Bé sơ sinh hay vặn mình ngủ không ngon giấc có thể là phản xạ sinh lý bình thường. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu con cần bổ sung vitamin D và canxi.
Bé sơ sinh hay vặn mình ngủ không ngon giấc – Những nguyên nhân mẹ cần biết
Trong những tháng đầu đời của trẻ sơ sinh, một số mẹ không khỏi lo lắng khi thấy em bé của mình thường có biểu hiện thích vặn mình trong khi ngủ hay thậm chí cả những lúc thay bỉm. Theo các bác sĩ nhi khoa, hiện tượng này không phải là điều bất thường.
Các mẹ hãy cùng tìm hiểu 2 lý do phổ biến nhất vì sao bé lại bị như thế.
1. Bé sơ sinh hay vặn mình là phản xạ sinh lý
Hiện tượng trẻ sơ sinh hay vặn mình được các bác sĩ chuyên khoa Nhi giải thích đây chỉ là phản xạ sinh lý bình thường của cơ thể. Khi mới sinh các tế bào thần kinh, thể vân, vỏ não chưa phát triển hoàn thiện nên phần dưới vỏ hoạt động chiếm ưu thế hơn. Vì vậy trẻ vặn mình, vận động tay chân để tìm cách thích nghi với môi trường bên ngoài tử cung của mẹ.
2. Trẻ vặn mình có thể do thiếu canxi
Nếu trẻ sơ sinh vặn mình nhiều, mạnh và kết hợp với các biểu hiện khác như bú ít, lượng ăn thất thường, tăng cân chậm, khóc đêm nhiều, tóc rụng nhiều hơn mức bình thường, thường xuyên trớ sữa thì lúc đó mới có thể đặt ra nghi vấn rằng con có khả năng bị thiếu canxi. Lúc này mẹ nên đưa bé đi khám để được tư vấn cách bổ sung vitamin phù hợp với lứa tuổi của bé.
Bé sơ sinh hay vặn mình ngủ không ngon giấc có đáng lo không?
Thông thường trẻ sơ sinh sẽ hay vặn mình, gồng mình khi ngủ, đó là biểu hiện sinh lý bình thường của trẻ, sẽ kéo dài trong vòng vài phút và tự hết, đôi khi kéo dài hơn, nếu như mẹ không phát hiện ra trẻ sẽ khóc.
Vì là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh nên khi bé lớn dần, tình trạng này cũng sẽ biến mất. Nếu bé vẫn ăn ngủ bình thường, cân nặng vẫn tăng đều đặn thì mẹ không cần quá lo lắng nhé!
Bé sơ sinh hay vặn mình ngủ không ngon giấc – Có cách nào để bé ngủ ngon hơn?
Vặn mình khiến trẻ dễ bị thức giấc, gián đoạn giấc ngủ. Khi con ngủ không ngon thường sẽ kéo theo tình trạng ăn không no và dễ quấy khóc.
Để cải thiện tình trạng này, mẹ có thể áp dụng các cách sau:
1. Kiểm tra xem bé có bị thiếu chất hay không
Xem bé có kèm các dấu hiệu khác như trở nên biếng bú, đổ mồ hôi trộm, hay nôn ói, nấc,… có thể bé đang thiếu canxi và vitamin D. Nếu có hãy đưa bé đi khám để được tư vấn về cách bổ sung vitamin D và canxi cho trẻ.
2. Quấn bé khi ngủ
Chỉ với một chiếc khăn mỏng hoặc dày tùy theo khí hậu từng vùng, quấn sẽ giúp bé sơ sinh từ từ điều chỉnh cơ thể để thích nghi với môi trường sống bên ngoài mẹ.
Chiếc quấn giữ chặt chân tay bé, nhờ đó bé không bị giật mình mỗi khi nghe thấy tiếng động lớn. Quấn cho trẻ sơ sinh đúng cách còn giúp ổn định thân nhiệt của bé, đặc biệt là với trẻ sinh non, nhờ đó mà con ngủ được sâu giấc hơn.
3. Vỗ về bé
Nếu khi bé hay vặn mình nhiều, mẹ có thể dùng tay khum lại và vỗ lên lưng con nhẹ nhàng. Nếu bé quấy khóc mẹ hãy thử bế vác bé. Tư thế bế vác giúp trẻ được nghe trái tim mẹ, nhờ đó con sẽ dễ chịu hơn.
4. Tạo môi trường thoải mái cho giấc ngủ của bé
Nhiệt độ phòng quá lạnh hoặc quá nóng cũng gây ảnh hưởng tới giấc ngủ, khiến trẻ hay giật mình, vặn mình, quấy khóc. Cho bé ngủ ở phòng thoáng mát, yên tĩnh, không ồn ào gây kích động cho bé.
Ngoài ra, mẹ nhớ giặt giũ chăn, màn thường xuyên cho bé, vệ sinh phòng sạch sẽ tránh gây ngứa ngáy khó chịu, giúp bé ngon giấc hơn.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!