm thiểu và phòng tránh tốt nhất, mẹ cần:
– Khi chọn mua tã cho bé, mẹ nên chú ý mua những loại có khả năng thấm hút tốt, tránh tràn hoặc các nước tè, ị thấm ngược trở lại
– Mỗi khi thay tã cho bé nên vệ sinh vùng kín của trẻ thật sạch sẽ, đặc biệt là mỗi lần trẻ đi ị.
– Trước khi mặc tã bỉm nên sử dụng kem dưỡng ẩm tại vùng da nhạy cảm như bẹn, mông, … Giúp cho hình thành lớp bảo vệ cho làn da.
Dù đã dùng bỉm nhưng mẹ vẫn cần lưu ý thay cho bé thường xuyên và thay ngay lập tức ngay khi con ị.
Theo The Asianparent
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!