Sự thật thú vị về trẻ sơ sinh dưới góc nhìn của khoa học như con nổi mẩn đỏ, giật mình, nấc nhiều hay nôn trớ sẽ giúp mẹ có thêm kiến thức và không cần lo lắng quá mức nếu con có các hiện tượng “bình thường” như thế này.
Đây là 20 sự thật thú vị về trẻ sơ sinh giúp giải đáp những lo lắng phổ biến nhất của các bà mẹ bỉm sữa lần đầu chăm con:
- Bé sơ sinh hay giật mình, giật cơ, thích vặn mình
- Trẻ sơ sinh bị nấc, trớ sữa
- Con ị quá nhiều hoặc không chịu ị trong nhiều ngày
- Bé bị bong da, bong da môi, có bớt xanh trên cơ thể
- Bé bị ra máu quanh con ngươi, nổi mẩn trắng, mẩn đỏ
- Đầu ti bé chảy sữa, tinh hoàn sưng tấy, có cục thịt thừa ở âm đạo, ra máu ở âm đạo
- Con khóc mỗi lần đi tè
- Con có nốt trắng trong miệng, lưỡi bị trắng
#1 Bé sơ sinh hay giật mình
Mẹ sẽ gặp hiện tượng này ở trẻ sơ sinh ngay từ khi mới chào đời cho đến tầm 6 tháng tuổi. Khi con đang ngon giấc hay nếu có một tiếp xúc trên thân thể, phản ứng thường thấy của con là giật nẩy người lên. Bé sẽ giơ chân, tay, xòe tay ra hoặc co người lại.
Bạn có thể chưa biết:
Nôn ở trẻ sơ sinh – Khi nào cần đến bệnh viện và cách chăm sóc bé ói
Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi có phải là biểu hiện của bệnh Down?
#2 Hiện tượng giật cơ
Khi ngủ, nhất là ở giai đoạn ngủ sâu, nhiều trẻ thường có hiện tượng chân, tay hoặc khóe miệng hơi giật. Đây là một trong các phản xạ tự nhiên của bé sơ sinh. Điều này sẽ dần dần biến mất sau 3 tháng đầu đời của trẻ.
#3 Con thích vặn mình
Đây cũng là điều hết sức bình thường với trẻ sơ sinh. Trong ngành Y gọi hiện tượng này là “hoạt động thể dục của hệ cơ ở bé sơ sinh”. Khoảng thời gian thức giấc của bé cũng giống như người lớn. Con vặn mình, nhấc chân tay lên quá đầu, cong mông và đầu gối rồi vặn người qua lại. Một số trẻ còn vặn mình đến mức mặt đỏ tía tai. Tuy vậy mẹ không cần phải lo lắng về điều này.
#4 Trẻ sơ sinh bị nấc
Điều này thường xuất hiện sau khi con đã ăn no. Cơ hoành của con hoạt động chưa nhịp nhàng với hơi thở. Trong khi ăn no khiến dạ dày con được nới rộng ra, tạo lực tác động lên cơ hoành, khiến cho cơ này bị co rút lại đột ngột. Vì thế trẻ dễ bị nấc mỗi khi ăn sữa xong.
#5 Bé sơ sinh thường bị trớ sữa
Hiện tượng này xuất phát từ việc hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện đầy đủ các chức năng. Phần cơ thực hiện nhiệm vụ giữa thực quản và dạ dày chưa hoàn toàn khép kín. Nếu con trớ sữa khi đang ợ hơi hoặc ngay khi mới ăn xong thì mẹ có thể yên tâm là điều này không ảnh hưởng gì đến lượng dinh dưỡng của con.
#6 Bé ị quá nhiều
Trẻ sơ sinh trong 2-3 tháng đầu, nhất là các bé bú sữa mẹ sẽ ị ngay sau khi ăn xong. Hoặc nếu chưa ị con sẽ vặn mình và đánh rắm kèm theo một ít phân són. Bé sơ sinh có thể ị tè từ 10-20 lần/ngày. Nếu không thấy có máu dính lẫn với phân hoặc dịch nhầy thì đây là hiện tượng không có gì đáng lo ngại.
Ảnh: Sự thật thú vị về trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh đi ị nhiều lần trong ngày có thể do nhiều nguyên nhân. Nếu mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì lý do có thể xuất phát từ chế độ ăn uống của mẹ có thức ăn chưa phù hợp với hệ tiêu hóa của bé. Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với thức ăn lạ, đặc biệt là thức ăn bị nhiễm khuẩn nên mẹ phải cực kỳ cẩn thận trong việc ăn uống.
1 số nguyên nhân khác dẫn đến việc bé đi ngoài nhiều lần có thể là do bé bị dị ứng với thức ăn dặm, hệ tiêu hóa và đường ruột của bé có vấn đề…
#7 Con không chịu ị trong nhiều ngày
Bé ăn sữa bột có thể đi ị ra phân rắn và không đi ngoài nhiều như trẻ ăn sữa mẹ. Nhiều bé phải 3-4 ngày mới đi một lần. Hiện tượng bài tiết như vậy không bị coi là bất thường. Nhiều bé bú mẹ cũng không đi ị trong nhiều ngày. Nếu con không có biểu hiện khó chịu, nôn mửa, phân mềm và ăn sữa tốt thì bé vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
#8 Bong tróc da
Ngay sau khi sinh từ 24-48 tiếng đồng hồ, lớp da bên ngoài của con sẽ bị bong tróc khá nhiều. Đây là do lớp sáp trắng có nhiệm vụ bảo vệ làn da nhạy cảm của bé trong túi ối khi con còn ở trong tử cung bắt đầu bị bong ra. Lớp da ngoài cùng dần khô và bong ra được xem là quá trình tự nhiên. Hiện tượng này sẽ tự biến mất mà không cần bôi bất kỳ loại kem nào.
#9 Môi khô và bong tróc thành lớp
Cơ thể con đang thay làn da mới mà thôi.
#10 Bớt xanh ở tay và gót chân
Thường xuyên xuất hiện ở trẻ sơ sinh trong 1-2 ngày đầu tiên khi mới chào đời. Điều này có thể do con chào đời trong môi trường nhiệt độ thấp khiến thân nhiệt trẻ lạnh và sinh ra các bớt màu xanh như vậy.
Nếu con nằm phòng có điều hòa thì nên chỉnh nhiệt độ ở 25-26 độ C để con được thoải mái, dễ chịu hơn.
Các bớt sắc tố ở trẻ sơ sinh là hiện tượng thường gặp và thường sẽ tự biến mất khi trẻ lớn hơn.
#11 Ra máu quanh con ngươi mắt
Không phải là hiện tượng quá phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra với một số trẻ. Hiện tượng này sẽ hết sau 1-2 tuần bé chào đời.
Bạn có thể chưa biết:
Tư thế ngủ của trẻ sơ sinh giúp con phát triển trí thông minh như thế nào?
Bác sĩ gợi ý biện pháp khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ trên mặt giúp con khỏe, mẹ vui
#12 Nốt mẩn trắng
Những nốt này có thể xuất hiện ở mũi, má, trán hoặc đầu ti của trẻ. Kích cỡ các nốt rất nhỏ, tầm 1mm và tự hết sau khi con 2-3 tuần tuổi hoặc cho đến khi con tròn 2 tháng tuổi.
#13 Các nốt mẩn đỏ
Thường xảy ra với một số trẻ trên 2 tuần tuổi. Hiện tượng này xuất hiện nếu con ở trong môi trường quá nóng ẩm. Tuyến mồ hôi hoạt động chưa hoàn thiện dễ bị tắc sẽ làm cơ thể con xuất hiện các nốt đỏ như vậy. Chỉ cần cho bé ăn mặc thoáng mát, không khí trong lành và nhiệt độ mát mẻ thì các mẩn đỏ này sẽ tự biến mất.
#14 Đầu ti con chảy sữa
Là đặc trưng ở nhiều trẻ sinh đủ tháng. Hiện tượng này có thể xảy ra ở cả bé sơ sinh trai và gái. Thỉnh thoảng mẹ sẽ thấy có một ít sữa rỉ ra từ đầu ti con. Hiện tượng này là do hoóc môn trong cơ thể mẹ đi qua nhau thai và truyền tới cơ thể bé sơ sinh. Mẹ không nên nặn bóp ti bé vì có thể khiến con bị đau rát.
#15 Tinh hoàn con sưng tấy
Khi mới chào đời, hầu như bộ phận sinh dục của bé trai và bị gái đều trông sưng to một cách khá dị thường. Tuy vậy, chỉ sau một vài ngày, hiện tượng này sẽ dần biến mất.
#16 Cục thịt thừa ở âm đạo bé gái
Phần thịt này trong Y học gọi là nụ sinh dục. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường và không có gì đáng lo ngại.
Sở dĩ có hiện tượng này vì các bé gái mới sinh trong những ngày đầu thường có chất dịch quánh ở âm đạo chảy ra do ảnh hưởng từ hoóc môn của cơ thể mẹ.
Khi tắm cho bé mẹ chỉ cần lau chùi nhẹ nhàng và tuyệt đối không tự tiện cậy ra. Nó sẽ tự hết sau 2-3 tuần tuổi của bé.
#17 Máu xuất hiện ở âm đạo của bé gái sơ sinh
Mẹ đừng quá hoảng hốt nếu thấy các bé gái có chút máu hồng xuất hiện ở vùng âm đạo của con vào ngày thứ 3-5 sau khi chào đời. Hiện tượng này là do hoóc môn từ mẹ đi qua nhau thai và vào cơ thể bé. 2 tuần sau sinh, biểu hiện ra máu sẽ tự biến mất hoàn toàn.
#18 Con khóc mỗi lần đi tè
Khi trẻ sơ sinh tròn 1 tháng tuổi, nhiều bé đã bắt đầu hình thành phản xạ buồn đi tiểu. Vì thế mà con khóc như thể đang rất đau đớn, đặc biệt là mỗi khi tiểu tiện sau khi thức giấc.
#19 Có nốt trắng trong miệng
Thường xuất hiện ở vòm miệng của trẻ sơ sinh. Đó có thể là các nốt rất nhỏ và nhiều. Theo thời gian, các nốt này sẽ dần biến mất và không ảnh hưởng gì đến việc bú sữa của trẻ.
Ảnh minh họa: Sự thật thú vị về trẻ sơ sinh
#20 Lưỡi trắng
Bé bú sữa mẹ hoặc ăn sữa ngoài đều có thể bị hiện tượng này. Lớp váng sữa sau khi con ăn xong đọng lại trên lưỡi có thể khiến lưỡi con có 1 lớp trắng. Thông thường hiện tượng này sẽ dần biến mất khi trẻ tầm 6 tháng tuổi trở đi. Mẹ có thể giúp con vệ sinh miệng hàng ngày sáng, tối bằng khăn xô mềm.
Nếu trẻ đã trên 6 tháng tuổi thì ngoài việc đảm bảo vệ sinh lưỡi sạch sẽ, mẹ nên cho bé uống thêm nước tráng miệng để phòng tránh tốt nhất hiện tượng này.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị trắng lưỡi do tưa miệng thì bác sĩ có thể kê thuốc chống nấm bôi trực tiếp lên các mảng lưỡi bị trắng. Để thuốc phát huy tác dụng, mẹ nên tránh cho bé ăn sau khi bôi thuốc ít nhất 30 phút.
Trẻ sơ sinh có thể gặp 1 hoặc nhiều trong 20 hiện tượng nói trên. Mẹ hãy bình tĩnh quan sát con để không quá lo lắng một cách thái quá nếu đấy là các hiện tượng hết sức bình thường và tự nhiên của trẻ sơ sinh.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!